MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng chung tay đối phó Nga, Đức bất ngờ tung "quân bài" đặc biệt khiến các nước châu Âu nao núng bất an

25-12-2022 - 21:52 PM | Tài chính quốc tế

Cùng chung tay đối phó Nga, Đức bất ngờ tung "quân bài" đặc biệt khiến các nước châu Âu nao núng bất an

Ngay khi mùa đông lạnh giá ập đến, châu Âu đang vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong nhiều thập kỷ, theo tờ báo Ả rập Al Jazeera.

Rủi ro không đồng đều

Giảm thuế. Giảm tiêu thụ điện năng. Nỗ lực tìm kiếm sự thay thế cho nguồn cung khí đốt từ Nga. Đây là các biện pháp của châu Âu khi nguồn cung năng lượng bị cắt.

Nga là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu trong thời gian qua nhưng khi nguồn cung này bị cắt, một số quốc gia dễ bị tổn thương hơn những quốc gia khác.

Ba Lan, Phần Lan và Slovakia hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khí đốt của Nga do vị trí địa lý gần với các đường ống cung cấp.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng phụ thuộc vào Nga. Vào năm 2021, một nửa lượng khí đốt của Đức được nhập khẩu từ Nga. Đặc biệt là ngành công nghiệp hóa chất khổng lồ của Đức với hơn 300.000 nhân viên cũng cần sử dụng khí đốt làm nguyên liệu.

Tiếp theo đó, có những quốc gia mà khí đốt chiếm tỷ trọng cao trong lĩnh vực năng lượng như Ý (40%), Hà Lan (37%), Hungary (33%) và Croatia (30%).

Mặc dù phụ thuộc vào Nga ở các mức độ khác nhau nhưng các quốc gia này đều đối mặt lạm phát nghiêm trọng do giá xăng tăng cao kỷ lục.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một số quốc gia đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế khí đốt của Nga.

Cùng chung tay đối phó Nga, Đức bất ngờ tung quân bài đặc biệt khiến các nước châu Âu nao núng bất an - Ảnh 1.

Một trạm nén khí gần Włocławek, Ba Lan. Ảnh: Reuters

Dựa vào khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)

Các quốc gia châu Âu đang chuyển sang sử dụng LNG để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, vốn chủ yếu được vận chuyển bằng đường ống. Từ tháng 1 đến tháng 9/2022, EU đã nhập khẩu kỷ lục LNG.

Maartje Wijffelaars, nhà kinh tế cấp cao tại Rabo Research có trụ sở tại Hà Lan, nói với Al Jazeera, trong số các quốc gia châu Âu, Ý là nước tích cực tìm kiếm nguồn cung LNG nhất.

Chuyên gia Wijffelaars cho biết, ngay sau khi xung đột nổ ra, Ý bắt đầu tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế từ Azerbaijan, Algeria và Ai Cập

Một số quốc gia, bao gồm Tây Ban Nha, Pháp và Ý, có lợi thế đi đầu do sở hữu các kho cảng LNG cố định sẵn có so với các nước châu Âu khác như Đức, vốn phụ thuộc vào đường ống.

Nhiều quốc gia châu Âu đang chuyển sang cảng LNG nổi vì nó mất ít thời gian xây dựng hơn so với một cảng cố định trên đất liền.

Trong kế hoạch này, Đức tiên phong. Nước này gần đây đã hoàn thành cảng chứa LNG nổi đầu tiên trong số năm cảng theo kế hoạch. Sau khi hoàn thành, Đức sẽ trở thành một trong những quốc gia có công suất nhập khẩu LNG cao nhất châu Âu. Hy Lạp cũng có ý định xây dựng 5 cảng LNG nổi.

Nhưng sẽ mất ít nhất vài năm để các quốc gia như Qatar, Úc và Mỹ tăng sản lượng LNG cho châu Âu.

Chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Ben Cahill nói với Al Jazeera rằng: " Cho đến lúc đó, áp lực tăng giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng ".

Trong những tháng gần đây, khu vực đồng euro đã chứng kiến ​​mức lạm phát tăng mạnh nhất kể từ khi thành lập; khoảng 70% lạm phát trong tháng 9 là do giá năng lượng.

Nhưng một số quốc gia xử lý khủng hoảng hơn những quốc gia khác.

Cùng chung tay đối phó Nga, Đức bất ngờ tung quân bài đặc biệt khiến các nước châu Âu nao núng bất an - Ảnh 2.

Đức có ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt lớn nhất châu Âu. Ảnh: aljazeera

Kiềm chế giá

Pháp đã kiềm chế giá khí đốt hộ gia đình ở mức tương đương thời điểm tháng 10/2021 và hạn chế tăng giá điện vào năm 2022 xuống 4% so với năm 2021. Mới đây nhất, nước này tuyên bố sẽ hạn chế tăng giá điện và gas ở mức 15% vào năm 2023.

Nếu không có những biện pháp này, hóa đơn hộ gia đình Pháp sẽ tăng hơn gấp đôi.

Quốc gia này ít phụ thuộc vào khí đốt Nga so với nhiều nước châu Âu khác, mà phụ thuộc nhiều vào năng lượng hạt nhân.

Nhưng nhiều nhà máy điện hạt nhâ đang bảo trì, có nghĩa là Pháp phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng. Tuy nhiên, giới hạn giá khí đốt và điện giúp nước này giữ tỷ lệ lạm phát ở mức thấp nhất trong toàn EU trong 12 tháng qua.

Thực tế, kể từ tháng 9/2021, nhiều quốc gia châu Âu đã lập quỹ tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung khí đốt bắt đầu cả khi xung đột xảy ra.

Các quốc gia đã bổ sung tài chính vào quỹ đó khi xung đột khiến giá dầu và khí đốt tăng cao hơn.

Nhưng trong khi Pháp và Tây Ban Nha đang áp giá trần và giảm giá nhiên liệu để giảm bớt chi phí cao cho người dân, thì nhiều quốc gia như Đức, tập trung nhiều nhất vào việc cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời thực hiện các bước như cắt giảm thuế.

Ví dụ, ở Áo, các hộ gia đình được giảm giá một lần 150 euro (158 USD) cho hóa đơn năng lượng, trong khi những hộ gia đình dễ bị tổn thương nhất được giảm giá gấp đôi.

Tuy nhiên, việc Đức tập trung vào biện pháp tăng thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp đã góp phần làm tăng nhu cầu và đẩy mạnh lạm phát.

Ngược lại, Pháp và Tây Ban Nha đã thực hiện các bước trực tiếp để kiềm chế lạm phát bằng cách kiểm soát giá điện. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2023, Đức sẽ bắt đầu trợ cấp tiền điện cho người tiêu dùng. Động thái này sẽ làm giảm lạm phát.

Trong khi Pháp và Tây Ban Nha kiểm soát giá cả và Đức dẫn đầu về hỗ trợ tài chính, thì Vương quốc Anh lại gặp khó khăn.

Tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 10 là 11,1%, đạt mức cao nhất trong 40 năm. Và không giống như Đức, nước này chỉ phân bổ khoảng 97 tỷ euro (103 tỷ USD), tương đương 3,5% GDP, để xử lý khủng hoảng.

Các chuyên gia cho biết, toàn bộ khu vực châu Âu đang phải đối mặt với những vấn đề nhức nhối trong những tuần, tháng và năm tới khi các quốc gia khác nhau thực hiện các biện pháp khác nhau. Một trong những câu hỏi lớn nhất là: Các quốc gia có nên nghĩ đến nước mình trước không?

Gần đây nhất, Đức đã công bố gói hỗ trợ 200 tỷ euro (210 tỷ USD) mới để đối phó giá khí đốt tăng cao. Điều đó khiến các quốc gia khác bất an trong bối cảnh EU kêu gọi các quốc gia thành viên phối hợp đối phó.

An An

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên