MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu nữ sinh Lê Hồng Phong giành học bổng Stanford danh giá, làm MC trong sự kiện Tổng thống Obama và xây dựng một chuỗi trung tâm tiếng Anh có số má tại Việt Nam

14-05-2018 - 10:58 AM | Sống

Những ai đã xem buổi gặp mặt của Tổng thống Obama với các startup Việt Nam, hẳn còn nhớ một cô gái Việt Nam nhỏ nhắn, MC của chương trình. Người bước lên trên bục danh dự ấy chính là Ngô Thùy Ngọc Tú, cựu nữ sinh Lê Hồng Phong.

“Tôi lớn lên trong một gia đình bình thường ở TP HCM, nhưng cha tôi không bao giờ nói không với ước mơ của tôi, kể cả ước mơ học ở nước ngoài”, MC Ngọc Tú mở lời khi đang đứng trên sân khấu tại sự kiện Obama nói chuyện với startup hồi tháng 5/2016.

“Khi tốt nghiệp ở Stanford, tôi quyết định mở công ty giáo dục ở Việt Nam. Các bạn thường hỏi tôi: Tú có đang làm phí mất bằng cấp không”. Quá trình xây dựng phát triển Yola đã chứng minh và đưa ra câu trả lời về câu chuyện có phí không khi lựa chọn xây dựng một chuỗi tiếng Anh có ảnh hưởng đâu đó đến cộng động và chuyện ở lại nơi xứ người với nhiều dự định phát triển.

Để có nền tảng phát triển, cô gái nhỏ nhắn ấy đã trải qua nhiều thăng trầm, trăn trở cũng như khó khăn trong con đường khởi nghiệp.

Học Lê Hồng Phong, giành học bổng ĐH Stanford (Mỹ)

Từ thời còn là học sinh của trường Lê Hồng Phong, Tú đã chứng tỏ nội lực của bản thân, luôn “có số có má” trong lớp chuyên Pháp, đồng thời là chủ biên tạp chí tiếng Pháp đầu tiên của trường chuyên Lê Hồng Phong ngày ấy.

Cựu nữ sinh Lê Hồng Phong giành học bổng Stanford danh giá, làm MC trong sự kiện Tổng thống Obama và xây dựng một chuỗi trung tâm tiếng Anh có số má tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ước mơ được tiếp cận với thế giới đã nuôi dưỡng giấc mơ du học của cô nữ sinh. Tuy nhiên, nếu du học bằng chi phí của gia đình, khoản tiền đó rất lớn nên cô quyết tâm “săn” học bổng để thực hiện giấc mơ của mình.

Không ít lần Tú thất bại trong “công cuộc” tìm học bổng nhưng cô không nản chí mà có những bước đi chiến lược hơn để thực hiện mục tiêu của mình. Và một ngày đẹp trời, Tú đã nhận được học bổng của Đại học Stanford danh giá.

Nhớ lại ngày ấy, Tú cho biết, cô không tin vào mắt mình nên đọc đi đọc lại mail vài lần. Ba cô không nói nhiều nhưng cô hiểu được những niềm vui tự đáy lòng ba.

“Tú có đang làm phí tấm bằng Stanford?”

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, nữ thủ lĩnh của Yola cho biết, ngày tốt nghiệp Stanford, cô cũng như nhiều du học sinh khác cũng băn khoăn câu hỏi sẽ tiếp tục ở nước ngoài hay về Việt Nam.

Nhận thấy tiếng Anh là cầu nối học sinh với thế giới và chính những trải nghiệm của bản thân khi “săn” học bổng, Tú muốn làm điều gì đó “cho xứng đáng” khi trở về Việt Nam.

Tú cùng 2 người bạn đã thành lập Yola (Your online learning assistant, tạm dịch là Trợ thủ học tập trực tuyến) vào năm 2009, tập trung vào việc học tiếng Anh online.

Tuy nhiên, mô hình của Tú cùng các đồng sáng lập gặp không ít khó khăn.

Thứ nhất là bài toán kinh tế. Tú cho biết, để thuê một giáo viên ở Mỹ ngồi nói chuyện riêng với học viên, mức phí là 15 USD/giờ thậm chí có thể cao hơn. Mức giá này cao gấp đôi so với Việt Nam nên không khả thi.

Khi giải quyết bài toán kinh tế bằng cách tăng số lượng học viên cùng lúc lên từ 3 đến 5 người, Tú lại gặp phải bài toán thứ hai là vấn đề internet. “Khi dùng skype một đối một thì ổn, nhưng cùng đến năm, bảy người thì sẽ có người nào đó gặp vấn đề. Chưa kể vào thời điểm năm 2009, xu hướng sử dụng mạng xã hội và smartphone chưa nở rộ như hiện nay. Người học muốn học phải về nhà, mở laptop ra mới học được", Tú giải thích.

Bài toán thứ ba là khung cảnh và hoàn cảnh người dùng sử dụng sản phẩm của mình. Tú lấy ví dụ đối với người học là sinh viên ở ký túc xá một phòng ở rất đông người. Nếu một bạn sinh viên ngồi học trực tuyến như vậy sẽ làm ồn đến các bạn xung quanh. Một năm đầu tiên khởi nghiệp, YOLA vẫn dậm chân tại chỗ.

“Lúc đó chưa có các giải thưởng startup, chưa có các nhà đầu tư thiên thần để tiếp tục ý tưởng của mình nên cả nhóm chỉ nghĩ cách để có thể tiếp tục sống sót", Tú nói.

Cái khó ló cái khôn, Tú đã vận dụng những kinh nghiệm về làm hồ sơ du học và trải nghiệp du học ở nước ngoài của chính bản thân và các đồng sáng lập để tập trung sản phẩm hướng đến đối tượng có mong muốn đi du học nước ngoài.

Vậy là thành lập năm 2009, gần 1 năm sau, Tú cùng các bạn đồng sáng lập kết hợp online với offline (mở rộng các trung tâm để các học viên tiếp xúc với các thầy cô).

Năm 2011, Yola có 3 trung tâm tại TP HCM.

Cựu nữ sinh Lê Hồng Phong giành học bổng Stanford danh giá, làm MC trong sự kiện Tổng thống Obama và xây dựng một chuỗi trung tâm tiếng Anh có số má tại Việt Nam - Ảnh 2.

Nhận đầu tư 4,9 triệu của Mekong Capital

Cuối năm 2016, Mekong Capital rót 4,9 triệu USD vào Yola khi startup này đã có 4 trung tâm. Thương vụ khiến thị trường trung tâm tiếng Anh thêm sôi động bởi lẽ, trước đó, nhiều quỹ ngoại cũng đã đầu tư vào ILA, Apax, VUS…

Mekong Capital, quỹ từng rót vốn đầu tư vào Thế giới di động, PNJ, không phải không có lý do để chọn Yola.

Trong cuộc chia sẻ với chúng tôi, Tú cho biết, theo cô có 3 yếu tố để Mekong chọn Yola.

Thứ nhất, đó là thị trường trung tâm tiếng Anh tại Việt Nam những năm gần đây rất tiềm năng do nhu cầu học tiếng Anh tăng lên.

Thứ hai, Yola có đội ngũ founder trẻ, nhiệt huyết.

Và thứ ba là mô hình của Yola, có sự kết hợp giữa online và offline để tận dụng lợi thế của cả hai.

Kể từ khi Mekong đầu tư vào Yola, hệ thống đã mở thêm 5 trung tâm và quỹ cũng hỗ trợ thêm về việc xây dựng văn hóa công ty.

Dự định kể từ thời điểm nhận vốn của Mekong, Yola sẽ phát triển gấp 10 lần trong 5 năm. Cụ thể là tháng 8/2016, lượt học viên đăng ký tại Yola là 10.000 thì con số đó sẽ tăng lên 100.000 trong năm 20121, nữ thủ lĩnh Yola cho hay.

Cô gái làm MC trong chương trình Tổng thống Obama gặp gỡ startup

“Tôi lớn lên trong một gia đình bình thường ở TP HCM, nhưng cha tôi không bao giờ nói không với ước mơ của tôi, kể cả ước mơ học ở nước ngoài”, MC Ngọc Tú bắt đầu.

Chia sẻ với khán phòng có gần 1.000 người trẻ đang háo hức dự buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ, Tú cho rằng bản thân muốn tìm ra cách tốt nhất để kết nối và phát triển các tài năng cho tương lai.

"Khi tốt nghiệp ở Stanford, tôi quyết định mở công ty giáo dục ở Việt Nam. Các bạn thường hỏi tôi: Tú có đang làm phí mất bằng cấp không".

“Trong các chuyến đi của tôi, rất nhiều người trẻ tuổi hỏi nhiều câu hỏi, làm thế nào để tạo ra ảnh hưởng bền vững, tạo sự công bằng cho mọi người. Đây không phải là những câu hỏi dễ dàng. Ông Obama từng nói tạo ra sự khác biệt là công việc cả đời. Tổng thống Obama là niềm cảm hứng cho rất nhiều người, kể cả những người đang ngồi đây. Tôi mong mỏi được lắng nghe từ Tổng thống Obama", đồng sáng lập Yola khéo léo dẫn vào câu chuyện.

Cô gái nhỏ nhắn ấy đã bước lên trên chiếc bục danh dự làm MC cho chương trình có con người nổi tiếng nhất hành tinh làm diễn giả. Và hơn cả là chiếc bục “vượt qua chính mình”, mang lại những giá trị cho cộng đồng như cô từng mơ ước.

Năm 2015, Tú cũng lọt vào danh sách Forbes Việt Nam Under 30.

Theo Trường Giang

Trí thức trẻ

Trở lên trên