Cuộc đời của người đàn ông 18 năm sống vạ vật ở sân bay: Mắc kẹt vì không thể nhập quốc tịch rồi qua đời trong sự quên lãng
Những năm mắc kẹt ở sân bay Paris, tình cảnh của ông Nasseri đã truyền cảm hứng cho một bộ phim kết thúc có hậu, song câu chuyện đời thực phức tạp hơn nhiều.
- 16-11-2022Nữ MC cao 1m55 tham gia Nóng cùng World Cup: Thú thực mình không phải fan bóng đá sâu sắc!
- 16-11-2022Người đàn ông không uống rượu, hút thuốc nhưng vẫn bị viêm gan, bác sĩ tiết lộ uống nước ép trái cây thường xuyên chính là thủ phạm
- 16-11-2022'Cha đẻ' Twitter: Tỷ phú 'lập dị' từng bị sa thải khỏi vị trí CEO của chính công ty mình sáng lập, tậu BMW nhưng chỉ thích đi làm bằng xe buýt
- 16-11-2022Ronaldo tiết lộ nỗi đau lớn nhất cuộc đời, rơi nước mắt báo tin mất con
- 16-11-2022Hải Vân Quan: Gần 200 năm lưu dấu ấn lịch sử về một thời kỳ rực rỡ, nay là điểm dừng chân hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua
Trong nhiều năm qua, những người đến nhà ga số 1 tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle ở Paris có thể bắt gặp Mehran Karimi Nasseri, nguồn cảm hứng cho Viktor Navorski, nhân vật chính trong bộ phim The Terminal nổi tiếng năm 2004.
Tài tử Tom Hanks thủ vai Viktor, công dân một quốc gia Đông Âu. Trong bộ phim, trên đường đến Mỹ, Viktor hay tin quê nhà xảy ra đảo chính, khiến đất nước của anh không còn tồn tại nữa. Điều này biến Viktor thành người không quốc tịch, bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời không thể trở về quê hương.
Bộ phim kể về quãng thời gian gần một năm Viktor mắc kẹt và ăn ngủ tại cổng 67 ở sân bay JFK. Anh nhanh chóng tìm được những người bạn đáng tin cậy, một công việc và thậm chí đem lòng yêu một tiếp viên hàng không.
Tuy nhiên, câu chuyện đời thực lại không có kết thúc có hậu như vậy, khi ông Nasseri mắc kẹt tại sân bay Pháp suốt 18 năm.
Cuốn nhật ký dài 1.000 trang
Ông Mehran Karimi Nasseri sinh ra tại Masjed Soleiman (Iran) vào năm 1943, với cha là người Iran và mẹ là người Anh. Ông du học tại Đại học Bradford, Vương quốc Anh, vào năm 1973.
Khi còn là sinh viên, ông Nasseri đã tham gia một trong các cuộc biểu tình phản đối Vua (shah) Reza Pahlavi. Do đó, khi trở lại Iran vào năm 1977, ông bị bắt giữ và bỏ tù vì các hoạt động chống đối. Ông Nasseri sau đó xin tị nạn chính trị để rời khỏi Iran.
Sau 4 năm bị các thủ đô trên khắp châu Âu phớt lờ, ông Nasseri nhận được giấy chứng nhận tị nạn từ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Bỉ, vào năm 1981. Giấy chứng nhận này cho phép ông xin nhập tịch ở một quốc gia châu Âu.
Nhiều năm sinh sống ở Bỉ, ông quyết định tới London định cư vào năm 1988. Nhưng chặng dừng ở Paris, Pháp, khiến cuộc đời ông rẽ sang lối khác.
Ông Nasseri cho biết đã bị lấy cắp giấy tờ tị nạn trên một chuyến tàu ở Paris. Vì vậy, khi ông đến sân bay London Heathrow, nhân viên kiểm soát đã yêu cầu ông trở lại Pháp. Ban đầu, ông bị cảnh sát Paris bắt giữ nhưng sớm được thả sau đó.
Song ông không thể rời khỏi sân bay Charles de Gaulle.
Ông Nasseri kiên nhẫn chờ đợi trong khi giới chức Anh, Pháp và Bỉ giải quyết trường hợp của mình. Các nhà chức trách Bỉ nói rằng họ có bằng chứng về giấy tờ tị nạn của ông Nasseri, nhưng khăng khăng yêu cầu ông đến nhận chúng tận nơi dù từ chối cho ông nhập cảnh. Ông từng bị bắt giữ nhiều lần và có thể bị trục xuất khỏi sân bay bất cứ lúc nào.
Không có giấy tờ và quốc tịch, ông Mehran Karimi Nasseri trải qua những ngày dài tại nhà ga số 1 của sân bay quốc tế Charles de Gaulle. Ông dành thời gian đọc sách, nghiên cứu kinh tế học, và kể lại trải nghiệm của mình trong cuốn nhật ký hơn 1.000 trang.
Ông thường xuyên đến ăn ở McDonald's và mua thuốc lá ở Pall Mall. Nhân viên sân bay thường mang báo, đồ ăn đến chia sẻ với ông. Ông Nasseri cũng thường tắm trong phòng tắm của nhân viên và đem quần áo đến phòng giặt tại sân bay.
Trong khoảng thời gian này, điều kỳ lạ là không một người thân, họ hàng, hay bạn bè nào đến thăm ông Nasseri. Trong khi đó, tình cảnh của người đàn ông này ngày càng được biết đến rộng rãi khi các nhà báo quốc tế đến sân bay phỏng vấn ông. Ông cũng nhận được những lá thư ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.
Quyết định gây sốc và cái chết lạnh lẽo nơi sân bay
Trong số những người ủng hộ ông Nasseri có Christian Bourguet, vị luật sư người Pháp.
Theo vị luật sư này, ông có thể giải quyết trường hợp của Nasseri. Chỉ cần phía Bỉ cung cấp giấy chứng nhận mới, ông Nasseri sẽ lấy lại quốc tịch và danh tính. Nhưng ông lại không thể nhập cảnh trực tiếp để nhận giấy tờ. Nhưng cuối cùng, năm 1999, chính phủ Bỉ đồng ý cấp giấy mới cho ông qua đường bưu điện và chính phủ Pháp cũng cấp giấy lưu trú. Nhưng bất ngờ khác lại xảy ra.
Năm 1981, ông được UNHCR công nhận là người tị nạn dưới cái tên Alfred Mehran, quốc tịch Anh. Nhưng giấy tờ năm 1999 do chính phủ Bỉ cấp lại sử dụng tên khai sinh của ông là Mehran Karimi Nasseri, mang quốc tịch Iran. Khi nhận số giấy tờ này, ông Nasseri kiên quyết từ chối ký xác nhận.
Khi đó, luật sư Christian rất sốc. Sau hơn chục năm sống vất vưởng ở sân bay, đây là thời điểm ông có thể kết thúc chuỗi ngày tồi tệ này, nhưng lại từ chối. Có thể nhiều năm sống ở đây đã để lại cho ông những hậu quả tâm lý khó lường.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông, luật sư người Pháp cho biết, "ban đầu ông Nasseri khá tỉnh táo khi kể lại chuyện của mình, nhưng rồi liên tục thay đổi nội dung".
Năm 2006, ông nhập viện do sức khỏe yếu, kết thúc quãng thời gian sống ở sân bay. Sau khi xuất viện, ông được chuyển tới nhà dưỡng lão ở Paris.
Người đàn ông này dần bị quên lãng cho tới khi lại xuất hiện ở sân bay vào tháng 9 vừa qua và tiếp tục sống tại đây. Tới ngày 12/11, ông qua đời tại nhà ga số 2 của sân bay sau cơn đau tim.
Thể thao & Văn hóa