Cước vận tải biển đảo chiều tăng trở lại sau 5 tuần giảm, triển vọng sẽ như thế nào?
Cước vận tải biển đã giảm khoảng 50% kể từ tháng 9 (Nguồn: Phaata.com)
Chỉ số cước vận tải biển Baltic Dry Index (BDI) - do Sàn giao dịch Baltic công bố - trong tuần kết thúc vào ngày 12/11 đã tăng tuần đầu tiên trong vòng 5 tuần do giá cước vận tải tàu capesize – trọng tải 150.000 tấn, thường chở những mặt hàng như quặng sắt và than - tăng trở lại.
- 05-11-2021Cước vận tải biển lao dốc 11 phiên liên tiếp - sẽ kéo dài bao lâu?
- 08-10-2021Khủng hoảng nguồn cung và vận tải tắc nghẽn khiến Walmart phải thuê tàu riêng để chở hàng - ngành bán lẻ nguy cơ "vỡ trận" vào đúng mùa mua sắm
- 08-10-2021Cước vận tải biển Baltic cao kỷ lục 13 năm, vượt ngưỡng 10.000 điểm
Chỉ số cước phí chung – bao gồm cước vận tải các loại tàu capesize, panamax và supramax, trong ngày 12/11 ở mức 2.807, tính chung cả tuần tăng 3,4%. Trong đó, chỉ số cước phí tàu capesize tuần qua tăng 17%.
Mặc dù cước phí vận tải biển tuần qua tăng, song khả năng xu hướng tăng khó bền vững, bởi ngoài cước vận tải tàu capesize tăng thì cước các loại tàu khác đều tiếp tục giảm.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy cước vận tải sẽ giảm trở lại. Thực tế là chỉ số BDI mặc dù tăng trong tuần qua, nhưng vẫn đang ở quanh mức thấp nhất kể từ tháng 6 trong bối cảnh các công ty vận tải biển chuyên vận chuyển than đã bị rơi vào ‘tầm ngắm’ của những người chống lại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Đáng chú ý, các chỉ số cước vận tải trong ngày thứ Sáu (12/11) đều giảm, với BDI đã giảm 37 điểm (1,3%) so với phiên liền trước, chỉ số cước tàu capersize trong cùng phiên giảm 36 điểm (0,9%) so theo ngày, xuống 3.836 USD, kết thúc chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp, với giá thuê tàu capesize trung bình ngày 12/11 giảm 298 USD xuống 31.811 USD. Lý do bởi giá quặng sắt tuần qua tiếp tục giảm tuần thứ 5 liên tiếp do lo ngại về triển vọng nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép ở Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu.
Trong tuần qua, ngoại trừ chỉ số cước tàu capesize tăng, còn lại các chỉ số khác đều giảm. Theo đó, chỉ số cước vận tải tàu panamax – trọng tải 60.000 – 70.000 tấn, thường chở than hoặc ngũ cốc - tuần qua giảm 4,6%, trong đó riêng phiên thứ Sáu (12/11) giảm 96 điểm, hay 3,2%, xuống 2.930, tmức thấp nhất trong vòng 5 tháng, tính chung cả tuần giảm 6,7%; cước trung bình của tàu panamaxe phiên 12/11 tăng 2 điểm, hay 0,1%, lên 2.253 USD, trước đó cước trung bình của loại tàu này đã giảm 15 phiên liên tiếp.
Thị trường vận tải biển đã hạ nhiệt sau khi ‘nóng bỏng’ suốt nhiều tháng. Cước vận tải biển đã giảm khoảng 50% kể từ tháng 9 đến nay do dòng chảy thương mại, nhất là quặng sắt, yếu dần và thị trường bất động sản Trung Quốc bớt nóng do những vấn đề khó giải quyết của Công ty phát triển bất động sản Evergrande. Đội tàu chở hàng tăng nhanh cũng góp phần hạ nhiệt thị trường bất động sản.
Hãng vận tải Allied Shipbroking cho biết tác động lây lan từ sự vụ Evergrande bên bờ vực phá sản đã ảnh hưởng đến mức nhu cầu thép nội địa trên thị trường bất động sản của Trung Quốc, kết hợp với các vấn đề về cung cấp than đã dẫn đến một "cú sốc tiêu cực" đối với thị trường vốn hóa. Hãng này cho biết: "Rất có thể xu hướng hiện nay sẽ tiếp tục duy trì trong những ngày tới".
Thực vậy, các chủ hàng đã được giảm bớt gánh nặng nhờ cước vận chuyển container trên tuyến xuyên Thái Bình Dương đã giảm 50% từ tháng 9 đến nay.
Shabsie Levy, Giám đốc điều hành đồng thời là người sáng lập của Công ty giao nhận hàng hóa kỹ thuật số Shifl - trụ sở tại New York -cho biết, "Với xu hướng mua sắm vào dịp lễ dường như đã kết thúc và hàng hóa đã được đặt sẵn bên trong hàng nghìn container trên nhiều tàu ở khắp nước Mỹ, giá cước vận chuyển trên thị trường giao ngay sẽ tiếp tục giảm trong tháng 11 năm 2021."
Cước vận tải biển tuyến Trung Quốc – Mỹ giảm từ tuần đầu tiên của tháng 10 cho đến nay, và dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong tháng 11. Theo đó, cước vận chuyển container loại 40 feet từ Trung Quốc đến cảng Los Angeles cuối tháng 10/2021giảm xuống 8.500 USD, giảm 51,4% so với mức cao 17.500 USD cuối tháng 9.
Cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ (Nguồn: Shifl)
Theo dữ liệu của Shifl, giá cước vận chuyển container giao ngay trên tuyến Trung Quốc - Bờ Đông nước Mỹ là khoảng 13.800 USD/container trong tháng 11/2021, giảm 29% so với tháng 9/2021, khi cước vận chuyển trên tuyến này lên tới 19.500 USD.
Cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến Bờ Đông nước Mỹ (Nguồn: Shifl)
Về triển vọng thị trường vận tải biển, ông Levy cho biết, "Dựa trên điều kiện thị trường hiện tại, tôi cho rằng giá cước vận tải sẽ tăng nhẹ vào trước Tết Nguyên đán."
Giám đốc điều hành của Shifl thêm rằng: "Sau Tết cổ truyền của Trung Quốc, chúng ta sẽ bước vào những tháng yên ả theo mùa vụ. Tôi tin rằng thị trường sẽ sớm bước vào quỹ đạo giảm và dần ổn định trở lại".
Covid-19 đã làm đảo lộn thị trường vận tải trên toàn cầu, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh kéo dài trong nhiều tháng.
Cước vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đã tăng gấp 10 lần so với trước khi xảy ra đại dịch. Theo đó, giá thuê một container vận tải biển vào tháng 1/2020 - 3 tháng trước khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố tình trạng đại dịch trên toàn cầu – từ châu Á đến một cảng ở Mỹ khoảng 2.700 USD, vọt lên 17.000 USD vào tháng 9/2021.
Cước vận tải hàng không thậm chí còn tăng mạnh hơn nữa, từ mức 1,80 USD/kg tháng 1/2020 lên 10 USD/kg tháng 9/2021, các dịch vụ cấp tốc có thể tới 15 USD đến 20 USD/kg.
Tương tự, cước vận tải đường bộ cũng tăng, với giá thuê một chuyến xe tải từ Los Angeles đến New York tháng 1/2020 là 1.400 USD, vọt lên 4.000 USD vào tháng 9/2021; giá thuê vận tải đường bộ cấp tốc lên tới trung bình là 7.000 USD.
Tham khảo: Phaata, Reuters