Cuộc đời bi kịch của người đàn ông có chỉ số IQ vượt xa Einstein, Newton: Từ đứa trẻ được nuôi dạy để trở thành “thần đồng” đến kiếp sống chui lủi, ra đi trong cô đơn và bệnh tật
Sinh ra đã sở hữu chỉ số IQ cao nhất thế giới, cuộc đời của William Sidis là những chuỗi ngày được bố mẹ “lập trình” sẵn để trở thành “thần đồng”.
- 22-12-202120 năm sau, 3 kiểu trẻ này rất dễ bị xã hội ĐÀO THẢI: Bố mẹ nhận biết sớm, uốn nắn kịp thời để tương lai con không tăm tối
- 21-12-20216 kiểu sinh viên chưa ra trường đã bị doanh nghiệp "từ chối", xã hội "đào thải", nguy cơ thất nghiệp rất cao dù học ở các trường top đầu
- 12-12-2021Khi được hỏi “ai là chủ của anh chị”, chủ tịch REE và PCT Dragon Capital VN trả lời đầy bất ngờ, một nhân vật quyền lực khác cũng ghé qua livestream và để lại bình luận “cực chất”
William James Sidis được mệnh danh là người đàn ông thông minh nhất thế giới khi sở hữu chỉ số IQ trong khoảng 250 - 300, vượt xa hai thiên tài lỗi lạc Einstein và Newton.
Tài giỏi hơn người, cứ tưởng rằng tương lai của William James Sidis sẽ vô cùng xán lạn, thế nhưng "thần đồng" nhỏ tuổi lại không được sống một cuộc đời trọn vẹn khi phải chịu những hệ quả từ phương pháp giáo dục nuôi dưỡng thiên tài của bố mẹ để lại, và ánh nhìn soi mói của truyền thông. Thế rồi từ một đứa trẻ mang kỳ vọng sẽ thay đổi thế giới, cuối cùng lại chọn làm những việc "tầm thường" và ra đi trong bệnh tật và cô đơn.
Từ đứa trẻ được “ kỳ vọng” đến tuổi thơ bị “đánh cắp”
William James Sidis sinh ngày 1 tháng 4 năm 1898 tại New York. Mẹ ông - Sarah Mandelbaum Sidis là một bác sĩ y khoa và cha ông - Boris Sidis là một nhà tâm lý học nổi tiếng đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực Tâm thần học.
Có bố mẹ đều là những người tài giỏi và kiệt xuất, William James Sidis được kỳ vọng sẽ tiếp bước đấng sinh thành để tạo nên những thành tích nổi bật. Quả đúng như mong đợi, ngay từ khi còn bé, William đã sớm bộc lộ những khả năng hơn người của mình.
Trong cuốn tiểu sử của William - The Prodigy, tác giả Amy Wallace tiết lộ rằng cha mẹ của ông cực kỳ đề cao tri thức và họ có niềm tin sâu sắc rằng việc giáo dục trí tuệ sớm sẽ tạo ra thần đồng, vì vậy, họ chuyên tâm dạy dỗ và rèn luyện "cục vàng" của mình từ rất sớm.
Mẹ của William thậm chí đã chi một số tiền lớn để mua sách, bản đồ và các tài liệu khác nhằm khuyến khích việc học tập của con trai mình. Trong khi đó, cha ông luôn cố gắng phát triển khả năng suy luận và tư duy của cậu bé. Thậm chí, ông đã nhiều lần tranh luận với đứa con trai bé nhỏ về tâm lý học và nhiều môn học nâng cao khác. Tuy nhiên, William lại không mấy vui vẻ khi được bố mẹ đối xử đặc biệt như vậy.
Lên tám tuổi, William James Sidis có thể nói tám thứ tiếng, bao gồm tiếng Hy Lạp, tiếng Anh và tiếng Nga... Thậm chí, ông còn tự tạo ra một ngôn ngữ riêng cho mình được gọi là 'Vendergood'. Năm chín tuổi, William được nhận vào học tại Đại học Harvard nhưng vì còn quá nhỏ nên phải đợi đến 11 tuổi mới chính thức được ghi danh vào trường.
Trong hai năm sau đó, William học toán tại Đại học Tufts, tại đây, thần đồng nhỏ tuổi này đã dành thời gian sửa chữa những lỗi sai trong sách giáo khoa và nghiên cứu lý thuyết tương đối của Albert Einstein.
Ảnh: Brightside
Năm 1909, cậu bé 11 tuổi William James Sidis trở thành người trẻ nhất theo học tại đại học Harvard. Ông còn được đánh giá là người tài giỏi nhất trong số các thần đồng tại Harvard năm 1909. Cùng năm đó, William đã có một bài thuyết trình về các vật thể bốn chiều cho Câu lạc bộ Toán học Harvard.
Sự hiểu biết của ông về các chủ đề phức tạp đã thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia và giới truyền thông. Khi nghe những bài luận, bài diễn thuyết tầm cỡ của William, nhà vật lý người Mỹ Daniel F. Comstock, lúc đó đang là giáo sư tại MIT, nói: “Tôi dự đoán rằng chàng trai trẻ Sidis sẽ là một nhà toán học, thiên văn học vĩ đại, người đi đầu trong ngành khoa học đó trong tương lai”.
Thật không may, những dự đoán của Comstock đã không trở thành sự thật!
Và tấn bi kịch đằng sau hai chữ “thần đồng”
Cứ tưởng cuộc đời của một thiên tài sẽ vô cùng tươi sáng và thuận lợi, nhưng không, trong những năm học ở Harvard, William James Sidis đã phải vật lộn để có một cuộc sống như người bình thường.
Từ bé đến lớn, do chỉ biết vùi đầu vào học hành nên dù William James Sidis có là “thiên tài” về tri thức đi chăng nữa thì trong cuộc sống hằng ngày, ông vẫn chỉ là “kẻ khờ” thiếu những kỹ năng sống cơ bản và gặp khó khăn trong việc giao tiếp, kết nối với mọi người.
William thường bị các sinh viên khác tại Harvard cô lập, trêu chọc và chế giễu, đồng thời, ông luôn cảm thấy bị quấy rầy bởi giới truyền thông. Vì vậy, những năm tháng của tuổi thiếu thời đáng ra phải tươi đẹp thì đối với ông, nó lại ngập chìm trong ám ảnh và đau khổ.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, William đã chia sẻ với các phóng viên rằng: "Tôi muốn sống một cuộc sống hoàn hảo. Cách duy nhất để sống một cuộc đời như thế là sống ẩn dật. Tôi luôn căm ghét đám đông."
Ảnh: Brightside
Sau đó, thiên tài 16 tuổi đến Đại học Rice để làm trợ lý giáo sư toán học. Ông cũng đã dạy sinh viên ở đây trong vòng một năm và viết một cuốn sách về hình học Euclid. Tuy nhiên, những cách biệt về tài năng và tuổi tác đã khiến công việc giảng dạy không được thuận lợi, ông nhanh chóng rời bỏ ngôi trường này và quay lại Harvard để học luật và cũng sớm bỏ ngang việc học 3 năm sau đó vì cảm thấy không phù hợp.
Nghỉ học không lâu thì William bị bắt và kết án 18 tháng tù vì tham gia một cuộc biểu tình do cộng sản lãnh đạo. Sự việc này nhanh chóng trở thành tâm điểm truyền thông khi bỗng dưng một thần đồng nổi tiếng lại trở thành tội phạm và bị bỏ tù. Để con trai không phải ra tù vào tội, bố mẹ ông đã can thiệp và đưa William đến viện điều dưỡng của mình để tiện quản lý.
Năm 1921, vì quá chán nản với sự quản giáo và cuộc sống gò bó mà cha mẹ sắp đặt, thiên tài nổi loạn, quyết định chạy trốn khỏi “nhà tù” của gia đình và dành phần còn lại của cuộc đời mình để được sống một cuộc sống bình thường. Ông chọn làm công việc kế toán với đồng lương ít ỏi, thường sử dụng bí danh và thay đổi công việc liên tục mỗi khi bị ai đó nhận ra.
Trong thời gian này, dù chạy trốn gia đình và truyền thông nhưng William vẫn viết sách về nhiều đề tài như lịch sử, vũ trụ… dưới nhiều bút danh khác nhau. Bên cạnh đó, ông còn dành thời gian để thu thập vé xe điện và chấp nhận làm những công việc được cho là “tầm thường” với khối óc vĩ đại của mình chỉ vì mong muốn thoát khỏi cái mác “Thần đồng William Sidis.”
Năm 1925, William James Sidis viết The Animate and the Inanimate, một cuốn sách thảo luận những suy nghĩ của ông về vũ trụ học và khả năng đảo ngược tiềm năng của định luật thứ hai của nhiệt động lực học.
Mười năm sau, vào năm 1935, ông xuất bản một cuốn sách khác có tựa đề Bộ lạc và các quốc gia (dưới tên giả là John W. Shattuck) đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của lịch sử người Mỹ bản địa. Ông cũng phát minh ra một loại lịch vạn niên được thiết kế đặc biệt để xem các năm nhuận.
Ảnh: Brightside
William đã cố gắng sống một cuộc đời “đúng nghĩa” với ông cho đến năm 1937, một bài báo đăng trên tờ The New Yorker đã phơi bày cuộc sống "khó khăn" của thiên tài một thời ra trước công chúng. Không hài lòng với nội dung của bài báo, William Sidis đã cáo buộc tạp chí The New Yorker tội phỉ báng, vi phạm quyền riêng tư và đệ đơn kiện ấn phẩm này.
Dù thắng kiện nhưng sự việc này đã khiến tâm lý của William bị ảnh hưởng, rơi vào trạng thái buồn chán và trầm cảm. Đến năm 1944, người ta phát hiện ông đã ra đi trong cô độc và bệnh tật, kết thúc cuộc đời đầy bất hạnh của con người thông minh nhất nhưng cũng bất hạnh nhất thế giới.
(Theo interestingengineering.com)