CPTPP: Cơ hội nào cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo?
CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản...
- 22-03-2019Làn sóng cải cách nông nghiệp phát triển mạnh nhờ CPTPP
- 21-03-2019100% thủy sản, hơn 40% hàng dệt may Việt vào Canada được miễn thuế ngay nhờ CPTPP
- 08-03-2019Bộ Công Thương ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP
Mở ra nhiều thị trường mới
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, CPTPP chính thức có hiệu lực, hứa hẹn mở ra cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho nhiều ngành hàng, trong đó có nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tham gia CPTPP giúp Việt Nam đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, tránh được những rủi ro do phụ thuộc vào một vài thị trường lớn. Trong CPTPP, mức độ cam kết mở cửa mà các đối tác dành cho Việt Nam là sâu hơn và nhanh hơn so với những cam kết của Việt Nam với đối tác. CPTPP mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA.
Trong số các quốc gia tham gia CPTPP, có 4 nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ bao gồm: Canada, Chile, Mexico và Peru. Trong số này, có tới 3 nước mà Việt Nam lần đầu tiên có quan hệ FTA là Canada, Mexico và Peru. Đặc biệt, đây đều là những nước có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan cho hàng hoá Việt Nam rất cao ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực: Canada (94%), Chile (95%), Peru (81%) và Mexico (77%). CPTPP có hiệu lực sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu cho nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản... sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Peru.
Dây chuyền sản xuất của công ty cổ phần Đại Kim. (Ảnh: Quang Trung)
Tại thị trường Canada, thuế sẽ giảm ngay từ 9,5% xuống 0%, trừ ghế gỗ dùng trong nhà thuế giảm dần về 0% sau 6 năm khi CPTPP có hiệu lực. Hiện Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn nhất về đồ gỗ phòng ngủ vào Canada (chiếm gần 30% thị phần). Canada đang tiêu thụ 166 triệu USD đồ gỗ của Việt Nam.
Trước đây, Mexico chưa phải là thị trường lớn của Việt Nam do mức thuế nhập khẩu áp cho đồ gỗ khá cao, dao động từ 10% tới 15%. Với CPTPP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào thị trường này sâu hơn vì cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho toàn bộ các sản phẩm gỗ, ván sàn và đồ nội thất, ngoại thất với lộ trình 10 năm. Khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ một cách đột biến là không có nhiều, nhưng cơ hội cho doanh nghiệp Việt sẽ lớn dần theo lộ trình giảm thuế.
Các chuyên gia nhận định, CPTPP sẽ tạo cú hích lớn và mang đến động lực quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam, góp phần đưa ngành này lên tầm cao mới trong tương lai gần. Quan trọng nhất, CPTPP được đánh giá là “cơ hội vàng” để giúp doanh nghiệp Việt Nam tập trung đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện chất lượng hàng hóa dịch vụ để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới.
Điều kiện hưởng lợi không đơn giản
Tiềm năng là vậy, nhưng các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không nắm bắt được thì có nguy cơ các cơ hội này không trở thành hiện thực bởi điều kiện hưởng lợi không đơn giản.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của CPTPP, các sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi. Đây là một bất lợi vì Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ các nước bên ngoài CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc để gia công hàng xuất khẩu, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu, hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ không được hưởng ưu đãi thuế.
Tương tự, đối với ngành dệt may, yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi, nghĩa là từ công đoạn kéo sợi, dệt nhuộm vải đều phải thực hiện trong khu vực CPTPP là thách thức không nhỏ vì Việt Nam hiện nay đang phải nhập khẩu hơn 60% nguyên phụ liệu ngoài khu vực CPTPP. Việc giải quyết nguồn nguyên liệu là bài toán không hề đơn giản với ngành dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, các quy định kỹ thuật như bao gói, nhãn mác, dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm xuất khẩu cũng là một rào cản cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào CPTPP. Bên cạnh đó, tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn tại “sân nhà”, nhiều ngành sẽ gặp khó khăn như ngành sản xuất, lắp ráp ô tô.
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Trà Vinh lo ngại, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, hiệp định không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt, không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước, trên cả 3 cấp độ: Sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.
Tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Điều này sẽ tạo không ít áp lực cho hàng hóa Việt Nam trong việc cạnh tranh với các quốc gia khác, ngay tại thị trường trong nước. Hơn nữa, khả năng thích nghi của các doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế mà tăng.
Có thể nói, CPTPP mở ra cơ hội rất lớn cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhưng cơ hội đó có trở thành những con số cụ thể trong gia tăng kim ngạch, giá trị xuất khẩu hay không lại là vấn đề khác, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp. Muốn thuyết phục được các thị trường mới có nhu cầu hàng hóa chất lượng cao, doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm, xây dựng các thương hiệu và tạo được giá trị riêng.
Điều kiện để được ưu đãi thuế theo CPTPP không hề đơn giản. Cụ thể, muốn nhận được các ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, nhiều rào cản kỹ thuật và yêu cầu xuất xứ nghiêm ngặt. Theo điều khoản về xuất xứ hàng hóa của CPTPP, các sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ từ khối CPTPP mới được hưởng ưu đãi.
VOV