Cuộc chiến đấu thầu nhà bùng lên khắp thế giới: Nhà không bếp, không WC vẫn được bán với giá hơn 80 tỷ đồng
Từ Mỹ, Anh cho đến Australia và Trung Quốc, người mua đang điên cuồng săn lùng khắp mọi nơi để có thể sở hữu một căn nhà mơ ước. Họ sẵn sàng đưa ra những điều kiện tưởng như bất hợp lý cho đến mức giá không tưởng.
- 01-07-2021Công ty được mệnh danh là 'chúa nợ' đã được Bắc Kinh cứu khỏi bờ vực sụp đổ như thế nào?
- 30-06-2021Thảm kịch của một trong những khoản đầu tư thất bại nhất SoftBank: Đốt sạch 3 tỷ USD với tham vọng cách mạng hóa ngành xây dựng, phá sản vì sự mù quáng của CEO
Từ Mỹ, Anh cho đến Trung Quốc, thị trường nhà ở đang ở trong giai đoạn bùng nổ kéo dài. Theo Knight Frank, giá bất động sản toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2006, với mức tăng hàng năm là 2 con số.
Một phân tích của Bloomberg Economics cho thấy, sự điên cuồng của thị trường bất động sản đang lóe lên những dấu hiệu cảnh báo về quả bong bóng tương tự thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, sự điên rồ trong các buổi đấu thầu mua nhà đang diễn ra với những câu chuyện kỳ lạ diễn ra khắp nơi. Một số người mua chán nản đến mức hứa hẹn sẽ đặt tên con đầu lòng theo tên người bán và các tòa nhà bị bỏ hoang lại được bán với giá như biệt thự.
Những yếu tố thúc đẩy tình trạng này là: các khoản thế chấp giá rẻ, mong muốn có thêm không gian sinh sống sau đại dịch, những người làm việc từ xa muốn di chuyển đến các nơi xa trung tâm và quan trọng là nỗi sợ hãi về việc nếu không phải bây giờ thì sẽ không bao giờ mua được nhà.
Là một nhân viên kinh doanh bất động sản, Kristin Cripps biết rằng thị trường bất động sản ở Barrie – thành phố đang phát triển, cách Toronto khoảng 1,5 giờ lái xe về phía bắc, đang rất nóng. Giá nhà ở thành phố bị đẩy lên cao "ngất ngưởng" khi người mua săn lùng những ngôi nhà lớn hơn hoặc bất động sản nghỉ dưỡng gần Hồ Simcoe.
Tuy nhiên, chị rất bất ngờ với việc bán một ngôi nhà nghỉ dưỡng 1 phòng ngủ. Đây không phải là một bất động sản có gì đặc biệt, khi nhìn từ bên ngoài nó trông như một "chiếc hộp nhỏ". Song, trong 24 giờ kể từ khi đăng bán, 192 lượt đặt trước đã được thực hiện. Và đây mới chỉ là khởi đầu.
Trong suốt 3 ngày sau đó, các nhà thầu và văn phòng môi giới liên tục xuất hiện mà không hẹn trước. Họ trực tiếp đến xem nhà dù tuyết rơi trong khi Cripps đang thực hiện buổi tham quan ảo bên trong ngôi nhà.
Con đường nhỏ hẹp dẫn đến ngôi nhà nhanh chóng bị tắc nghẽn, trên dưới 6 chiếc ô tô bị kẹt ở con mương gần đó và phải dùng xe cẩu kéo ra ngoài. Ở đỉnh điểm của cuộc chiến đấu thầu, Cripps ước tính chị nhận được khoảng 75 email mỗi 20 phút và không ngủ quá 2-3 tiếng để nỗ lực trả lời thắc mắc của người mua.
Cuối cùng, chị đã nhận được 71 lời đề nghị. Ngôi nhà được niêm yết với giá 399.000 CAD (328.665 USD) và bán với giá gần gấp đôi là 777.777 CAD.
Một ngôi nhà cách Sydney khoảng 7 km về phía bắc, không có bếp, nhà vệ sinh hay điện và thậm chí chưa được lát nền, sơn đã được bán với giá 4,7 triệu AUD (3,5 triệu USD), sau một phiên đấu giá khốc liệt.
Đây chỉ là một mức giá đáng kinh ngạc khác ở thành phố gần bến cảng. Tại đây, hơn 1 nửa số ngôi nhà được bán trong năm nay đã thu về cho các chủ nhà ít nhất 1 triệu AUD và lợi nhuận hàng quý tính đến tháng 5 là cao nhất trong hơn 30 năm. Tháng 5, giá nhà tại Australia tăng thêm 1.263 USD/ngày.
Joe Recep nhân viên môi giới tại NG Farah Real Estate cho biết: "Tôi đã ở trong ngành này 25 năm và chưa từng chứng kiến điều gì tương tự. Chúng tôi nhận được 30.000 yêu cầu xem nhà trong 4 tuần từ UAE, Dubai, Mỹ, New Zealand và tất cả các quốc gia châu Á."
Đó là sự sôi động của phân khúc bất động sản cao cấp. Những người mua trở về từ nước ngoài và người dân giàu có trong nước sẵn sàng chi trả những khoản tiền lớn để có được một cuộc sống đáng mơ ước tại Australia.
D’Leanne Lewis – chủ tịch của đại lý bất động sản Laing+Simmons, đã bán được những căn nhà với mức giá kỷ lục 60 triệu AUD chỉ trong 1 ngày vào tháng 5. Con số này cao hơn so với số tiền mà chị bán được trong 1 tháng trước đó.
Trong số 5 ngôi nhà mà Lewis bán ra trong ngày "đắt hàng" nhất có một căn 8 phòng ngủ, 9 phòng tắm ở Bellevue Hill, một khu vực có giá đắt đỏ ở phía đông thành phố. Căn nhà có giá trước phiên đấu giá là 25 triệu USD, cao hơn gần 40% so với giá quảng cáo và hơn gấp 3 lần so với mức giá 7 triệu USD được bán ra vào 5 năm trước. Dù rất khang trang, nhưng căn nhà lại không có view ra sông hay lối vào như mong đợi với mức giá đó.
Trong khu nhà giàu của Greenwich (Connecticut), bạn thậm chí không thể tin rằng có trường hợp không xem nhà trước khi đề nghị mua. Một nhóm người mua đã không xem trước căn nhà trị giá 1,55 triệu USD vừa được niêm yết, họ vẫn quyết định trả giá cao hơn với giá chào bán. Điều kiện duy nhất của họ là xem nhà 1 lần trước khi ký hợp đồng.
Mark Pruner – nhà môi giới của Berkshire Hathaway HomeServices ở Greenwich, cho biết: "Ngôi nhà đã được mua với mức giá thầu cao nhất
Giá nhà tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm vào tháng 4, trong bối cảnh giá nhà ngoại ô và nông thôn tăng mạnh. Theo công ty định giá Miller Samuel và nhà môi giới Douglas Elliman Real Estate, vào tháng 5, các hợp đồng đã ký dành cho những ngôi nhà cho 1 gia đình đã tăng hơn gấp 3 lần so với 1 năm trước đó lên 165. Quý I, giá nhà trung bình tăng 31% lên 2,24 triệu USD.
Tại Manhattan, doanh số bán nhà cũng tăng trong những tháng gần đây nhưng phần lớn là nhờ triển vọng giảm giá. Cơn sốt mua nhà còn "nóng" hơn ở những khu vực ngoại ô nước Mỹ, ví dụ như Take Boise (Idaho). Theo công ty môi giới Redfin, nhiều người mua đến từ California và các bang có giá nhà đắt đỏ khác đã khiến thị trường nơi này trở nên điên cuồng.
Đầu tháng 4, giá nhà tại Take Boise đã tăng 42% so với 1 năm trước đó. Trong cùng tháng , 8/10 khách hàng đưa ra lời chào mua đều phải đối mặt với cuộc chiến đấu thầu.
Những người mua luôn cảm thấy nôn nóng, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đảm bảo có được thỏa thuận, bao gồm cả việc hứa sẽ không thực sự chuyển đến. Shauna Pendleton – nhà môi giới tại Redfin, cho biết 1 người bán nhà ở địa phương đã thương lượng việc ở lại căn nhà trong 5 tháng với giá thuê rất thấp cho đến khi nhà mới được hoàn thiện.
Pendleton nói: "Người bán biết rằng họ ở ‘cửa trên’ trong thị trường này, do đó họ tạo ra ‘luật chơi’."
Việc mua bất động sản ở Anh hiện tại là một điều không hề dễ dàng. Theo đại lý bất động sản Hamptons International, gần ¼ số ngôi nhà được bán trong vòng 1 tuần, nhiều trong số đó "có chủ" trước khi được niêm yết trên các trang thông tin bất động sản.
Sự cạnh tranh khốc liệt đang khiến những người mua như Alyson Nash (63 tuổi) và chồng trở thành những người không có nhà. Họ đã bán ngôi nhà ở trạng trại của gia đình vào năm ngoái và thuê một ngôi nhà để "săn lùng" bất động sản gần Guildford.
8 tháng sau khi đưa ra lời đề nghị mua 3 căn nhà với giá chào bán ít nhất là 2,5 triệu bảng (3,5 triệu USD), họ bất lực. Nash chia sẻ: "Tôi chưa bao giờ đoán trước được mọi việc sẽ khó khăn đến vậy. Có rất ít bất động sản trên thị trường và nếu có, thì ai cũng đang săn đuổi."
Thị trường bất động sản bùng nổ đã làm xuất hiện tình trạng thổi giá. Các giao dịch bất động sản ở Anh không có ràng buộc pháp lý cho đến khi hợp đồng chính thức được trao đổi – vốn mất vài tháng sau khi đề nghị được chấp nhận. Ở bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn này, người bán có thể chấp nhận một lời đề nghị mua khác.
Kiểm soát hoạt động đầu cơ tài sản là mục tiêu chính của Bắc Kinh. Song, ngay cả họ cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi ở hầu hết khắp nơi trên thế giới, cơn sốt bất động sản lan rộng đến khắp các vùng ngoại ô, thì người mua ở Trung Quốc vẫn đổ dồn đến các thành phố lớn. Đây là những địa điểm giúp họ dễ dàng tìm được việc làm và trường học tốt.
Giá nhà hiện tại ở các thành phố này đã tăng 10,8% trong năm nay tính đến tháng 5, bất chấp những đợt kiểm soát gắt gao về việc ly hôn giả - được thực hiện nhằm "lách luật" với quy định số lượng bất động sản 1 gia đình có thể sở hữu.
Theo viện nghiên cứu của công ty bất động sản E-House, một căn hộ tại Thâm Quyến có giá cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình của người dân. Khi giá nhà tại Thâm Quyến tăng mạnh nhất trong số các thành phố ở đại lục, thì những trở ngại đối với người mua tiềm năng không ngừng trải dài.
Tại một dự án mới ở phía tây thành phố, các bên quan tâm đã phải chuyển tạm thời 1 triệu tệ và nộp báo cáo tín dụng cá nhân trước khi đưa ra giá thầu. Nhiều trong số đó đã nỗ lực làm như vậy, nhưng mọi thứ không hề dễ dàng. Họ xếp hàng dài ở các ngân hàng để chờ nộp tiền dù đã đóng cửa, nhưng đề nghị mua vẫn không được chấp nhận.
Dưới áp lực của cơ quan quản lý nhà ở địa phương trong việc ưu tiên cư dân, nhà phát triển Coaster Group đã quyết định xét hồ sơ của những người nộp đơn về thời gian nộp thuế. Trong đó, 2.114 đơn đăng ký thành công đều có hồ sơ thuế hơn 23 năm.
Điều này mang đến sự thất vọng cho nhiều người, trong đó có Jerry Huang (24 tuổi). Anh đã nộp thuế trong 14 năm tại Thâm Quyến. Đây là lần thứ 3 các yêu cầu phi tài chính khiến anh không thể đưa ra giá thầu. Do đó, anh quyết định gác lại kế hoạch mua nhà, khi biết rằng mình không có cơ hội.
Tham khảo Bloomberg