Cuộc sống của nhiều người dân ở Mỹ đi đến bế tắc vì chính phủ đóng cửa
Một tháng sau khi chính phủ đóng cửa, không chỉ những người vô gia cư mà còn nhiều tổ chức phi lợi nhuận và các chương trình an sinh xã hội khác phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
- 21-01-2019Chính phủ Mỹ đóng cửa tròn 30 ngày: Mâu thuẫn chưa có hồi kết
- 20-01-2019Thủ đô Mỹ hóa “thị trấn ma” vì Chính phủ đóng cửa
- 19-01-2019Thảm cảnh của nhân viên chính phủ Mỹ: Hết tiền mua bỉm cho con vì cả tháng làm việc không công
Ramona Wormley-Mitsis nhận được thông báo chào mừng tháng cuối cùng của năm 2018: Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng chính phủ liên bang đã phê duyệt một khoản trợ cấp, cho phép cô thuê một căn nhà với 3 phòng ngủ, bao quanh đó là một hàng rào để tiện lợi cho việc chăm sóc hai bé trai mắc chứng tự kỷ của cô.
Chỉ vài ngày sau đó, giấc mơ về ngôi nhà đã bị "ngắt quãng". Bộ Gia cư và Phát triển Đô thị Mỹ (HUD) sẽ không thể trả tiền cho chủ nhà của cô cho đến khi chính phủ mở cửa trở lại.
"Đó là ngôi nhà mơ ước của tôi. Nó như là điểm dừng cuối cùng, như là cơ hội cuối cùng của tôi, bạn có biết không?" Wormley-Mitsis, 39 tuổi, chia sẻ. Hiện tại cô phải đang sống cùng người thân. "Lúc nào chúng tôi cũng lái xe tới ngôi nhà đó. Tôi thực sự cảm thấy đau đớn. Cứ chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi."
Một tháng sau khi chính phủ đóng cửa một phần, những ảnh hưởng của nó đã bắt đầu tác động đến một bộ phận người dễ bị tổn thương của Mỹ, không chỉ là người vô gia cư mà còn nhiều người khác. Các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ những người có thu nhập thấp thuê nhà cũng phải rất chật vật để duy trì hoạt động, khi không có các khoản tài trợ từ HUD.
Điều đó đã khiến cho số lượng nhỏ người thuê nhà đang tăng lên, như Wormley-Mitsis, đang ở tình trạng rất chênh vênh. Các chủ nhà, đặc biệt là những công ty quản lý nhỏ hơn, đang bắt đầu gây sức ép đối với những người thuê nhà có thu nhập thấp, những người tàn tật và người già không đủ khả năng để chi trả khoản chênh lệch.
Vào chiều hôm thứ Sáu, một nhân viên của TriState Management tại Newport, Ark., đã dán những tờ thông báo lên cửa nhà của 43 người được hưởng trợ cấp của cơ quan liên bang, yêu cầu họ phải chi trả khoản chênh lệch giữa khoản tiền họ thường phải trả và giá thuê đầy đủ.
Thông báo viết: "Kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2019, tất cả những người thuê nhà sẽ phải chịu trách nhiệm cho khoản tiền thuê cơ bản đầy đủ. Chúng tôi sẽ gia hạn đến ngày 20 của tháng. Thông báo này vẫn có hiệu lực cho đến khi chính phủ mở cửa trở lại."
Đọc dòng thông báo, Amadan Neeley thất vọng hoàn toàn. Căn nhà 3 phòng ngủ mà người phụ nữ 48 tuổi sống với con gái và cháu gái mình có mức giá hàng tháng là 505 USD, và bà chỉ phải trả 110 USD. Phần còn lại sẽ được chi trả theo một chương trình hỗ trợ người nghèo ở vùng nông thôn của chính phủ liên bang.
"Điều này khiến chúng tôi tổn thương. Mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường cho tới khi họ quyết định đóng cửa chính phủ. Tôi không thể trả số tiền lớn tới vậy, nó nằm ngoài khả năng của tôi. Thật không công bằng", bà Neeley nói.
Khi được hỏi về chính sách mới của hôm thứ Sáu vừa rồi, một nhân viên của TriState Management đã cúp điện thoại. Nhưng một luật sư cho biết những người đi thuê nhà có thể đấu tranh bằng cách giải quyết tại tòa và nhiều tổ chức khác, bao gồm Trung tâm Hành động Nhà ở Công bằng của Maryland, đã bắt đầu thông báo cho người thuê nhà về quyền của họ theo luật địa phương.
Hầu hết các chương trình an sinh xã hội khác cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo Chương trình Trợ cấp Dinh dưỡng Bổ sung (SNAP), cung cấp phiếu thực phẩm (food stamp) và các sản phẩm viện trợ khác cho gần 40 triệu người nghèo ở Mỹ, sẽ cắt viện khoản tài trợ vào ngày 1 tháng 3 tới đây. Quốc hội cũng không thể chi tiền cho một trong những chương trình an sinh xã hội khác, đó là khoản Hỗ cấp Tạm thời cho các Gia đình nghèo (TANF) với 16,5 tỷ USD.
Không chỉ những người đi thuê nhà bị ảnh hưởng, các tổ chức chịu trách nhiệm về người vô gia cư và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các cựu chiến binh, người tàn tật, nạn nhân của bạo hành gia đình cũng không là ngoại lệ. Hầu hết các tổ chức này hoạt động nhờ vào khoản tài trợ 2,8 tỷ USD mỗi năm đến từ Chương trình Trợ cấp cho Người vô gia cư của liên bang.
Một khách sạn cũ được MCCH tân trang lại thành khu nhà ở cho người vô gia cư.
Susie Sinclair-Smith, giám đốc điều hành Liên minh người vô gia cư quận Montogory (MCCH), hỗ trợ việc xây dựng một mạng lưới để giúp đỡ những người vô gia cư ở Maryland, phụ thuộc vào khoản tài trợ 3 tỷ USD hàng năm của liên bang, Bà Sinclair-Smith nói: "Cuộc khủng hoảng đã đến." Khoản tiền cuối cùng mà nhóm này nhận được từ HUD là 250 nghìn USD hoàn trả cho các chi phí trong tháng 12, từ đầu năm 2019.
Tổ chức hiện đang chuẩn bị khai thác một quỹ dự trữ với khoản tiền khiêm tốn, chỉ hơn 200 nghìn USD, để chi trả cho các trường hợp khẩn cấp ngoài ý muốn, như lũ lụt hoặc những khách hàng bị mất phúc lợi xã hội. Quỹ này sẽ được sử dụng để khắc phục những khoản chênh lệch về tiền thuê nhà, tiền lương của các nhân viên hỗ trợ người già, người khuyết tật, chi phí bảo trì và các chi phí khác cho 250 hộ gia đình của những người vô gia cư.
"Chúng tôi có thể cầm cự trong một khoảng thời gian, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các tòa nhà của chúng tôi bị một cơn lũ tàn phá?", bà Sinclair-Smith nói.
Bà Susie Sinclair-Smith cùng các con trong một căn hộ ở Maryland mà nhóm hỗ trợ trả tiền.
Các quan chức của HUD thường xoa dịu những lo ngại về tác động của các quyết định tài trợ đối với người nghèo. Nhưng thật ra, họ thực sự lo lắng rằng một số người thuê nhà và các nhóm tại địa phương sống dựa vào khoản tài trợ có thể sẽ lâm vào tình trạng bế tắc nếu chính phủ vẫn tiếp tục đóng cửa trong vài tuần nữa.
Những tổ chức nhỏ hơn, đặc biệt là những tổ chức hỗ trợ khu vực nông thôn, lại đặc biệt dễ bị tổn thương bởi họ thường thiếu những khoản tài trợ, dự trữ tiền mặt hoặc hạn mức tín dụng mà những tổ chức tại thành phố lớn có thể khai thác.