MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc chiến nhân lực thời Covid-19 của dịch vụ giao hàng Nhật Bản

18-04-2020 - 22:26 PM | Tài chính quốc tế

Các chuỗi nhà hàng tại Nhật Bản đang phải đối mặt với những trở ngại từ đại dịch Covid-19, trong khi đó, các doanh nghiệp vận chuyển đồ ăn cũng đang chật vật tìm kiếm nhân viên để có thể đáp ứng nhu cầu tăng cao từ phía khách hàng, trong bối cảnh Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Chikaranomoto, đơn vị chủ quản của chuỗi nhà hàng ramen Ippudo, ngày 14/4 hạ dự báo lợi nhuận trong năm tài chính 2020 xuống còn 680 triệu yên (tương đương 6 triệu USD) so với mức 1,15 tỷ yên (hơn 10 triệu USD) trước đó. Công ty cũng đang xem xét lại kế hoạch mở rộng số lượng nhà hàng lên 600 vào năm 2025.

Chuỗi nhà hàng ramen này cũng quyết định cắt giảm lương của lãnh đạo từ 10% đến 32%, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Chuỗi cừa hàng cà phê lớn của Nhật Bản Doutor Nichires cùng ngày thông báo trong vòng một năm tính đến hết tháng 2, doanh thu của công ty tăng 1,5% lên 131,1 tỷ yên (khoảng 1,2 tỷ USD). Lợi nhuận công ty trong khoảng thời gian đó tăng 1,4% lên 10,2 tỷ yên (khoảng 95 triệu USD). Ở thời điểm hiện tại, công ty vẫn chưa đưa ra dự báo cho tình hình tài chính của công ty trong năm tới, trong bối cảnh “sự bất ổn đang không ngừng tăng cao” và “tương lai là rất khó nắm bắt”. Doutor Nichires đóng cửa hơn 460 cửa hàng thuộc hai thương hiệu chuỗi cà phê mà công ty sở hữu, bên cạnh đó, giảm thời gian mở cửa của khoảng 380 cửa hàng.

Yoshinoya, chuỗi nhà hàng nổi tiếng tại Nhật Bản, không công bố dự báo cho năm tài chính 2021, khi dịch bệnh đang lây lan ra toàn thế giới. Công ty này cho biết “tâm lý mua sắm của người dân đang thấp do họ được khuyến cáo hạn chế ra khỏi nhà, bên cạnh đó là quy định đóng cửa hoặc giảm giờ hoạt động của các cơ sở kinh doanh đã ảnh hưởng không nhỏ lên doanh thu của công ty”.

Cũng giống như Doutor Nichires, Yoshinoya khá thành công trong năm 2019 khi ghi nhận lợi nhuận ròng lên đến 700 triệu yên (khoảng 6,5 triệu USD), trong khi năm tài chính trươc đó, công ty này lỗ luỹ kế đến 6 tỷ yên (khoảng 56 triệu USD). Doanh số công ty tăng 6,8% lên 216,2 tỷ yên (hơn 2 tỷ USD) nhờ các chiến dịch marketing hiệu quả và công ty cũng xây dựng thành công thực đơn mới.

Phần lớn trong số 600 nhà hàng của Yoshinoya tại Trung Quốc, buộc phải đóng cửa hoặc giảm số giờ phục vụ ngay sau kỳ nghỉ tết Âm lịch, giờ đây đã mở cửa trở lại nhưng nhiều người tại quốc gia đông dân nhất thế giới này vẫn còn rất e ngại việc ra khỏi nhà, công ty này cho biết. Tại các nhà hàng của công ty tại Mỹ và Đông Nam Á, chỉ dịch vụ bán hàng mang đi được phép hoạt động. Tại Nhật Bản, công ty đã quyết định cho đóng cửa hơn 200 nhà hàng tính đến ngày 14/4.

Để bù đắp cho sự sụt giảm doanh số, bởi giờ đây khách hàng không thể đến ăn trực tiếp, Yoshinoya gia tăng thêm số lượng các nhà hàng cung cấp dịch vụ giao hàng. Tính đến thời điểm hiện tai, có khoảng hơn 750 nhà hàng của công ty có cung cấp dịch vụ này, tăng gần 100 nhà hàng so với trong tháng 2.

Cuộc chiến nhân lực thời Covid-19 của dịch vụ giao hàng Nhật Bản - Ảnh 1.

Nhân viên của website đặt đồ ăn trực tuyến Demae-can. Ảnh: Nikkei.

Kushikatsu Tanaka, điều hành một chuỗi quán bar bình dân, trong tháng 4 cho ra mắt sản phẩm hộp ăn trưa và xây dựng nên thực đơn đặc biệt dành cho các khách hàng mua đồ ăn mang đi.

Công ty cho biết doanh thu và lợi nhuận đều tăng trong giai đoạn 3 tháng kết thúc vào tháng 2 với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 34,3% và 91,5%. Nhưng liệu điều tương tự có xảy đến với công ty trong quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 hay không là điều chưa thể dự đoán được bởi công ty vừa cho dừng hoạt động của 41 cơ sở kinh doanh hôm 13/4. Kusshikatsu Tanaka “đang tính toán những ảnh hưởng từ dịch bệnh lên tình hình kinh doanh".

7 lãnh đạo cấp cao của Kushikatsu Tanaka chấp nhận giảm 20% lương trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6. Số tiền đó sẽ được phục vụ cho công tác mua sắm các dụng cụ cần thiết để phòng chống dịch Covid-19, như khẩu trang, và phân bổ cho các cơ sở kinh doanh vẫn được phép mở cửa của công ty, đang bán đồ mang đi và cung cấp dịch vụ vận chuyển tận nhà.

Việc thay đổi trong hình thức kinh doanh của nhiều nhà hàng khi giờ đây họ chủ yếu phục vụ các suất ăn mang đi đồng nghĩa với sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng những người giao hàng cũng trở nên khốc liệt hơn.

“Chúng tôi vẫn có đủ số lượng nhân viên giao hàng ở thời điểm hiện tai nhưng chúng tôi không chắc chắn dịch bệnh sẽ còn xảy ra trong bao lâu nữa và nhu cầu đặt hàng đồ ăn giao đến tận nhà của người dân sẽ thay đổi như thế nào trong tương lai. Chúng tôi cần có sự chuẩn bị tốt nhất”, theo Kumi Fujimoto, người phát ngôn của website đặt đồ ăn trực tuyến Demae-can.

Công ty, sở hữu website đặt đồ ăn trực tuyến lớn nhất Nhật Bản, hợp tác với đơn vị chuyên vận chuyển Sushi Ride On Express để có thể gia tăng số lượng nhân viên giao hàng. Với việc những ca bệnh nhiễm Covid-19 đang không ngừng tăng cao tại Nhật Bản, số lượng đơn hàng của Demae-can đã tăng lên 3,03 triệu chỉ tính trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Công ty trong tuần trước tuyển thêm nhân viên, vốn trước kia làm việc trong các nhà hàng nhưng hiện tại đang thất nghiệp do những nhà hàng họ làm việc đóng cửa. Công ty không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô của đợt tuyển dụng lần này và chỉ cho biết “có rất nhiều đơn ứng tuyển ngay trong vòng  đầu tiên”.

Khi dich bệnh kết thúc, Demae-ca sẽ thanh lý hợp đồng đối với những nhân viên đó để họ có thể quay trở lại với công việc cũ. Họ sẽ được trả tiền theo giờ, áp dụng với từng khu vực họ chịu trách nhiệm.

“Khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, chúng tôi vẫn tin rằng nhu cầu mua hàng mang đi và vận chuyển đơn hàng tăng tại Nhật Bản bởi dịch vụ này đã rất phổ biến tại nhiều quốc gia khác như Trung Quốc và Hàn Quốc”, Fujimoto chia sẻ.

Nhiều người dân Nhật Bản vẫn tỏ ra khá lưỡng lự khi sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn vì trong các gia đình, người phụ nữ thường có xu hướng tự nấu ăn và chỉ coi những bữa ăn mua về là giải pháp tình thế.

“Đây sẽ là cơ hội tốt cho chúng tôi và các chuỗi nhà hàng có thể nâng cao mức độ phổ biến của loại hình dịch vụ mới này”, bà cho biết.

Chuỗi cửa hàng Domino Pizza tại Nhật Bản cũng sẽ tăng số lượng nhân viên. Công ty lên kế hoạch tuyển thêm khoảng 5.000 lao động bán thời gian và khoảng 200 lao động toàn thời gian phục vụ giao hàng trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Công ty hiện có hơn 600 cửa hàng trên khắp Nhật Bản và tham vọng nâng số lượng cửa hàng lên 1.000 trong thời gian tới.

Việc bảo vệ sức khỏe của cả khách hàng và nhân viên giao hàng là điều các doanh nghiệp cần phải lưu ý tới. Demae-can khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán phi tiền mặt nhằm tránh sự lây lan của dịch bệnh. Họ cũng sẽ kiểm tra sức khỏe đối với các nhân viên giao hang trước khi họ thực hiện công việc mỗi ngày.

Cho dù doanh thu của công ty tăng 22,7% lên 3,8 tỷ yên trong giai đoạn từ 12/2019 đến 2/2020, Demae-can vẫn phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế lên tới 900 triệu yên cũng trong khoảng thời gian đó. Công ty này đang không thể kiếm đủ tiền để có thể bù các chi phí vận hành và marketing.

Cuộc chiến nhân lực thời Covid-19 của dịch vụ giao hàng Nhật Bản - Ảnh 2.

Theo Trọng Đại

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên