MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuộc khủng hoảng 737 Max của Boeing đi từ xấu tới tồi tệ như thế nào?

06-04-2019 - 10:35 AM | Tài chính quốc tế

Hai vụ tai nạn liên tiếp trong vòng chưa đầy 5 tháng, ngoan cố bảo vệ dòng máy bay "con cưng" thay vì ngay lập tức xử lý vấn đề sau vụ tai nạn đầu tiên, cuộc khủng hoảng của Boeing đã đi tới mức tồi tệ.

Cái giá quá đắt của sự chậm trễ

Cuộc khủng hoảng với Boeing 737 Max hoàn toàn do lỗi của Boeing. Tuy nhiên, không chỉ công ty này gánh chịu hậu quả mà nhiều nhà cung cấp và khách hàng cũng chịu liên đới. Hai vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong vòng chưa đầu 5 tháng và làm gần 350 người thiệt mạng là cái giá quá đắt để Boeing thừa nhận lỗi lầm của mình.

Boeing không chỉ mất uy tín. Nhà sản xuất máy bay Mỹ đang bị cuốn vào một cơn bão chính trị, pháp lý và cả tài chính. Trách nhiệm của Boeing trong việc đảm bảo an toàn cũng liên tiếp bị đặt câu hỏi, không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Bản sửa lỗi nhằm khắc phục những vấn đề bị coi là nguyên nhân của hai vụ tai nạn thảm khốc vẫn chưa được Boeing đưa ra dù hơn nửa năm sau vụ tai nạn đầu tiên.

Trong khi đó, cả thế giới đã cấm bay Boeing 737 Max. Boeing không thể sản xuất, hoàn thiện vào giao máy bay cho khách hàng để rồi họ kéo chúng vào cất giữ trong kho hoặc bỏ tiền thuê các bãi đỗ. Vì vậy, Boeing đã tuyên bố giảm sản lượng 737 Max xuống 42 chiếc/tháng so với 52 chiếc/tháng trước đó. Điều này đồng nghĩa với một lượng nhất định nhà cung cấp và nhân viên Boeing sẽ không có việc làm sau khi họ đầu tư mở rộng năng lực.

Boeing có kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp khác để giảm bớt tác động tài chính từ sự thay đổi này. Spirit AeroSystems Holdings Inc. và CFM International, liên doanh động cơ của General Electric Co. và Safran SA, đều cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì tốc độ sản xuất hiện tại. Tuy nhiên, họ không nói Boeing sẽ làm gì với những hàng tồn kho này.

Thời gian 737 Max bị cấm bay càng kéo dài thì các nhà cung cấp sẽ càng khó tránh khỏi tác động từ vụ việc này. Họ có nguy cơ sụt giảm doanh thu vì nhu cầu thấp hơn và chịu những tác động về dòng tiền khi các khoản đầu tư cho sản xuất của họ trở nên vô dụng.

Sự kỳ thị cay đắng với 737 Max

Những khiếu nại pháp lý với Boeing cũng đang gia tăng. Ông Ralph Nader là một trong số những người muốn chống lại Boeing 737 Max. Mất cháu gái trong vụ tai nạn của hãng hàng không Ethiopian Airlines, ông Nader kêu gọi thu hồi những chiếc 737 Max để ngăn thảm họa tương tự. Điều đó có thể không xảy ra nhưng Ethiopian Airlines đã tuyên bố xem xét lại kế hoạch đặt mua 25 chiếc 737 Max từ Boeing vì sự kỳ thị dòng máy bay này của những người như ông Nader.

PT Garuda Indonesia, hãng hàng không cùng quốc gia với Lion Air – nạn nhân đầu tiên của 737 Max, đã bắt đầu các bước đi để hủy đơn hàng trị giá 4,8 tỷ USD với Boeing khi khách hàng của họ không còn tin tưởng vào dòng máy bay này.

Theo kế quả điều tra chính thức, phi công trên chuyến bay của Ethiopian Airlines đã cố gắng làm theo quy trình để vô hiệu hóa hệ thống MCAS mà Boeing trang bị trên những chiếc 737 Max để ngăn máy bay chếch mũi lên quá cao. Quy trình này được đưa ra sau vụ tai nạn thảm khốc với Lion Air nhưng cũng không ngăn được vụ tai nạn thứ 2.

Các phi công trên máy bay của Ethiopian Airlines đã không thể giành lại quyền kiểm soát máy bay. Điều này cho thấy quy trình vô hiệu hóa MCAS không đơn giản như cách Boeing hướng dẫn. Nó cũng làm dấy lên những nghi ngờ rằng Boeing cố tình bao che cho sự thật rằng những chiếc 737 Max không đủ an toàn để bay.

Báo cáo chính thức của nhà chức trách Ethiopia dường như là cú tát mạnh để Boeing thức tỉnh. Trước đây, cách Boeing phản ứng với sự cố khiến những người bình thường cũng cảm thấy khó chịu chứ không nói đến thân nhân những người bị nạn. Giờ đây, việc chối lỗi không giúp Boeing yên bình hơn mà nó còn dẫn tới những hoài nghi lớn với dòng máy bay chủ chốt này.

Trong đoạn video được công bố hôm 5/4, hơn một tháng sau tai nạn, CEO Boeing Dennis Muilenburg đã có động thái được gọi là "một nửa của việc chịu trách nhiệm" khi xin lỗi vì các vụ tai nạn đồng thời mô tả đó là "hậu quả của một chuỗi sự kiện". Muilenburg cũng thừa nhận các khuyến nghị ban đầu của Boeing là không đủ. Phần mềm được thiết kế để giảm khối lượng công việc cho phi công không hiệu quả, thậm chí còn trở thành rắc rối lớn.

Việc không thể đưa ra phần mềm sửa lỗi như thời hạn đã định cho thấy nó rất phức tạp. Sẽ mất nhiều tuần để Boeing có thể hoàn thiện phần mềm và thêm nhiều tuần nữa để các cơ quan an toàn hàng không xem xét và thông qua nó. Ở thời điểm này, Boeing nên chọn cách chậm mà chắc bởi một sự cố tương tự sẽ giết chết không chỉ những chiếc 737 Max mà còn khiến nhà sản xuất máy bay này tàn lụi.

Trong lúc đó, các nhà đầu tư vào Boeing và cả các nhà cung ứng của nó nên bắt đầu làm quen với việc chờ đợi những chiếc Max quay trở lại bầu trời. Nó có thể sẽ không sớm xảy ra.

Linh Anh

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên