Cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings: Việt Nam có thể đuổi kịp xếp hạng tín nhiệm của Thái Lan, Malaysia và Indonesia
Ông Paul Coughlin, cựu Giám đốc Toàn cầu S&P Global Ratings luôn rất ngưỡng mộ, tôn trọng những người đi tiên phong trong thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa ở các Malaysia, Ấn Độ, Indonesia… Ông nhận thấy những tổ chức này tập trung vào việc phát triển thị trường nội địa nhiều hơn là kinh doanh. Vì vậy, với việc tham gia cố vấn cho FiinRatings, ông có thể đóng góp sức lực phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa tại Việt Nam.
- 29-09-2022Người lao động sẽ được hưởng những khoản tiền nào khi đóng đủ 20 năm BHXH?
- 29-09-2022CPI quý III/2022 tăng 3,32%
- 29-09-2022GDP quý 3 tăng trưởng 13,67%
Trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Coughlin cho biết, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm nội địa là một ngành mới tại Việt Nam và cần thời gian để chứng minh được lợi ích của mình, đặc biệt là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ. Với kinh nghiệm dày dặn cũng như sự đam mê, nhiệt huyết với công việc của mình, Chủ tịch Hội đồng Xếp hạng Tín Nhiệm, FiinRatings hy vọng có thể cùng tổ chức tạo nền móng cho ngành xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam cũng như góp phần vào sự phát triển của ngành tài chính Việt Nam lên một tầm cao mới.
Sau khi làm việc ở S&P Global Ratings 26 năm, điều gì khiến ông lựa chọn một tổ chức xếp hạng tín nhiệm mới như FiinRatings làm điểm dừng chân tiếp theo?
Với tôi, 26 năm làm việc ở S&P là một trải nghiệm thú vị khi tôi được gặp và làm việc với lãnh đạo ở nhiều doanh nghiệp, tổ chức khác nhau. Họ đều là những có kinh nghiệm rất phong phú và đa dạng đến từ các nơi trên thế giới.
Đặc biệt, với một người đam mê tư duy phân tích như tôi thì công việc ở S&P mang lại một trải nghiệm vô cùng tuyệt vời. Tại đây, tôi cùng đồng nghiệp được làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực và có thể đưa ra những đánh giá, góc nhìn rất độc lập cho thị trường tài chính.
Thực tế, tôi đã bắt đầu tham gia hỗ trợ FiinRatings từ năm 2020. Khi tôi về Úc làm việc thì nhận được lời giới thiệu từ một người đồng nghiệp cũ tại S&P. Anh bạn này là tư vấn viên cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nên biết được FiinRatings đã nộp hồ sơ để trở thành một tổ chức xếp hạng tín nhiệm nội địa và đang cần sự giúp đỡ trong công việc setup.
Bản thân tôi rất thích làm các công việc liên quan đến chuyên môn, vì vậy khi nhận được lời giới thiệu, tôi đồng ý ngay. Thông qua việc tham gia một công ty xếp hạng tín nhiệm như FiinRatings, tôi nghĩ mình cũng góp một phần công sức giúp phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa tại Việt Nam. Tôi rất hài lòng với việc này.
Trước kia khi làm ở S&P Global, tôi cũng có cơ hội làm việc cùng với một số tổ chức xếp hạng nội địa của Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) nên tôi đã rất ngưỡng mộ, tôn trọng những người đi tiên phong trong những thị trường xếp hạng tín nhiệm nội địa này để giúp thị trường nội địa phát triển. Thật ra, tôi nhận thấy, họ chủ yếu muốn giúp thị trường nội địa phát triển tốt hơn, thay vì việc tập trung vào kinh doanh.
Với kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực này, ông có kế hoạch giúp một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa mới như FiinRatings chiếm được niềm tin của các doanh nghiệp trong nước?
Với dịch vụ xếp hạng tín nhiệm thì ban đầu sẽ phát triển rất chậm vì các công ty vẫn khá miễn cưỡng khi tham gia các dịch vụ như xếp hạng tín nhiệm. Họ có xu hướng tỏ ra nhạy cảm đối với các phân tích chỉ ra rủi ro trong hoạt động kinh doanh của họ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian để một đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa mới như FiinRatings chứng minh được cho thị trường các lợi ích của việc xếp hạng đối với thị trường tài chính, qua đó thuyết phục doanh nghiệp công khai và minh bạch hơn trong công bố thông tin. Khi phạm vi bao phủ của các đánh giá xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings được mở rộng và tính cấp thiết của các đánh giá xếp hạng tín nhiệm trở nên rõ ràng, lợi ích đối với những chủ thể tham gia thị trường cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Đại diện của S&P Global Ratings và FiinRatings
Điều quan trọng là cần đảm bảo rằng việc xếp hạng tín nhiệm mang lại ý nghĩa thực tiễn và cho thấy mức độ rủi ro phù hợp của đơn vị vay vốn trên thị trường nội địa. Ví dụ, khi nhìn vào kết quả xếp hạng tín nhiệm ở thị trường nội địa Trung Quốc, có rất ít kết quả xếp hạng tín nhiệm dưới thang điểm AA và AAA. Việc các kết quả tập trung ở mức cao trên thang điểm xếp hạng như vậy đã làm mất đi tính thực tế của việc xếp hạng và không thể hiện được đúng đắn chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành.
Ở Việt Nam, mức xếp hạng tín nhiệm hiện tại do FiinRatings công bố hiện nằm trong khoảng B, BB, và BBB. Mức xếp hạng này phản ánh rõ những rủi ro tiềm ẩn đối với các ngành hiện có các tổ chức phát hành trái phiếu hoạt động tích cực trên thị trường Việt Nam hiện nay.
Trong 2 năm vừa rồi, FiinRatings đã công bố được 7 xếp hạng tín nhiệm ra thị trường. Tôi tin rằng, trong năm tới chúng tôi sẽ phát triển mạnh hơn nữa, nhanh hơn nữa bởi vì các lãnh đạo công ty, nhà nước sẽ thấy được lợi ích, sẽ mong muốn vào xếp hạng tín nhiệm nhiều hơn.
Gần đây cả S&P và Moody's đều nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Theo ông, đâu là yếu tố đóng góp vào thành tự này và điều này ảnh hưởng thế nào tới phát triển kinh tế Việt Nam?
Cá nhân tôi thấy trong khoảng thời gian khó khăn vừa rồi, đặc biệt là 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, Việt Nam vẫn phát triển rất tốt so với các nước láng giềng. Những chỉ số chính như nợ vay, nợ công, chỉ số dự trữ ngoại hối đều được duy trì ở mức tương đối ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng lên khá nhiều. Vì vậy, tôi tin rằng Việt Nam là một thị trường khá triển vọng trong tương lai.
Trong các năm vừa rồi, S&P thấy rằng lãnh đạo Việt Nam đã cứng rắn hơn, quyết tâm hơn trong việc phát triển một thị trường tài chính lành mạnh hơn và chuẩn chỉ hơn. Đồng thời, S&P cũng có cái nhìn bao quát về triển vọng thị trường Việt Nam trong thời gian tới sẽ diễn biến rất tích cực.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và xúc tiến đầu tư từ Chính phủ, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ về Việt Nam chắc chắn sẽ mang lại triển vọng tích cực. Theo tôi, vì những lý do này mà cả 2 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới đều nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Buổi đào tạo chuyên môn tại FiinRatings
Gần đây, nhiều "gã khổng lồ" công nghệ như Apple, Google… đều có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam. Theo ông, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam có liên hệ như thế nào với những sự kiện này?
Thực ra, Việt Nam không chỉ có sức hút lớn với các "gã khổng lồ" công nghệ như Apple, Google hay Xiaomi, mà có rất nhiều các công ty, doanh nghiệp ở nhiều ngành, nghề khác nhau đang đưa Việt Nam vào tầm ngắm. Theo tôi, sở dĩ họ hướng tới Việt Nam vì nơi đây có một nguồn lao động có năng suất cao và khá là nguyên tắc.
Một lý do khác có thể dễ dàng nhận thấy là Việt Nam là một lựa chọn thay thế khá tốt so với Trung Quốc. Bởi vì những rủi ro chính trị khác nhau, các doanh nghiệp sẽ thường muốn tìm một nơi tình hình ổn định hơn, bền vững hơn để xây lắp nhà máy.
Mặt khác, xếp hạng tín nhiệm không giúp các nhà đầu tư để ý đến Việt Nam. Chính sức hút của thị trường Việt Nam mới là yếu tố giúp xếp hạng tín nhiệm được nâng lên chứ không phải chiều ngược lại.
Vậy theo ông, các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng gì từ việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng hạng?
Việc nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia có thể giúp các ngân hàng thương mại góp phần đa dạng hóa nguồn tài chính, cải thiện chi phí huy động vốn nước ngoài. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của các công ty. Nguồn vốn dài hạn với các chính sách lãi suất, thời hạn vay hấp dẫn luôn là vấn đề đối với các doanh nghiệp.
Ví dụ như các dự án cần thời gian dài như dự án điện kéo dài trong 5 - 10 năm, họ sẽ cần thu hút nguồn vốn dài hạn. Đó là lý do xếp hạng tín nhiệm sẽ hỗ trợ rất nhiều trong vấn đề này.
Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ tạo ra một hệ thống, một bộ đánh giá tiêu chuẩn đáp ứng được các tiêu chí quốc tế. Khi đó, việc phát hành trái phiếu hay các công cụ nợ có thời hạn dài hơn sẽ giúp cho các nhà đầu tư nước ngoài hiểu được thị trường Việt Nam, từ đó cung cấp nguồn vốn doanh nghiệp đang cần.
Như vậy, xếp hạng tín nhiệm là một sự hỗ trợ đa chiều. Một chiều giúp cho thị trường Việt Nam nội địa trở nên hoàn chỉnh hơn nhưng đồng thời cũng giúp cho các nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia vào thị trường Việt Nam.
Khi xếp hạng quốc gia tăng, các nhà đầu tư, tổ chức sẽ sẵn sàng tăng mức phân bổ tín dụng và đầu tư cho các công ty Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt sẽ là câu chuyện chất lượng tín dụng cụ thể ra sao với mỗi doanh nghiệp.
Chắc chắn việc có một thị trường minh bạch hơn, bao gồm việc áp dụng rộng rãi đánh giá xếp hạng tín nhiệm, sẽ giúp các nhà đầu tư tổ chức đánh giá cơ hội đầu tư vào các công ty Việt Nam một cách rõ ràng hơn.
Mục tiêu của Việt Nam là đưa xếp hạng tín nhiệm lên mức BBB- vào năm 2025. Theo ông, thách thức đặt ra của Việt Nam là gì khi phấn đấu đạt được mục tiêu này?
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia có thể được cải thiện thông qua việc thu nhập của người dân tăng lên, quản trị tốt hơn trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Có những cải thiện về chính sách cho sự bền vững của thị trường, đặc biệt là thị trường tài chính.
Nói chung, nếu vẫn giữ vững được những chủ trương như hiện tại, giữ vững được sự quyết tâm như hiện tại thì khả năng sẽ Việt Nam cải thiện được các vấn đề tương đối tích cực và có thể có triển vọng nâng điểm.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam không phải là yếu tố nội tại mà là yếu tố quốc tế. Như bạn thấy, gần đây lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới tăng rất nhanh, thậm chí đạt kỷ lục vì tác động tiêu cực của Covid-19 và căng thẳng địa chính chính trị tại châu Âu.
Đó là lý do khiến nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải tăng lãi suất nhằm kìm hãm lạm phát. Nếu kinh tế thế giới rơi vào độ chững thì Việt Nam cũng dễ bị kéo theo vì bị ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập từ xuất khẩu. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Đức… đều là những thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đây sẽ là một yếu tố rất lớn ảnh hưởng tới triển vọng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới.
Theo ông, Việt Nam có cơ hội bắt kịp các quốc gia trong khu vực về xếp hạng tín nhiệm hay không?
Trong khu vực ASEAN, Singapore là quốc gia có xếp hạng tín nhiệm cao nhất, mức AAA. đây cũng là mức xếp hạng ít quốc gia nào có thể đạt được nên đây là một khoảng cách rất lớn đối với Việt Nam.
Các quốc gia khác trong khu vực thì có mức điểm thấp hơn như Malaysia (A-), Indonesia (BBB), Philippines (BBB+), và Thailand (BBB+). Tôi nghĩ Việt Nam có thể dễ dàng bắt kịp tốc độ phát triển của Malaysia, Indonesia hay Philippines, Thái Lan trong 5 - 10 năm tới. Tuy nhiên, với Singapore thì khả năng thu hẹp khoảng cách rất thấp.
Nhưng nhìn chung, theo tôi, tốt nhất là chúng ta không nên quá tập trung vào xếp hạng tín nhiệm quốc gia – vì sự tăng hạng sẽ đi kèm với sự gia tăng thu nhập và những phát triển mang tính nền tảng. Xếp hạng tín nhiệm là một công cụ hữu ích nhưng chuyên biệt và chỉ có chức năng giới hạn. Để có cơ hội bắt kịp các quốc gia trong khu vực về xếp hạng tín nhiệm, cần giải quyết được vấn đề cốt lõi là làm thế nào để nâng cao mức sống và cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp bằng những thay đổi chính sách.
Cảm ơn ông!
Trí thức trẻ