MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cùng nhau thống trị thị trường dầu ăn, nhưng lợi nhuận của Cái Lân gấp 14 lần Tường An

28-04-2016 - 12:09 PM | Doanh nghiệp

"Chú voi" Tường An quá nhỏ bé khi so kè về với "vị thần biển cả Neptune" về hiệu quả kinh doanh.

Với doanh số hàng năm vào khoảng trên 1,1 tỷ USD theo số liệu của Euromonitor, phân khúc dầu ăn và chất béo là một trong những sản phẩm có quy mô lớn nhất của thị trường thực phẩm hàng năm. Dù rằng là một thị trường lớn nhưng thị trường dầu ăn lại nằm trong tay rất ít doanh nghiệp lâu năm như Cái Lân, Tường An, Golden Hope Nhà Bè, Tân Bình…

Những cái tên “mới nổi” khác như Quang Minh Group, Otran, Bình An, An Long hay các thương hiệu nhập khẩu vẫn có thị phần khiêm tốn.

Cái Lân bành trướng

Trong số những doanh nghiệp dẫn đầu, Cái Lân và Tường An là 2 đơn vị có quy mô lớn hơn cả. Tổng doanh thu của hai công ty này trong năm 2015 lên đến gần 15.000 tỷ đồng – tức chiếm 2/3 toàn thị trường.

Với hàng loạt thương hiệu mạnh, từ Neptune, Simply đến Meizan, doanh thu của Cái Lân đạt xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với Tường An, đạt 3.600 tỷ.

GIống như nhiều lĩnh vực cạnh tranh gay gắt khác, phần lớn lợi nhuận của ngành dầu ăn rơi vào công ty dẫn đầu. Ngay cả khi có thị phần đứng thứ 2 thì lợi nhuận vẫn rất khiêm tốn.

Với quy mô quá lớn trên thị trường, Cái Lân cũng nắm trong tay phần lớn lợi nhuận của toàn ngành. Với 1.223 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận của Cái Lân gấp 14 lần so với Tường An và gấp 10 lần tổng lợi nhuận của Tường An, Golden Hope Nhà Bè và Tân Bình (Nakydaco) cộng lại.

So với năm 2014, doanh thu của Cái Lân tăng không đáng kể nhưng lợi nhuận lại tăng gấp rưỡi, nhiều khả năng là do giá nguyên liệu giảm.

Cái Lân có được lợi thế rất lớn khi là công ty con của Wilmar, một trong những tập đoàn sản xuất dầu thực vật lớn nhất thế giới có trụ sở tại Singapore. Các doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước hiện đều phải nhập khẩu phần lớn dầu nguyên liệu từ nước ngoài về tinh luyện.

Vocarimex đứng sau hưởng lợi

Đằng sau sự cạnh tranh khốc liệt giữa Tường An và Cái Lân nhằm củng cố thị phần thì có một công ty ngồi hưởng lợi từ thành quả của 2 công ty này, đó là Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – Vocarimex.

Hiện Vocarimex sở hữu 51% và nắm quyền kiểm soát đối với Tường An. Bên cạnh đó còn sở hữu 24% cổ phần của Cái Lân, 49% cổ phần tại Golden Hope Nhà Bè và 17,8% Nakydaco.

Một khi lợi nhuận của Cái Lân quá lớn thì lợi ích mà Vocarimex được hưởng cũng sẽ tăng theo. Tuy nhiên, với vai trò là công ty mẹ của Tường An thì có lẽ ban lãnh đạo Vocarimex cũng không muốn thấy cảnh Tường An ngày càng “lép vế” so với Cái Lân.

Tập đoàn Kido hiện đang sở hữu 24% cổ phần của Vocarimex và có kế hoạch nâng lên mức chi phối 51% trong thời gian tới. Hiện các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Vocarimex đều là đại diện đến từ Kido.

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên