MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc họp OPEC bị hoãn, giá dầu lại quay đầu giảm mạnh

06-04-2020 - 10:44 AM | Tài chính quốc tế

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga đã leo thang vào thứ 6 tuần trước và nguồn tin thân cận cho biết có lẽ cuộc họp sẽ được lùi sang ngày 9/4.

Sau khi hồi phục trở lại trong mấy phiên gần đây, giá dầu thế giới lại quay đầu giảm giá mạnh vì nhóm OPEC+ thông báo trì hoãn cuộc họp đáng nhẽ sẽ diễn ra hôm nay (6/4), làm dấy lên nỗi sợ trên phố Wall rằng các nước sẽ không thể đi đến thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Giá dầu thô WTI giảm 6,49%, xuống còn 26,5 USD/thùng, trong khi dầu thô biển Bắc giảm hơn 4%, xuống còn 32,68 USD/thùng. Trước đó có lúc giá tương lai đã giảm khoảng 9%.

Tuần trước giá dầu đã bật tăng mạnh, ghi nhận tuần tốt nhất từ trước đến nay, nhờ Saudi Arabia phát tín hiệu về 1 cuộc họp giữa OPEC và các đồng minh (gọi là OPEC+). Chính cuộc họp tháng 3 của nhóm này đã nhấn chìm thị trường vì Nga từ chối giảm 1,5 triệu thùng/ngày theo đề nghị của Saudi Arabia, thổi bùng lên cuộc chiến giá dầu trong bối cảnh thị trường vốn đã rất khó khăn vì dịch bệnh khiến nhu cầu sụt giảm.

Cuộc họp OPEC+ đáng nhẽ sẽ diễn ra hôm nay được lên kế hoạch sau khi Tổng thống Trump nói với CNBC hôm thứ 5 tuần trước rằng ông kỳ vọng Tổng thống Nga Putin và Thái tử Saudi Mohammed bin Salman sẽ thông báo thỏa thuận giảm sản lượng lên tới 15 triệu thùng. Ông cũng cho biết đã có cuộc trò chuyện với cả 2 nhà lãnh đạo này.

Tuy nhiên, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Nga đã leo thang vào thứ 6 tuần trước và nguồn tin thân cận cho biết có lẽ cuộc họp sẽ được lùi sang ngày 9/4.

Cả Saudi Arabia và Nga đều tìm kiếm sự hợp tác của Mỹ trong việc cân bằng nguồn cung dầu thế giới. Iraq - nhà sản xuất lớn thứ hai của OPEC, chỉ sau Saudi Arabia, cũng muốn toàn thế giới hành động, thậm chí là cả các nước bên ngoài nhóm OPEC+ như Mỹ, Canada và Na Uy.

Các giàn khoan của Mỹ vẫn đang giữ sản lượng kỷ lục trong khi nhiều chuyên gia cảnh báo thế giới đang thừa dầu đến mức hết cả chỗ chứa. Theo chuyên gia Ayham Kamel của Eurasia Group, nếu không đạt được thỏa thuận rất có thể Mỹ sẽ cấm hoặc đánh thuế vào dầu mỏ nhập khẩu từ bên ngoài khu vực Bắc Mỹ để hỗ trợ giá dầu WTI, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tạm thời. Cuối cùng thì áp lực đóng cửa nhà máy, cắt giảm sản lượng vẫn sẽ ập đến.

Trong ngành dầu mỏ Mỹ đang nổi lên 2 luồng ý kiến trái chiều. Một số phản đối cắt giảm sản lượng, cho rằng động thái như vậy sẽ làm tổn hại ngành công nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ở Texas, Ryan Sitton, một trong 3 thành viên của Ủy ban đường sắt Texas, lại nói rằng bang này nên xem xét tham gia thỏa thuận cắt giảm.

Những bang sản xuất dầu như Texas có quyền tự quyết về sản lượng. Lần gần nhất bang Texas hạn chế sản lượng là năm 1970.

Dù đã tăng mạnh trong tuần trước nhưng giá dầu WTI vẫn giảm tổng cộng gần 40% trong tháng 3. Và kể cả nếu các bên đạt được thỏa thuận, nhiều người cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong thời gian dài nữa vì virus corona khiến nhu cầu sụt giảm mạnh chưa từng thấy. Nói cách khác, nguồn cung chỉ là câu chuyện thứ yếu so với phía lực cầu.

An Nguyên

Trở lên trên