Cường quốc chế biến thủy sản nhưng quảng bá vẫn ‘chưa thấm vào đâu’
Có lẽ đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi sau các rào cản kỹ thuật, nếu không có hệ thống xúc tiến thương mại và quảng bá đủ mạnh thì thủy sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị “khó dễ” và bôi xấu ở nước ngoài.
- 13-06-2018Gần 6,7 triệu tấn thép được bán ra trong 5 tháng, tăng trưởng 35%
- 13-06-2018Đình chỉ lưu hành 4 sản phẩm của Công ty cổ phần hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo
- 13-06-2018Nghịch lý ngành ximăng: Ứ thừa vẫn mở rộng sản xuất
Trúng mùa, được giá: Niềm vui ngắn khó bù nỗi lo dài
Không thể phủ nhận ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm “được mùa” với cả nhà chế biến, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lẫn người nuôi. Với tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 là 8,3 tỷ USD, mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2018 sẽ là 10 tỷ USD, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) thậm chí còn dự kiến con số này sẽ đạt gấp đôi trong vòng 7 năm tới.
Thế nhưng, sau tất cả những thành quả ấy, bức tranh của ngành thủy sản vẫn còn đó không ít vùng xám thách thức. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): “Các DN thủy sản đúng là có liên kết với nhau nhưng đằng sau đó vẫn tồn tại vấn nạn đua nhau hạ giá bán. Điều này khiến thủy sản Việt Nam giảm giá trị trong mắt nhà nhập khẩu. Rồi DN lại rơi vào vòng luẩn quẩn, bằng mọi cách phải hạ chất lượng sản phẩm để cạnh tranh nhau”.
Không chỉ thế, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản (VASEP) cũng lo ngại về tình hình quản lý lỏng lẻo, sử dụng thuốc kháng sinh “vô tội vạ” trong nuôi trồng thủy sản; công tác quản lý đánh bắt hải sản tự nhiên cũng chưa bài bản và có hệ thống nên Việt Nam mới bị “thẻ vàng” IUU (vào tháng 10/2017) từ Liên minh châu Âu vì không thể đáp ứng các quy định của nhà nhập khẩu này về truy xuất nguồn gốc và đánh bắt bền vững. Mặc dù hải sản xuất khẩu đi EU chỉ chiếm hơn 5% tổng kim ngạch nhưng khi đã bị “mang tiếng” nhận “thẻ vàng” thì xuất khẩu thủy sản vào khu vực này cũng có thể bị “vạ lây” do tần suất kiểm tra nguồn gốc sản phẩm từ Việt Nam có thể tăng mạnh, khiến chi phí DN phải trả cho lưu kho, kiểm tra cũng tăng lên theo.
Trong một nhận định khác, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng hiện ngành thủy sản vẫn còn nhiều khó khăn khác như: Thiếu nguyên liệu, công nghệ chế biến lạc hậu, quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm chế biến không như mong đợi…
Đó là chưa kể những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn hoặc chủ trương bảo hộ hàng nội địa từ các thị trường nhập khẩu cũng phần nào ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam, nhất là thị trường Mỹ - nơi Việt Nam có mặt trong Tốp 6 quốc gia đạt thặng dư thương mại lớn nhất.
Cần nghiêm ngặt ngay từ “đầu nguồn”
Ngành thủy sản cần làm gì để chuẩn bị cho các thách thức ấy? Nhiều tổng kết tại Hội nghị 20 năm của VASEP sáng ngày 12/6 cho thấy Việt Nam đã là cường quốc về nuôi trồng và chế biến thủy sản của thế giới. Thế nhưng, thủy sản Việt Nam cũng là nơi nhận không ít cảnh báo về vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, hoặc bị bôi xấu vô căn cứ trên các phương tiện truyền thông quốc tế…
Góp thêm kinh nghiệm từ láng giềng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng sở dĩ Thái Lan không có tôm nhiễm tạp chất vì tất cả tôm đều qua chợ đầu mối chuyên nghiệp với các tiêu chuẩn quản lý rất chặt chẽ. “Có lẽ VASEP nên quan tâm đến hình thức quản lý này, đừng để lợi nhuận bơm chích tạp chất lấn át mục tiêu phát triển bền vững của con tôm Việt Nam”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cũng cho hay ở nhiều nước khác, kể cả Đông Nam Á, đều có các chợ cá được quy hoạch và quản lý quy củ. Riêng Việt Nam dường như vẫn đang “khoán” hẳn “đầu mối” thủy sản cho tư nhân với các vựa và đầu nậu liên kết cùng tư thương Trung Quốc. Bởi thế nên thủy sản nguyên liệu vẫn ùn ùn đổ về Trung Quốc qua đường biên mậu trong khi đa số DN chế biến thủy hải sản Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu một lượng nguyên liệu không nhỏ. “Tôi thiết tha mong muốn Chính phủ hỗ trợ ngành hải sản củng cố hơn nữa cơ sở hạ tầng và khâu quản lý khai thác đánh bắt cá tự nhiên. Từ đó, hy vọng Việt Nam có thể trụ hạng ‘thẻ vàng’ và lấy lại ‘thẻ xanh’ từ châu Âu trong thời gian sớm nhất”, bà Sắc nêu tâm tư.
Còn Thứ trưởng Trần Thanh Nam thì cho rằng: Là “ngọn cờ chung” của ngành chế biến thủy sản, VASEP phải cụ thể hóa các chỉ tiêu về xây dựng năng lực cạnh tranh cho DN thành viên, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho các sản phẩm chủ lực. Người đại diện Bộ NN&PTNT đồng thời kêu gọi DN thủy sản tích cực tham gia đề án quy tụ 15.000 hợp tác xã cùng hàng loạt DN để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu. “Chúng tôi đã tham mưu trình Chính phủ Nghị định liên kết sản xuất, trong đó có mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, với sự tham gia của nhiều hộ nông dân và DN theo chuỗi”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm.
Dốc toàn lực cho xúc tiến thương mại
Có lẽ đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi sau các rào cản kỹ thuật, nếu không có hệ thống xúc tiến thương mại và quảng bá đủ mạnh thì thủy sản Việt Nam sẽ còn tiếp tục bị “khó dễ” và bôi xấu ở nước ngoài. Thực tế ấy đã khiến tiếng nói giữa những người làm quản lý Nhà nước lẫn giới DN thủy sản về việc cần đầu tư xứng đáng hơn nữa cho xúc tiến thương mại dường như đi tới đồng thuận nhanh hơn bao giờ hết.
Ban Chấp hành VASEP mới đây đã thống nhất ý kiến với Bộ NN&PTNT về đề án trình Chính phủ liên quan tới cơ chế đặc thù để khôi phục lại Quỹ phát triển thị trường của ngành thủy sản, “mong cá tra được chọn đi đầu để ngành thủy sản Việt Nam có thêm nguồn lực cho xúc tiến thương mại và nghiên cứu phát triển”, bà Lệ Khanh, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn kỳ vọng.
Còn người đại diện cho Bộ NN&PTNT khẳng định để vun đắp cho hình ảnh thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, tới đây hằng tháng các bộ, ngành liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao sẽ cùng “ngồi lại” với nhau để tháo gỡ vướng mắc và đề xuất giải pháp cho thủy sản. Trước mắt, bắt đầu từ tháng 8 tới, Bộ NN&PTNT sẽ khởi động Chương trình Kết nối nông sản Việt trên VTV1 đến các tham tán và đại sứ Việt Nam ở nước ngoài. “Chúng tôi mong muốn các DN và Hiệp hội cùng phối hợp để đưa thêm thông tin quảng bá cho thủy sản Việt Nam tại đây”.
Từ phía Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Cục trưởng Vũ Bá Phú cho hay đơn vị này đang ráo riết xây dựng quy chế cho Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia (thực hiện Nghị định số 28/2018/NĐ-CP). Theo đó, các hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có trọng tâm, có trọng điểm, có ưu tiên, có thời hạn, “mỗi đề án VASEP muốn gửi tới Chương trình Xúc tiến Thương mại Quốc gia, đề nghị phải chỉ rõ ưu tiên cụ thể cho mặt hàng thủy sản nào. Sau 3 năm sẽ định lượng kết quả để chuyển sang mặt hàng khác”, vị đại diện cơ quan xúc tiến thương mại khẳng định về chủ trương sử dụng nguồn lực cho quảng bá.
Chính phủ