MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CTCK nhận định thị trường 18/04: Chuẩn bị sẵn tiền để mua khi thị trường ngừng phản ứng một cách phi lý

Việc khối ngoại tận dụng tuần giảm điểm này để mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên 2 sàn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chung.

CTCK Rồng Việt

Sau khi tăng điểm suốt từ đầu năm và vượt ngưỡng 730 hồi đầu tuần, VN-Index những phiên gần đây đang cho thấy dấu hiệu chững lại. Và phiên cuối tuần, thị trường đã có cho mình một lý do thích hợp để giảm điểm.

Không nhiều cổ phiếu có thể giữ giá trong một phiên như hôm nay (85 mã xanh so với 186 mã đỏ). Một trong số đó là HBC, sau khi có thông tin doanh nghiệp nâng kế hoạch trong năm 2017 lên 16.000 tỷ đồng doanh thu và 828 tỷ đồng LNST (so với kế hoạch cũ là 15.000 tỷ và 757 tỷ), cũng như hoãn việc phát hành 35 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược. Một vài cổ phiếu quen thuộc khác đóng cửa trong sắc xanh là DHG, BHN, CII, NLG hay CHP.

Chúng tôi cho rằng các lý do về địa chính trị chỉ là một cái cớ cho sự sụt giảm của Vn-Index. Nhưng lực bán lớn và việc chỉ số không đủ mạnh để hồi phục trong phiên chiều cũng cho thấy thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh sâu hơn trong ngắn hạn. Kịch bản tốt nhất bây giờ đối với nhà đầu tư là có tiền để sẵn sàng mua vào khi thị trường ngừng phản ứng một cách phi lý.

CTCK BSC

Thị trường phiên cuối tuần điều chỉnh mạnh. Độ rộng thị trường tiêu cực với số mã giảm áp đảo các mã tăng (85 mã tăng/186 mã giảm). Thanh khoản thị trường vẫn duy trì mức độ giao dịch như hôm qua chủ yếu do tâm lý lo ngại các nhà đầu từ. Trong phiên này, nhóm cổ phiếu bất động sản- xây dựng và mía đường là hai nhóm giao dịch tích cực duy nhất trên cả sàn.

Vào phiên giao dịch đầu tuần sau, BSC dự đoán thị trường sẽ hồi phục và dao động quanh ngưỡng 720 điểm khi các nhà đầu tư đã điều chỉnh lại trạng thái tâm lý trước các sự kiện quân sự trên thế giới. Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư tăng tỷ trọng vào những mã cơ bản tốt trong phiên giao dịch tiếp theo.

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam

Lực cầu bắt đáy không quá sôi nổi, với thanh khoản chỉ đạt ngưỡng trung bình 20 phiên và chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Diễn biến hiện tại một lần nữa cho thấy, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra nhạy cảm trước các vấn đề bất ổn chính trị.

Hệ thống chỉ báo xác nhận xu hướng và dòng tiền trên VN-Index bắt đầu giảm mạnh, báo hiệu rủi ro thị trường duy trì ở mức cao. Do đó, nhà đầu tư không nên vội vàng bắt đáy và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp cho đến khi thị trường tái lập trạng thái cân bằng.

CTCK Bản Việt

Thị trường giảm điểm khá mạnh. VNIndex, VN30 và HNX-Index có thời điểm giảm tới hơn 1% để tiệm cận ngưỡng hỗ trợ trung hạn của đường MA50 ngày. Lực cầu tại đây đã có sự cải thiện, giúp chỉ số hai sàn thu hẹp đà giảm, tuy vậy, chưa thể ngắn được sự chuyển tiến xấu đi của tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn.

Cụ thể, chỉ số VN-Index tiếp tục đóng cửa phía dưới ngưỡng 720 điểm, qua đó chuyển tín hiệu từ Trung tính xuống Tiêu cực, đồng bộ với tín hiệu của hai chỉ số còn lại. Việc bộ tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn chuyển Tiêu cực trong khi tín hiệu trung hạn vẫn giữ trạng thái Tích cực, cho thấy mặc dù xu hướng tăng trung hạn vẫn an toàn, tuy nhiên các chỉ số có thể sẽ cần thêm sự tích lũy để chờ đợi các yếu tố hỗ trợ.

CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS

VN-Index chính thức giảm điểm trở lại sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp trước đó. Nguyên nhân của đợt sụt giảm này có thể xuất phát từ những lo ngại trước rủi ro địa chính trị tại các khu vực khác trên thế giới gia tăng, dẫn đến đà bán ra khá mạnh của nhà đầu tư trong 3 phiên cuối tuần. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Mặt khác, việc khối ngoại tận dụng tuần giảm điểm này để mua ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên 2 sàn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chung. Do đó, VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại lực cầu trong vùng hỗ trợ 710-715 điểm vào đầu tuần này, trước khi hồi phục trở lại với vùng kháng cự tại 720-725 điểm. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể tiếp tục tận dụng những phiên giảm điểm để tích lũy thêm cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các nhóm ngành tăng trưởng năm 2017.

Nhật Sự

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên