MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện

18-06-2019 - 18:20 PM | Sống

Phong trào anti-vaccine đang được xem là cực kỳ nguy hại cho xã hội hiện nay. "Nhờ" phong trào này mà những dịch bệnh tưởng như đã biến mất từ lâu đang một lần nữa có nguy cơ bùng phát trở lại.

"Dịch hạch đã biến mất mà loài người chẳng cần làm gì!"

"Ừ, chỉ sau khi giết hết 1/3 châu Âu thôi!"

Phía trên là chỉ là một đoạn hội thoại hư cấu nhưng có thể xem là điển hình giữa một người bình thường và người theo trào lưu "anti-vaccine" - hay còn gọi là bài trừ vaccine - hiện đang được đánh giá là cực kỳ nguy hại.

Những người theo trào lưu này luôn cho rằng vaccine chỉ là một cú lừa của khoa học, khiến con người dễ nhiễm bệnh hơn, hoàn toàn không cần thiết cho cộng đồng. Vậy nên, họ luôn chối bỏ vaccine.

Nhưng dù có chối bỏ thế nào, chẳng ai có thể phủ nhận sự thật rằng nhiều dịch bệnh đã bị đẩy lui từ khi vaccine xuất hiện. Và thực chất, loài người khó có thể phát triển được như ngày nay nếu vaccine không chặn 6 căn bệnh hết sức tầm thường dưới đây lại.

1. Đậu mùa - chứng bệnh giết người với tốc độ hàng ngàn người/lần

Đậu mùa là chứng bệnh gây ra bởi virus variola và có khả năng lây lan qua đường không khí. Triệu chứng bên ngoài của bệnh là những vết mụn rộp nổi khắp mặt và thân thể như những hạt đậu, mưng mủ và vỡ ra thành sẹo. Còn bên trong, virus tấn công hệ miễn dịch, khiến người bệnh chết cực nhanh.

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 2.

Minh họa người bị đậu mùa

Thế kỷ 17, người châu Âu đặt chân lên châu Mỹ đã mang theo căn bệnh đậu mùa và gây ra một bệnh dịch cực kỳ khủng khiếp tại đây. Căn bệnh khi đó đã giết rất nhiều người, với tỷ lệ 3:10 người mắc bệnh.

Năm 1796, bác sĩ Edward Jenner nhận ra rằng con người có thể kháng lại virus đậu mùa nếu từng nhiễm một chủng virus tương tự nhưng yếu hơn và ít nguy hiểm. Để rồi qua một số thí nghiệm, Jenner đã tạo ra loại vaccine đầu tiên trên thế giới dành cho căn bệnh này.

Trong vòng 1 thế kỷ tiếp theo, vaccine đã trở nên phổ biến khắp các nước phát triển. Năm 1972, nước Mỹ tuyên bố họ đã loại bỏ hoàn toàn bệnh đậu mùa. Và chưa đầy 1 thập kỷ sau, tổ chức Y tế thế giới WHO cũng thông báo đậu mùa là bệnh dịch đầu tiên bị loại bỏ hoàn toàn, với tỷ lệ chạm 100% trên phạm vi toàn cầu.

2. Bại liệt - những bệnh nhân cả đời tật nguyền

Bại liệt cũng là một chứng bệnh gây ra bởi một loại virus sống ký sinh trong cổ họng và ruột của nhiều người.

Quá trình gây bệnh tương đối phức tạp. Chỉ 25% người nhiễm virus bộc lộ các triệu chứng giống cảm cúm rồi nhanh chóng khỏi bệnh. Phần còn lại thì gần như không có triệu chứng gì cả.

Tuy nhiên, có một tỉ lệ nhỏ khi phát bệnh lại kèm theo biến chứng, khiến cơ thể bị tê liệt dẫn đến suy hô hấp rồi tử vong. Nhiều đứa trẻ đã phải sống hàng tuần trong một cỗ máy khổng lồ đề hỗ trợ thở, bởi chứng bại liệt khiến hệ hô hấp không thể hoạt động. Theo số liệu từ Đài phát thanh quốc gia Hoa Kỳ, có ít nhất 3000 trẻ đã chết vì bại liệt riêng trong năm 1952.

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 3.

Những cỗ máy hỗ trợ thở dành cho bệnh nhân bại liệt

Trong thế kỷ 20, việc trẻ em chết vì chứng bệnh này phổ biến đến mức loại bảo hiểm bại liệt dành cho trẻ sơ sinh cũng xuất hiện. Và điều nguy hiểm hơn cả là virus bại liệt có thể lây lan rất nhanh trong các môi trường như bể bơi, trường trông trẻ... vì nó lan truyền qua đường miệng.

May mắn là đến năm 1955, vaccine bại liệt đã xuất hiện và tỷ lệ tử vong cũng giảm đi nhanh chóng. Năm 1979, căn bệnh có thể xem như đã bị loại bỏ tại Mỹ. Trường hợp gần nhất mắc bại liệt ở quốc gia này là từ thập niên 1990, nhưng nguồn lây bệnh lại là từ nước ngoài.

Theo WHO, hiện tại chỉ có 3 quốc gia vẫn còn xem bại liệt là dịch bệnh, bao gồm: Nigeria, Pakistan, và Afghanistan.

3. Bạch hầu - lây lan cực nhanh

Đây có thể xem là một trong những chứng bệnh có tốc độ lây lan nhanh và để lại hậu quả nghiêm trọng nhất. Năm 1921, có khoảng 200.000 người tại Mỹ nhiễm bệnh, trong đó hơn 15.500 trường hợp tử vong.

Người mắc bệnh sẽ hình thành các triệu chứng giống với bệnh đau họng, nhưng cơ thể yếu dần và các tuyến trong miệng sưng lên. Sau đó một màng nhầy màu xám trắng sẽ xuất hiện bọc lấy cổ họng, nên mới gọi là "bạch hầu".

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 4.

Bạch hầu gây ra bởi vi khuẩn. Nếu để lâu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào mạnh máu, tạo ra độc chất khiến tế bào thần kinh bị tổn hại vĩnh viễn, thậm chí gây trụy tim mà chết.

Bệnh lây lan qua đường nước bọt khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, vậy nên vào đầu thế kỷ 20, những người sống ở khu vực đông đúc dân cư cũng chịu rủi ro nhiễm bệnh rất cao.

Vaccine cho căn bệnh này xuất hiện vào thập niên 1920, và cũng từ đây mọi thứ đã được giải quyết nhanh chóng. Theo thống kê từ CDC, cả nước Mỹ chỉ có khoảng 5 trường hợp mắc bạch hầu trong thập kỷ vừa qua. Dù vậy, một số quốc gia đang phát triển trên thế giới vẫn đang bị căn bệnh này đe dọa.

4. Quai bị - mặt sưng húp, biến chứng vô sinh

Viêm tuyến nước bọt - hay còn gọi là quai bị - là một trong những căn bệnh trẻ em dễ mắc bệnh nhất và cũng rất dễ gây ra biến chứng.

Quai bị do virus gây ra (paramyxovirus), lân lan qua đường nước bọt. Hiện tại chúng ta đã có vaccine chống quai bị, nhưng trước khi thuốc ra đời thì có đến gần 200.000 người Mỹ nhiễm virus này mỗi năm cơ.

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 5.

Khi nhiễm virus, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau đớn do tuyến nước bọt sưng lên. Cục sưng ấy cũng khiến việc ăn uống trở nên khó khăn, và dần dần cơ thể người bệnh yếu dần.

Quai bị hiếm khi gây chết người, nhưng biến chứng để lại thì không hề đơn giản. Người bệnh có thể bị điếc vĩnh viễn, nam giới bị teo tinh hoàn dẫn đến vô sinh (ít nhất 20% - 30% trường hợp).

Năm 1967 khi vaccine quai bị ra đời, các trường hợp nhiễm bệnh tại Mỹ đã giảm tới 99%, và gần như biến mất hoàn toàn ngày nay.

5. Dịch sởi: phát ban, sốt cao, biến chứng vĩnh viễn

Sởi là một căn bệnh tấn công hệ hô hấp và nội tạng, gây ra bởi virus. Triệu chứng của bệnh cũng giống như bị cúm: sốt cao, sổ mũi... nhưng kèm theo các vết ban đỏ nổi khắp người. Đây là một trong những căn bệnh nguy hiểm, bởi nếu không điều trị kịp thời rất dễ để lại biến chứng - từ mù lòa, tổn thương não, đến tử vong.

Trước khi vaccine sởi ra đời, có khoảng 3 triệu người nhiễm sởi mỗi năm, 48.000 người xuất hiện biến chứng, và khoảng 500 người tử vong (riêng tại Mỹ).

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 6.

Đặc biệt, sởi có khả năng lây lan rất nhanh vì nó lan truyền qua đường không khí. Virus gây bệnh sẽ vẫn lởn vởn trong phòng, ngay cả khi người nhiễm bệnh đã rời đi vài giờ đồng hồ. Và vì bệnh ủ trong vòng 1 - 2 tuần, người bệnh có thể bị nhiễm và khiến dịch bệnh lây lan mà không hề hay biết.

Năm 2000, CDC thông báo căn bệnh đã được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dịch sởi đang có nguy cơ tái bùng phát ở nhiều khu vực nhờ "ơn" của phong trào anti-vaccine.

Cứ thoải mái chối bỏ, nhưng 6 căn bệnh này sẽ khiến nhân loại khổ sở hơn rất nhiều nếu vaccine không xuất hiện - Ảnh 7.

6. Rubella - tổn thương não, gây dị tật bẩm sinh

Rubella (hay còn gọi là dịch sởi Đức) có các triệu chứng rất giống sởi, nhưng nhẹ hơn. Người bệnh xuất hiện các vết ban đỏ trên người, mạch máu trong mắt nổi lên, và thường chỉ cảm thấy sốt nhẹ. Thậm chí, 50% trường hợp còn chẳng bộc lộ triệu chứng gì.

Tuy nhiên, mối nguy hại mà rubella gây ra lại là đối với các thế hệ sau. Năm 1964, khoảng 12,5 triệu người Mỹ mắc Rubella, và có đến 11.000 sản phụ sảy thai hoặc sinh con dị tật chỉ vì loại virus này. Những đứa trẻ sinh ra bị đục thủy tinh thể, khiếm thính, chậm phát triển, mắc bệnh tim nguy hiểm...

Vaccine cho rubella xuất hiện vào cuối thập niên 1960. Và theo New York Times công bố vào năm 2015, rubella đã bị loại bỏ hoàn toàn ở các nước phía Tây bán cầu.

Tham khảo: Business Insider, Science Alert, WHO

Theo J.D

Helino

Trở lên trên