Cứ ngỡ điều tồi tệ nhất đã qua, dân Mỹ trước nguy cơ đón thêm "Giáng sinh buồn" vì sự bùng phát của Omicron
Sở hữu lượng vắc xin khổng lồ, nước Mỹ tưởng như đã có thể đón một Giáng sinh an lành. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã làm đảo lộn mọi thứ, đe dọa dịp lễ quan trọng nhất năm ở nền kinh tế số 1 thế giới.
- 21-12-2021Omicron qua mặt mọi biến thể để thống trị Mỹ chỉ trong một tuần, đẩy hệ thống y tế đối mặt với áp lực
- 21-12-2021Chạy đua với Omicron
- 21-12-2021Tưởng như cứu cánh cho đại dịch, Omicron tiềm ẩn nguy cơ làm chao đảo thị trường chứng khoán và đây là những khoản đầu tư sáng giá
- 21-12-2021Nỗi lo sợ mang tên Omicron quét qua thị trường tài chính khiến vàng, USD lao dốc
- 21-12-2021Biến chủng Omicron lây lan mạnh ở Mỹ, Dow Jones có lúc giảm 600 điểm
Khi mùa du lịch và nghỉ lễ bước vào giai đoạn cao điểm, số ca mắc Covid-19 mới lại đang tăng đột biến ở Mỹ, buộc các thống đốc và thị trưởng phải một lần nữa tính tới các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn nhằm ngăn thảm họa xảy ra.
Tại bang New York, số ca mắc mới đã tăng 80% trong 2 tuần qua. Tại thủ đô Washington, yêu cầu đeo khẩu trang đã được tái ban bố khi số ca mắc mỗi ngày nhiều hơn 3 lần so với thời điểm bắt đầu tháng 12. Tại Boston, thị trưởng Michelle Wu đã yêu cầu các nhà hàng, phòng Gym phải hỏi chứng nhận tiêm phòng của người sử dụng dịch vụ.
Hôm 20/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo Omicron chiếm chưa tới 1% tổng số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ vào đầu tháng 12 nhưng hiện nay đã chiếm ¾ số ca mắc mới. Cơ quan này cũng cảnh báo mức độ lây lan của biến thể này là đáng kinh ngạc.
Trong khi đó, Thị trưởng New York Bill de Blasio nhấn mạnh thành phố phải "hành động nhanh hơn" để đối phó với làn sóng Covid-19 mới. Ông Blasio nhấn mạnh thành phố sẽ tập trung vào việc tăng cường tiêm chủng, nâng cao khả năng xét nghiệm và đảm bảo năng lực của các bệnh viện. Tuy nhiên, ông Blasio cũng nói rằng mọi người vẫn được yêu cầu làm việc trực tiếp đồng thời khẳng định một đợt phong tỏa khác "sẽ có tác động khủng khiếp với người dân thành phố này".
Mặc dù những con số đáng báo động của những đợt bùng phát trước đó có thể lặp lại nhưng cũng có bằng chứng sơ bộ từ Nam Phi cho thấy biến thể Omicron ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với các biến thể khác. Tỷ lệ nhập viện ở các quốc gia phía nam châu Phi hiện vẫn ít hơn so với các đợt bùng phát dịch trước.
Ngoài ra, một bộ phận người dân, đã quá mệt mỏi với các biện pháp chống dịch, không sẵn sàng cho các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn dịch bệnh như đóng của trường học và các cơ sở kinh doanh.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra ở Mỹ. Trong ngày 21/12, Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ nói chuyện với công chúng về biến thể Omicron. Ông Biden được cho là sẽ cảnh báo nhiều hơn nữa về độ nguy hiểm của Omicron nhưng cùng với đó là sự đề cao vắc xin và thuốc điều trị. Việc đóng cửa các trường học hoặc thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn sẽ ít có khả năng hơn.
Thực tế, Tổng thống Biden đã nhiều lần nói rằng không cần phải đóng cửa đất nước một lần nữa. CDC cũng đã công bố hướng dẫn mới đối để mở cửa trưởng học, bao gồm cho trẻ em tiếp xúc với virus tiếp tục được tới trường thay vì phải cách ly ở nhà.
Dù số ca mắc biến thể Omicron tăng ở nhiều nơi nhưng các nhà khoa học tin rằng vắc xin vẫn ngăn chặn được điều tồi tệ nhất. Dẫu vậy, một số nhà nghiên cứu cũng lo ngại tỷ lệ lây nhiễm quá lớn sẽ gây nguy hiểm cho hệ thống y tế, vốn đã rất căng thẳng của Mỹ suốt thời gian qua.
William Haseltine, một nhà virus học và cựu giáo sư Trường Y Harvard, chủ tịch Access Health International - một tổ chức tư vấn sức khỏe toàn cầu phi lợi nhuận, nói rằng: "Chúng ta đang gặp rắc rối lớn. Hãy tránh các phương tiện giao thông công cộng nếu có thể và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết và đã đeo khẩu trang".
Ông Haseltine cho rằng đáng lẽ nước Mỹ phải rút ra được bài học cho chính mình từ những đợt bùng phát dịch đã qua thay vì đánh giá thấp biến thể này và không chuẩn bị cho sự quay trở lại của Covid-19 với mức độ nguy hiểm cao hơn. Điều đó có thể khiến nước Mỹ phải trả giá.
Ở thời điểm hiện tại, số người mắc Covid-19 phải nhập viện vẫn đang tăng cao. Nhiều bệnh viện đã sắp quá tải và một số bang đã phải huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia để giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự tại các bệnh viện. Thậm chí, một số cơ sở y tế đã đăng quảng cáo trên truyền thông để van nài người dân địa phương đi tiêm phòng.
Beth Gaudet, một y tá 42 tuổi, nói rằng các bệnh viện ở miền nam Maine đều đã kín giường. Thậm chí, nhiều người y tá cũng đang mắc bệnh. Nguy cơ các bệnh viện quá tải là điều đã được cảnh báo trên diện rộng chứ không chỉ ở một vài tiểu bang nhất định.
Trước mối nguy của biến chủng Omicron, nhiều sự kiện thể thao, kinh tế đều đã bị hoãn hoặc hủy trên phạm vi toàn cầu. Ngành du lịch cũng đã chịu những thiệt hại nặng nề, nhất là trước những kỳ vọng cho một sự trở lại vào dịp nghỉ lễ năm nay.
Sự bất an đã lan sang thị trường tài chính. Trong phiên giao dịch đầu tuần, S&P 500 đã giảm 1%, nối dài thêm mức giảm 2% của tuần trước. Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều giảm điểm. Thị trường tài chính nói chung cũng đã gánh chịu tác động.
"Lần đầu tiên kể từ khi Omicron xuất hiện, chúng ta có lý do để lo lắng về tác động của nó đối với quỹ đạo tăng trưởng của nền kinh tế", Lindsey Bell, chiến lược gia tiền tệ và thị trường tại Ally Invest, cho hay.