MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 09/02: Hầu hết cổ phiếu đang cân bằng ngắn hạn ở các đường trung bình động 45 ngày

Đây là mức hỗ trợ tốt trong các xu hướng tăng trung hạn của cả thị trường và cổ phiếu riêng lẻ.

CTCK Rồng Việt: Chờ đợi

Một phiên hồi phục thứ hai đã không thể xảy ra khi mà dòng tiền vào cổ phiếu nhìn chung khá yếu. Chỉ có 106 mã tăng trong rổ VNIndex trong khi số mã giảm lên đến 181. Chốt phiên, VNIndex giảm mạnh 1,66% về 1.023,25 điểm.

Giao dịch tại một số mã thậm chí còn xấu hơn bởi các thông tin bất lợi. HAG và HNG là hai ví dụ điển hình khi ghi nhận dư bán sàn lần lượt 1,2 triệu và 1,6 triệu cp. Áp lực bán tăng mạnh bắt nguồn từ lo ngại bộ đôi sẽ bị hủy niêm yết do chậm trễ công bố báo cáo tài chính (BCTC) năm thứ 3 liên tiếp. Đáp lại thông tin này, đại diện của HAG xác nhận việc công bố BCTC sẽ diễn ra đúng hạn.  

Thanh khoản thị trường khá thấp với tổng GT GDKL chỉ đạt 3.590 tỷ đồng (giảm 31,7% so với phiên hôm qua). Nguyên nhân có thể do nhà đầu tư đang lo ngại về lượng cung lớn có thể xuất hiện vào ngày 09/02 (phiên thứ Ba ghi nhận tổng GT GDKL lên đến hơn 9.000 tỷ đồng, và lượng cổ phiếu này sẽ sẵn sàng cung ứng ra thị trường vào thứ Sáu).

Do nhà đầu tư không giao dịch nhiều trong phiên hôm qua, chúng tôi cho rằng việc VN-Index giảm sâu gần 1,7% không mang nhiều ý nghĩa về mặt dự báo. Điều mà chúng tôi quan tâm là nhà đầu tư sẽ hành động như thế nào trong phiên ngày 09/02.

CTCK VCBS: Nhà đầu tư được khuyến nghị sử dụng đòn bẩy một cách hợp lý

Đà giảm điểm bắt đầu ngay từ khi VN Index mở cửa. Mặc dù trong phiên sáng đã có thời điểm lực cầu bắt đáy tăng và khiến chỉ số gần quay trở lại mức tham chiếu. Tuy nhiên sang đến phiên chiều, xu hướng giảm điểm đã chiếm ưu thế khi lực bán mạnh ở nhiều mã vốn hóa lớn quay trở lại. Thanh khoản thị trường sụt giảm so với phiên hôm qua và số lượng cổ phiếu tăng giá (106) tuy đã nhiều hơn những phiên đầu tuần nhưng vẫn ít hơn đáng kể so với số lượng cổ phiếu giảm giá (181). Đóng cửa phiên, VN Index giảm 17,30 điểm (-1,66%) và HNX Index giảm 2,68 điểm (-2,24%).

Áp lực bán từ đầu tuần bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại trong những phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch. Trong khi đó lực cầu vẫn là khá thận trọng và tập trung ở những vùng giá thấp, khiến cho thị trường nhìn chung vẫn chưa tìm được điểm cân bằng. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị sử dụng đòn bẩy một cách hợp lý và quản trị rủi ro danh mục, nhất là trong bối cảnh thị trường nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian tích lũy để ổn định mặt bằng giá trước khi có thể thực sự bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới.

CTCK VPBS: Hầu hết cổ phiếu đang cân bằng ngắn hạn ở các đường trung bình động 45 ngày

Tâm lý thận trọng bao phủ khắp thị trường và bên bán nhanh chóng giành lại thế chi phối diễn biến giá. Sự thận trọng khiến giao dịch trầm lắng và diễn biến phần lớn là theo kiểu thăm dò ở nhiều nhóm cổ phiếu. Trạng thái thị trường chung trong ngắn hạn vẫn là điều chỉnh giảm với hỗ trợ tâm lý ngắn hạn ở vùng 1.000 điểm.

Tuy vậy, chúng tôi ghi nhận được ở mặt bằng cổ phiếu đã điều chỉnh khá nhiều và hầu hết đang cân bằng ngắn hạn ở các đường trung bình động 45 ngày. Đây là mức hỗ trợ tốt trong các xu hướng tăng trung hạn của cả thị trường và cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, chúng tôi cho rằng chỉ số có thể tiếp tục điều chỉnh giảm nhưng mặt bằng cổ phiếu sẽ dần phân hóa và có sự hồi phục.

CTCK BSC: Áp lực bán tiếp tục gia tăng

Thị trường hôm qua phản ánh khá rõ nét tâm lý của nhà đầu tư. Thanh khoản suy yếu đã cho thấy sự dè dặt và lo sợ sự điều chỉnh của thị trường. Cũng chính vì lý do đó khiến thị trường mất đi lực đỡ và sụt giảm sâu vào cuối phiên giao dịch. Bộ đôi HAG và HNG tiếp tục bị đẩy xuống mức giá sàn khi mà một số thông tin cho thấy hai mã này có khả năng bị hủy niêm yết.

BSC nhận định thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn khi mà sắp tới chưa có nhiều thông tin tích cực bổ sung cho thị trường. Nhà đầu tư nên cẩn thận trong phiên giao dịch ngày hôm nay khi mà tâm lý lo ngại bán ra tiếp tục đè nặng thị trường. Bên cạnh đó, phiên thứ 6 cũng là phiên t+3 của phiên sụt giảm sâu nhất, điều này có thể phần nào khiến áp lực bán tiếp tục gia tăng.

Sau đó kỳ nghỉ Tết cũng sẽ phần nào hạ nhiệt thị trường, nhiều khả năng thị trường sẽ quay lại trạng thái tích lũy và chờ đợi những thông tin tích cực từ báo cáo KQKD quý I và họp ĐHCĐ.

r��6FY

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên