'Cú hích' cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế với những con số tăng trưởng ấn tượng, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động tăng cao, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi sắc là những tín hiệu khả quan, “cú hích” mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam bước vào 2 quý cuối năm nỗ lực phấn đấu đạt được những mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra.
- 22-07-2022Các tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát xung quanh mức 4%
- 21-07-2022PGS. TS Trần Đình Thiên: Trong điều kiện bất thường, có thể chấp nhận lạm phát ở mức 5-6% để bơm tiền cứu nền kinh tế
- 21-07-2022Gần 80% lao động nước ngoài cảm thấy không có áp lực tiền bạc khi sống và làm việc tại Việt Nam
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của 2 năm đại dịch, kinh tế-xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022 vẫn có những gam màu sáng khi các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng ấn tượng.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, để đạt được những kết quả ấn tượng đó, trước hết là nhờ vào những quyết sách điều hành kinh tế vĩ mô, giải pháp tháo gỡ các "điểm nghẽn" linh hoạt, cụ thể, thiết thực của Chính phủ, trong đó có chính sách về tài khóa, tiền tệ để các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, hiệu quả.
Tín hiệu lạc quan từ các doanh nghiệp Việt Nam
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hoạt động đều đã được mở lại, nền kinh tế Việt Nam với độ mở rộng hơn, rất nhiều nhà đầu tư tìm đến thị trường Việt Nam. Chúng ta cũng đã thúc đẩy thị trường nội địa để tăng sức mua trong dân; tổ chức lại các điểm bán, đặc biệt ở các trung tâm bán lẻ, siêu thị, chợ đầu mối để người dân, người tiêu dùng tìm kiếm sản phẩm hàng hóa dịch vụ thuận lợi nhất.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, 2 năm COVID-19 là cơ hội để chúng ta đẩy mạnh kinh tế số, áp dụng công nghệ truyền thông trong việc đưa ra rất nhiều giải pháp tối ưu nhất để doanh nghiệp tiếp cận khách hàng cũng như người dân, người tiêu dùng được tiếp cận các nền tảng kinh tế số.
"Khi chúng ta đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính cởi mở hơn, đẩy mạnh hành chính số, nâng từ cấp độ 3 lên cấp độ 4, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, môi trường kinh doanh, các chuỗi giá trị liên kết khu vực được nâng lên. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng đạt 26% nhưng trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, đã có 30-35% tổng số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng của khu vực và toàn cầu. Đây là tín hiệu rất tốt", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó với con số hơn 116.900 doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022 (lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp) đã minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế bất chấp những khó khăn trong thời gian qua. Bởi theo ông Mạc Quốc Anh đã có rất nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, bỏ thị trường; rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kể cả sản xuất đã thay đổi và bị triệt tiêu. Bây giờ chúng ta có lực lượng doanh nghiệp mới, không chỉ mạnh về số lượng mà còn mạnh về chất lượng, sản xuất theo được nhu cầu thị trường.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết, bản thân các doanh nghiệp mới cũng phải xây dựng các chiến lược kinh doanh hết sức bài bản để kêu gọi các nhà đầu tư, có bộ máy chuyên môn hóa cao, minh bạch về tài chính. Hiện nay trong lực lượng doanh nghiệp mới có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ thông tin, kinh tế số ngay từ lúc mở doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vươn mạnh ra thị trường thế giới khi hàng loạt các hiệp định thương mại song phương, đa phương đã được Chính phủ ký kết trong những năm qua.
Nâng cao quy mô, liên kết các dự án FDI
Theo ông Mạc Quốc Anh, để đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp FDI thì bản thân doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi lớn và mạnh mẽ từ quy trình, nhân sự, minh bạch về tài chính, công tác thị trường phải lớn hơn, rộng hơn.
"Đặc biệt là trong hợp tác FDI, hoàn thiện sản phẩm từ độ thô, độ tinh phải là quá trình dài, phải tinh hơn trong từng sản phẩm, đạt được tiêu chuẩn, tiêu chí mà doanh nghiệp FDI đặt ra", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, việc hợp tác với các doanh nghiệp FDI sẽ nâng tầm doanh nghiệp Việt khi chúng ta tiếp cận được công nghệ lõi, quy trình quản trị thương mại quốc tế của các doanh nghiệp FDI, khi chúng ta muốn mở rộng thị trường ra quốc tế.
Nhiều thách thức đối với doanh nghiệp trong những tháng cuối năm
Tuy nhiên, theo ông Mạc Quốc Anh, các doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn về nguồn vốn. Hiện nay, các thủ tục tiếp cận nguồn vốn đã được đơn giản hóa về hồ sơ, thủ tục nhưng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hợp lý thì hiện nay còn khó.
Mặt khác, ở góc độ thị trường, thị trường nội địa đang chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Họ có tiềm lực tài chính, quản trị, khả năng về thương mại quốc tế cao.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát lạm phát rất tốt từ 3-4% nhưng trên thế giới hiện nay lạm phát đang cao, có một số nước đang phát triển lạm pháp tăng từ 8-10%. Khi hàng hóa leo thang thì người dân và người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, khả năng cầu kém đi mà nguồn cung thì dồi dào. Vì vậy, thị trường quốc tế sẽ phải hạn chế chi tiêu, "thắt lưng buộc bụng" nên khả năng mở rộng quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp lại. Từ đó, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng sẽ bị sụt giảm. Năm 2019, lợi nhuận trên mỗi đầu sản phẩm doanh nghiệp từ 10-20%, hiện nay lợi nhuận của doanh nghiệp rất thấp từ 3-5%, nếu trừ đi các khoản lãi ròng thì lợi nhuận của doanh nghiệp còn thấp hơn nữa khi phải đối diện với dịch bệnh có thể bùng phát lại, ảnh hưởng từ các cuộc xung đột làm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến các chi phí vận tải, vận chuyển, logistics tăng không kiểm soát được. Chi phí vận hành đầu vào cũng như đầu ra của doanh nghiệp bị ảnh hưởng vừa là nguyên nhân trực tiếp vừa là gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Để nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững
Từ nay đến cuối năm, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, điều hành chính sách vĩ mô phải ổn định linh hoạt trong thời gian dài. Có những chính sách phải kéo giãn cho đến 30/6/2023. Ví dụ giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% (hiện nay chúng ta đang áp dụng đến tháng 12/2022), việc kéo dài thêm sẽ tạo một cú hích khi thị trường của chúng ta mong muốn tăng tổng cầu.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp về vốn hợp lý để các doanh nghiệp tiếp cận được dễ dàng. Thị trường chứng khoán có nhiều tín hiệu tích cực nhưng phải tiếp tục có những động thái mạnh mẽ để lấy lại được niềm tin của các nhà đầu tư vì đây là kênh dẫn vốn tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đối với công tác thị trường, cần đẩy mạnh thị trường nội địa; ưu tiên thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp có những sản phẩm dịch vụ xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ có những giải pháp để thu hút doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu đầu tư vào Việt Nam.
"Thực tế năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thế giới rất mạnh, họ cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Nếu thu hút được, đây là cú hích tốt nâng cao chuỗi giá trị liên kết mang tính khu vực vào toàn cầu của Việt Nam", ông Mạc Quốc Anh nói.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao để cung cấp cho những doanh nghiệp khu vực quan trọng để mở rộng thị trường trong thời gian tới.
VGP