COVID-19 ở TQ: Phong tỏa gần tới ngày kết thúc nhưng vết sẹo kinh tế còn rất lâu mới lành
Mặc dù được chính phủ và doanh nghiệp khuyến khích tiêu thụ hàng hóa, người dân Trung Quốc vẫn e ngại và thường chọn tiếp tục ở nhà thay vì ra đường.
- 05-04-2020Virus corona sẽ tạo ra một ‘thế hệ siêu tiết kiệm’
- 05-04-2020Hoạt động kinh doanh toàn cầu đảo lộn vì Covid-19, những công ty nào sẽ chiếm ưu thế và có khả năng phục hồi mạnh nhất sau khủng hoảng?
- 05-04-2020Nhân viên Huawei làm việc như thế nào trong thời đại dịch Covid-19?
Những cửa hiệu vắng khách
Trung Quốc đang nới lỏng các lệnh phong tỏa, nhưng các đường phố và cửa hàng vắng khách ở Bắc Kinh trong tuần này cho thấy ảnh hưởng của virus corona đối với ngành dịch vụ sẽ lâu dài và nặng nề hơn dự kiến.
Nhiều nhà hàng, cafe và quán rượu vẫn phải đóng cửa trước nguy cơ dịch bùng phát lần thứ hai. Những cửa hàng được mở cửa lại rất vắng khách.
Con phố nổi tiếng Vương Phủ Tỉnh ở Bắc Kinh vẫn im ắng trong những ngày gần đây, chỉ có vài người mua hàng đi lại ở nơi được mệnh danh là trái tim của thương mại và du lịch ở Bắc Kinh. Cửa hàng Apple có nhiều nhân viên hơn khách hàng, mọi người đều đeo khẩu trang. Các cửa hàng dọc tuyến phố đi bộ đều đóng cửa trước hoàng hôn, nhiều cửa hàng còn không mở cửa.
Tại khu ẩm thực, chỉ lác đác vài người ngồi ăn, mỗi người đều có một bàn riêng để duy trì giãn cách xã hội. Chỉ vài tháng trước, những người chậm chân còn không có chỗ để ngồi.
Mặc dù Trung Quốc đã kiểm soát được đa phần số ca lây nhiễm nội địa, nhưng nguy cơ từ các ca bệnh từ nước ngoài trở về, và những trường hợp nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng vẫn tiếp tục đe dọa nỗ lực hồi phục ngành dịch vụ của cả nước.
Một chủ cửa hàng ở Bắc Kinh nói: "Có quá ít khách hàng. Chúng tôi chỉ bán được khoảng 100 bát mì, bằng một nửa ngưỡng bình thường". Cửa hàng cũng phải cắt giảm một số món ăn vì không có đủ nhu cầu.
Một hiệu sách ở trung tâm thành phố Bắc Kinh đã tổ chức buổi lễ chính thức mở cửa sau 2 tháng rưỡi phong tỏa, nhưng chỉ có 4 khách hàng tới trong buổi sáng - một trong số đó là phóng viên của SCMP. Tất cả khách tới đều phải kiểm tra thân nhiệt và viết thông tin liên lạc trước khi được vào.
Những người làm trong ngành dịch vụ nói tình hình hiện tại "không thể tưởng tượng nổi" và lo ngại rằng không biết bao giờ mọi chuyện mới trở lại như xưa.
"Tôi chưa bao giờ thấy KFC trong tình trạng này," một nhân viên làm việc trong chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh ở Vương Phủ Tỉnh chỉ tay vào khu bàn ghế trống.
Một người bán hàng ở chợ gần đó liên tục lắc đầu khi được hỏi về việc làm ăn, nhưng cô cho biết cô vẫn thấy may mắn vì có thể quay lại Bắc Kinh trước khi lệnh cách ly 14 ngày được áp dụng từ ngày 14/2.
Các cửa hàng ở Bắc Kinh không phải là nơi duy nhất vắng khách. Khi chính phủ Trung Quốc cho phép mở cửa 500 rạp phim vào tháng 3, mỗi rạp chỉ đón được trung bình 2 khách hàng 1 ngày.
Thay đổi nếp sinh hoạt
Hiện tại, nhiều khu vực trên khắp Trung Quốc đang áp dụng lại những biện pháp kiểm soát giữa nỗi lo ngại dịch tái bùng phát. Người dân Trung Quốc tiếp tục lựa chọn ở nhà thay vì tới những nơi đã được mở cửa lại.
Thượng Hải đã đóng cửa các địa điểm du lịch, Tứ Xuyên đóng cửa các quán karaoke và rạp phim tại Trung Quốc lại ngừng hoạt động.
Trong chuyến thăm Hàng Châu, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc vẫn cần phải cẩn trọng: "Nếu muốn xem phim, thay vì tới rạp, mọi người có thể xem trên mạng".
Ngành dịch vụ chiếm tới 60% cơ cấu kinh tế Trung Quốc và cung cấp đa số việc làm cho người dân. Sự trì trệ trong quá trình phục hồi ngành dịch vụ sẽ tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, các ngành sản xuất và xuất khẩu Trung Quốc lại trở thành mũi nhọn trong thời kì này.
Tất cả những người tới Bắc Kinh đều được yêu cầu cách ly bắt buộc trong 14 ngày, việc tụ tập đông người vẫn bị cấm.
Đa số người dân vẫn chọn làm việc tại nhà, mặc dù chính quyền đang khuyến khích mọi người ra đường, tiêu thụ hàng hóa và sử dụng dịch vụ.
Ngày 1/4 vừa qua, lượng người sử dụng hệ thống tàu điện ngầm ở Bắc Kinh chỉ là 3,05 triệu người 1 ngày, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lượng xe ô tô trên đường ít hơn 15% so với năm ngoái.
Gần hai tháng phong tỏa đã thay đổi thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc. Nhiều người đã bắt đầu nấu ăn để cắt giảm chi phí.
"Tôi sẽ tiếp tục nấu ăn, kể cả khi mọi thứ trở lại bình thường. Tự nấu rẻ hơn và có lợi cho sức khỏe hơn," một luật sư Bắc Kinh họ Li nói.
Theo SCMP, các doanh nghiệp Bắc Kinh đã hợp tác để tung ra khuyến mãi trị giá 150 triệu yên để thu hút khách hàng từ ngày 18/3. Tuy nhiên, với những khó khăn trước mắt, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ khó tìm được tiếng nói chung trong tương lai gần.
Báo Dân Sinh