MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu tổng giám đốc Navibank lãnh mức án cao nhất

19-03-2018 - 21:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau 20 ngày xét xử, TAND TP HCM đã tuyên án 10 cựu lãnh đạo Navibank và nhận định các bị cáo không hề bị oan.

Sau 20 ngày xét xử và nghị án, chiều 19-3, TAND TP HCM đã tuyên án đối với 10 cựu lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Việt – Navibank (sau này là Ngân hàng Quốc Dân) về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo đó, HĐXX tuyên phạt ông Lê Quang Trí (nguyên Tổng Giám đốc Navibank) 13 năm tù, bà Phạm Thị Thu Hiền (nguyên Trưởng Phòng Pháp chế Navibank) 7 năm tù.

Liên quan đến vụ án, 8 bị cáo còn lại lãnh từ 7-12 năm tù cùng về tội "Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Cựu tổng giám đốc Navibank lãnh mức án cao nhất - Ảnh 1.

Nguyên Tổng Giám đốc Navibank Lê Quang Trí


Ngoài mức án, HĐXX còn tuyên buộc Navibank phải có trách nhiệm nộp lại 24,3 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước. Đây là số tiền mà các cơ quan tố tụng xác định là thu lợi bất chính trong vụ án.

Đồng thời, tòa còn kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ nhân viên Vietinbank có hay không giúp sức cho Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng Phòng Vietinbank Chi nhánh Điện Biên Phủ, TP HCM) chiếm đoạt tiền của Navibank.

Cựu tổng giám đốc Navibank lãnh mức án cao nhất - Ảnh 2.

Dàn cựu lãnh đạo Navibank tại tòa


HĐXX nhận định các bị cáo đã tạo điều kiện cho Huyền Như chiếm đoạt của Navibank số tiền 200 tỉ đồng. Việc điều tra, truy tố và xét xử là đúng người, đúng tội và không oan sai. Việc các bị cáo cho rằng bị ép cung là không có căn cứ bởi vì các bị cáo đều tại ngoại, có viết tường trình đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, việc VKS không đưa các tài liệu như sao kê, bản án phúc thẩm số 02...liên quan đến số tiền chiếm đoạt tại Navibank, dẫn đến thiếu tính xác thực nhưng HĐXX xét thấy điều này không ảnh hưởng đến tính chất của vụ án. Các bản án này đã có hiệu lực không bị kháng nghị, cần rút kinh nghiệm.

HĐXX nhận định Navibank đã hưởng lợi số tiền hơn 24,3 tỉ đồng nhờ lãi suất ngoài. Chính vì vậy, quan  điểm của các bị cáo, luật sư cho rằng 10 bị cáo không phạm tội là không có căn cứ.

Để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như lấy danh nghĩa đi vay tiền gửi cho Vietinbank đã trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của các đơn vị, cá nhân.

Theo đó, Huyền Như sẽ nhận tiền gửi của các đơn vị với lãi suất ưu đãi, hứa hẹn trả cho người môi giới, đại diện của các công ty tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, phí môi giới. Cụ thể, lãi suất theo quy định thì do Vietinbank trả, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng, tiền hoa hồng do Huyền Như trả.

Theo thỏa thuận, Navibank gửi tiền sang Vietinbank CN Nhà Bè sẽ được hưởng lãi suất từ 16,5%-22,5%/năm; lãi suất ghi trên hợp đồng là 14%/năm, lãi ngoài hợp đồng từ 2,5%-8,5%/năm; phần lãi chênh lệch ngoài hợp đồng được trả cho Navibank ngay sau khi tiền được chuyển vào Vietinbank CN Nhà Bè mà không đợi đến hạn tất toán hợp đồng tiền gửi.

Từ ngày 19-11-2010 đến ngày 26-7-2011, Navibank đã cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.543 tỉ đồng gửi vào Vietinbank CN Nhà Bè và CN TP HCM. Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỉ đồng; trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỉ đồng, lãi ngoài hợp đồng là 24,3 tỉ đồng.


Theo Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên