Cuộc họp mới nhất hé lộ điều gì về năng lực sản xuất hiện tại của OPEC+?
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đã kết thúc cuộc họp tháng 9 với một quyết định thay đổi sản lượng không mang lại tác động to lớn gì với nguồn cung.
OPEC chịu trách nhiệm cho gần 50% sản lượng dầu trên toàn thế giới, nên các chính sách của nhóm thường mang lại những ảnh hưởng rất đáng kể đến thị trường dầu. Trong bối cảnh giá dầu leo thang vì nguồn cung bị thắt chặt như hiện nay, nhà đầu tư thường theo dõi sát sao các cuộc họp của nhóm nhằm tìm kiếm rõ ràng hơn “hướng đi” cho giá dầu.
Sau khi cuộc họp tháng 9 mới nhất của OPEC diễn ra, giá dầu WTI kết thúc phiên ngày 03/08 giảm 3,98% xuống 90,66 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 3,74% xuống 96,78 USD/thùng.
Nhìn lại chính sách sản lượng của OPEC từ năm 2020 đến nay
Vào tháng 5/2020, để giải quyết sự sụt giảm nhu cầu do đại dịch Covid-19, OPEC đã đưa ra quyết định cắt giảm nguồn cung ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng mỗi ngày. Điều này đã hỗ trợ thị trường phục hồi trở lại trong nửa cuối năm 2020 sau khi giá dầu WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm 40,32 USD/thùng.
Sau đó, kể từ quý IV năm 2020, khi dịch bệnh dần được kiểm soát và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ phục hồi trở lại, OPEC đã từng bước nâng sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị ở khu vực Biển Đen giữa Nga và Ukraine diễn ra vào hồi tháng 3/2022 khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trở nên trầm trọng hơn.
Giới chuyên gia đánh giá, các lệnh cấm vận đối với Nga có thể khiến thị trường dầu toàn cầu thiếu hụt hơn 2 triệu thùng/ngày. Nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới là Mỹ hiện cũng không có khả năng để gia tăng sản lượng nên gánh nặng bù đắp khoảng trống mà Nga để lại đặt hết lên vai của nhóm OPEC .
Trong cuộc họp tháng 6 vừa qua, OPEC đã quyết định tăng sản lượng khai thác thêm 648.000 thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 8/2022, so với mức 432.000 thùng/ngày đã tăng trong tháng trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc, đến cuối tháng 8, lộ trình cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ ngày của OPEC sẽ kết thúc.
Mặc dù vậy, sản lượng thực tế của các thành viên trong nhóm OPEC đang thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với mức cam kết trong vòng 3 tháng gần đây.
Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), 8/10 thành viên đã tham gia cam kết của OPEC không thể nâng sản lượng lên mức đã thỏa thuận do thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong thời gian dài. Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo và có sản lượng lớn nhất nhóm, đã sản xuất 10,62 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 6, thấp hơn mức cam kết 10,66 triệu thùng/ngày và ít hơn 1,58 triệu thùng/ngày so với công suất tối đa.
Những thay đổi sau cuộc họp tháng 9 của OPEC
Kể từ đầu tuần này, các nhà đầu tư đã luôn kỳ vọng vào việc OPEC sẽ đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden bằng cách tăng sản lượng dầu để làm giảm sức ép lạm phát hiện nay. Kết thúc cuộc họp tháng 9, OPEC đã công bố sẽ bổ sung thêm 100.000 thùng/ngày trong tháng 9, chỉ tương đương 0,1% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Mức tăng khiêm tốn này cũng phần nào phản ánh rằng chính OPEC cũng gặp khó khăn trong vấn đề gia tăng sản lượng, nhất là trong bối cảnh hầu hết các thành viên đều đã sử dụng cạn kiệt công suất của họ.
Số liệu từ báo cáo của OPEC cũng chỉ ra rằng, Arab Saudi và Nga là hai quốc gia chịu trách nhiệm chính trong việc tăng sản lượng trong tháng 9. Mỗi quốc gia này sẽ sản xuất thêm khoảng 26.000/thùng ngày, và cùng đạt sản lượng khoảng 11,03 triệu thùng/ngày. Nếu chỉ xét riêng OPEC 10 (không kể tới ba nước không tham gia tăng sản lượng là Iran, Lybia, Venezuela), các thành viên cam kết sản xuất thêm 64,000 thùng/ngày.
Mức tăng khiêm tốn, cộng với việc tình trạng thiếu đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ trong vòng nhiều năm sẽ khiến cho nguồn cung khó có thể theo kịp nhu cầu trong thời gian còn lại của năm nay, và cả năm 2023.
Những khó khăn trong việc gia tăng sản lượng khiến cho đàm phán giữa Mỹ và Iran nóng trở lại. Các nhà ngoại giao từ Mỹ, châu Âu và Iran chuẩn bị quay trở lại Vienna sau nhiều tháng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân đang đi vào bế tắc. Nếu thành công, nguồn cung dầu thế giới có thể sẽ được bổ sung thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ Iran, tuy nhiên kỳ vọng này vẫn khó có thể trở thành hiện thực trong ngắn hạn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, mức tăng sản lượng của OPEC dù nhỏ, tuy nhiên kết hợp với các rủi ro trên thị trường hiện tại, vẫn tạo ra sức ép lên thị trường. Lo ngại suy thoái kinh tế trong bối cảnh các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang hạn chế sức mua trên thị trường dầu, kết hợp với nhu cầu tiêu thụ dầu có dấu hiệu suy yếu tại châu Âu, là nguyên nhân gây áp lực đến giá kể từ tháng 6.