6 tháng đầu năm 2017, Vietcombank vươn lên dẫn đầu lợi nhuận ngành ngân hàng
Một nửa chặng đường kinh doanh của năm 2017 đã trôi qua, hàng loạt ngân hàng đã tưng bừng báo lãi lớn. Có những nhà băng, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tăng đột biến, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ.
- 26-07-2017Bức tranh lợi nhuận ngân hàng dần lộ diện
- 18-07-2017Lợi nhuận ngân hàng đến thời bội thu?
- 12-07-2017Lợi nhuận ngân hàng bắt đầu khởi sắc
- 11-07-2017Lãi suất cho vay giảm, lợi nhuận ngân hàng “trôi” về đâu?
Theo thống kê của chúng tôi, trong "câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ" hiện đang có 7 nhà băng góp mặt.
Song nhà băng nào đang tạm vươn lên dẫn đầu hệ thống trong nửa đầu năm?
Nếu như so với cùng kỳ năm trước hoặc cả năm 2016, thứ tự xếp hạng lợi nhuận giữa các nhà băng với mức độ chênh nhau chỉ vài chục tỷ đồng nhưng đến nửa đầu năm nay, khoảng cách đã được giãn rộng lên hàng trăm tỷ.
Cụ thể, Vietcombank đã vươn lên vị trí số 1 hệ thống ngân hàng về lợi nhuận, 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của Vietcombank vươn lên 5.254 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Đứng thứ 2 là VietinBank với 4.813 tỷ đồng. Theo sau đó là BIDV, với kết quả lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 3.708 tỷ đồng. Cả hai ngân hàng VietinBank và BIDV đều tăng trưởng lợi nhuận trên 10% trong nửa đầu năm. Đáng chú ý Vietinbank đã gia nhập nhóm ngân hàng có tổng tài sản 1 triệu tỷ ở Việt Nam.
Ở nhóm ngân hàng cổ phần không có vốn Nhà nước chi phối, VPBank tiếp tục duy trì phong độ dẫn đầu. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động và dự phòng, VPBank đạt lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 3.263 tỷ đồng và sau thuế là 2.600 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2016 và vượt 10% so với kế hoạch nửa đầu năm mà nhà băng này đặt ra.
Theo sau khá sát là Techcombank. Mặc dù ngân hàng này chưa công bố BCTC song theo thông tin từ CTCP Tập đoàn Masan, trong 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt lợi nhuận thuần trước thuế là 2.734 tỷ đồng. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần 6 tháng đầu năm 2017 ở mức 3,85% và tỷ lệ nợ xấu là 2,06%.
Hoạt động kinh doanh của MB trong 6 tháng đầu năm nhìn chung tốt hơn, thu nhập từ lãi và các hoạt động khác đều cho kết quả kinh doanh lạc quan hơn so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế quý II của ngân hàng MB ở mức 1.412 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và 6 tháng tăng 35,5% đạt 2.524 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh trong thời gian gần đây, ACB đang giành lại vị thế đã mất, lấy lại thời kỳ hoàng kim sau một thời gian khó khăn. Khởi sắc ở tất cả các mảng hoạt động, ACB gặt hái lợi nhuận nghìn tỷ trong nửa đầu năm, hoàn thành 57% kế hoạch năm với kết quả 1.262 tỷ đồng, tăng 52%.
Hai ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn là Sacombank và Eximbank cũng đang từng bước gỡ từng nút thắt nhằm cải thiện tình hình kinh doanh. Sacombank đã có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế ngân hàng ghi nhận là 578 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ là 427 tỷ đồng, tăng gấp 12 lần cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế tăng gấp gần 9 lần với 294 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, Eximbank đạt 397 tỷ lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ Eximbank 6 tháng là 400 tỷ, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ. Mặc dù, Eximbank vẫn chưa thoát lỗ lũy kế, đến thời điểm 30/6, trên sổ sách ngân hàng vẫn ghi nhận lỗ lũy kế gần 191 tỷ đồng song với nỗ lực không ngừng suốt 2 quý vừa qua, Eximbank đang đánh dấu mốc cho chặng đường hồi phục.
Tuy nhiên, đằng sau tín hiệu đáng mừng từ những con số lợi nhuận, phân tích cơ cấu thu nhập của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2017 có thể thấy rằng phần lớn lợi nhuận vẫn đến từ hoạt động tín dụng. Tín dụng tăng trưởng nhanh sẽ giúp các ngân hàng cải thiện nhanh về thu nhập nhưng nó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai vì một khoản nợ xấu thường chỉ phát sinh sau giai đoạn 2-3 năm đầu của khoản vay.
Theo chuyên gia trong ngành, làm thế nào để giảm bớt việc phụ thuộc vào cho vay, tăng tỷ trọng thu nhập từ phí dịch vụ trong tổng thu nhập hoạt động của toàn hệ thống là thách thức đòi hỏi các ngân hàng phải ưu tiên nguồn lực vào công tác phát triển sản phẩm, qua đó có thể giúp các doanh nghiệp có được nguồn vốn nhưng lại không phải thông qua các khoản vay thông thường từ các ngân hàng. Đó chính là các sản phẩm phái sinh, là kết hợp giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền tệ. Khi đó, ngân hàng sẽ chỉ đóng vai trò trung gian nhằm đưa nguồn vốn của người dân trực tiếp đến các doanh nghiệp.
Trí Thức Trẻ