MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cuối cùng thì ASEAN đã có thể ngẩng cao đầu trước EU

04-07-2016 - 12:08 PM | Tài chính quốc tế

Quyết định ra đi của người Anh là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ASEAN nói riêng cũng như thế giới nói chung. Sự thất bại của EU - cộng đồng chung vốn vẫn là hình mẫu cộng đồng thịnh vượng, hòa bình mà thế giới vẫn thường ca tụng - chính là bài học cho ASEAN trên con đường phía trước.

Mặc dù được sinh sau đẻ muộn nhưng sự hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN không nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận bởi Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ trước đến nay luôn bị đem ra so sánh một cách thiếu công bằng với Liên minh châu Âu (EU).

Tại hội nghị thượng đỉnh ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chính thức tuyên bố thành lập cộng đồng ASEAN (AEC). Dù là một cột mốc quan trọng đối với 10 quốc gia nằm trong vùng địa chiến lược Đông Nam Á, song cộng đồng ASEAN lại nhận được sự thờ ơ của dư luận. Nhiều học giả đặt nghi vấn: Liệu ASEAN đã thực sự trở thành một “khối”, một “cộng đồng” hay chưa? Phần lớn đều thất vọng về mức độ gắn kết và trình độ phát triển của hoạt động thương mại tự do của ASEAN khi so sánh với EU.

Nhưng sau cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh hôm 23/6 vừa qua, những học giả ấy có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại. Xét về mức độ gắn kết, ASEAN được hình thành dựa trên cấu trúc liên quốc gia, trong khi EU là cộng đồng dựa trên cấu trúc siêu quốc gia. Do đó, đặt ASEAN bên cạnh EU là một phép đo khập khiễng.

Vừa qua, Bộ trưởng thương mại Indonesia Thomas Lembong đã gửi đi một thông điệp đối với các quốc gia thành viên ASEAN rằng: “Quyết định ra đi của nước Anh nên là tiếng chuông cảnh tỉnh cho ASEAN. Chúng ta cần thiết lập hiệp định thương mại phù hợp hơn với nhu cầu của người lao động bình thường chứ không chỉ là giới tri thức, nắm quyền lực và kinh tế trong xã hội”.

Ông Lembong hối thúc các nhà lãnh đạo trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn đối với cộng đồng. Ông nói: “Tôi lo rằng mối hiểm họa tương tự với EU cũng đang nằm trong chúng ta. Liệu rằng ASEAN sẽ trở thành kế hoạch của những người có tiền, có quyền và chúng ta thì không có đủ thời gian, tiền bạc, công sức để đưa những lợi ích của việc thành lập khối đến với người dân bình thường”.

“Chúng ta cần xây dựng lên những hiệp định kinh tế, hiệp định thương mại và quy định có lợi cho người dân nói chung rõ ràng hơn, giảm sự phụ thuộc vào cái gọi là “thẩm thấu” để dành nhiều sự quan tâm hơn đối với tầng lớp dân lao động phổ thông và nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội”.

Có lẽ, cuối cùng chính sự trì hoãn hội nhập sâu và lảng tránh những chủ đề hóc búa như tự do di chuyển lao động lại có thể giữ cho ASEAN duy trì tính thống nhất theo cách của riêng mình.

Ông Lee Yoong Yoong, Trưởng bộ phận hỗ trợ điều hành Ban Thư ký ASEAN cho rằng tác động sâu của sự kiện Brexit đối với ASEAN hiện vẫn còn đang bỏ ngỏ, nhưng quyết định của người Anh cho thấy sự thật rằng ASEAN nên duy trì tốc độ hội nhập như hiện nay: “Chúng ta làm theo cách của chúng ta. Đừng nên quan tâm người Tây hoặc người châu Âu nói chúng ta phải làm gì”.

“Một trong những bài học rút ra từ vụ Brexit đó là làm gì nhưng cũng không thể bỏ quên bộ phận cơ bản nhất trong xã hội. Đó là lý do vì sao ASEAN vẫn thường tập trung làm thế nào để có lợi cho đại chúng. Chúng tôi mong muốn thành lập một cộng đồng trước tiên phải đảm bảo để tất cả mọi người đều được phát triển trong cùng tiến trình đi lên của xã hội.”

ASEAN đại diện cho 630 triệu người sống dưới một nền kinh tế có GDP 2.500 tỷ USD và kim ngạch thương mại hàng năm tăng 10% trong năm ngoái lên 2.280 tỷ USD bao gồm cả khối lượng thương mại với EU trị giá 228 tỷ USD. Do đó, Brexit ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của khối cũng như các đàm phán thương mại tự do trong tương lai giữa ASEAN và EU

Ông Lee nhận định: “Chúng ta sẽ phải đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với vương quốc Anh vì họ sẽ không còn là thành viên của EU trong tương lai. ASEAN mong muốn nhìn thấy những gì xảy ra ở EU trước khi đưa ra những bước đi tiếp theo đối với EU trong tương lai”.

Bilahari Kausikan – Đại sứ lưu động Singapore cho biết ASEAN luôn mong muốn duy trì quan hệ hữu hảo đối với EU. Ông cũng nhận định EU giống một tổ hợp rủi ro hơn là một “hình mẫu”. “Chỉ EU mới tự nhận là một hình mẫu. Chúng tôi luôn cho rằng hình mẫu EU là phi thực tế, thậm chí là không tưởng”.

Kết quả bất ngờ từ cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là một minh chứng rõ ràng cho 10 nước ASEAN rằng chúng ta không thể hội nhập theo cách của EU.

Anh Sa

Bloomberg

Trở lên trên