MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, bạn muốn trở thành ai?”

16-12-2020 - 00:05 AM | Sống

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, bạn muốn trở thành ai?”

Cuộc sống không phải một đường thẳng, mà luôn đầy rẫy những ngã rẽ buộc bạn phải lựa chọn. Đó là lý do tại sao mỗi người cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng tới hành trình sau này của mình.

Làm Tổng thống Mỹ không phải là một công việc dễ dàng. Trong suốt 8 năm ngồi ở vị trí quyền lực này, ông Barack Obama từng phải đối mặt với không ít lựa chọn đau đầu, đòi hỏi sự sáng suốt của người lãnh đạo.

Dưới đây là bản dịch bài chia sẻ của cựu Tổng thống Mỹ Obama về cách ông đương đầu với khó khăn để đưa ra những quyết định khôn ngoan nhất. Tít phụ do người dịch tạm đặt.

***

Một trong những điều đầu tiên tôi phát hiện ra khi trở thành Tổng thống Mỹ: Không quyết định nào đến chỗ tôi mà có một câu trả lời dễ dàng và gọn gàng. Những câu hỏi trắng đen rõ ràng đều đã được nhân viên của tôi trả lời rồi.

Không phải quyết định nào trong đời cũng phức tạp như ở trong Phòng Bầu dục, nhưng 8 năm làm Tổng thống Mỹ đã để lại cho tôi một vài suy nghĩ về cách đối diện với những quyết định khó khăn.

Xây dựng quy trình đánh giá trước khi đưa ra quyết định quan trọng

Tháng 3/2009, 2 tháng sau khi tôi trở thành Tổng thống, nền kinh tế vẫn đang rơi tự do. Tỷ lệ thất nghiệp là 8,5% và đang trên đà lên 10%. Hơn 800.000 người Mỹ mất việc, các hộ gia đình mất nhà ở. Thị trường chứng khoán xuống dốc khiến tài khoản hưu trí của họ thâm hụt. Thị trường tín dụng khó khăn khiến các hộ kinh doanh nhỏ không thể vay nợ.

Muốn xoay chuyển tình thế, phải ổn định lại hệ thống tài chính. Để làm điều đó, tôi quyết định làm điều ít tệ hại nhất - "kiểm tra áp lực" 19 ngân hàng lớn nhất đất nước để xem liệu họ có đủ vốn để tồn tại trong một nền kinh tế còn tồi tệ hơn.

Không ai hạnh phúc với quyết định đó - từ công chúng đến phố Wall, và cả chính tôi. Cố vấn của tôi không đồng tình với chặng đường phía trước. Một số kêu gọi lên án mạnh mẽ những ngân hàng bất cẩn đã khiến tất cả rơi vào thảm họa này. Những người khác cho rằng quyết định này sẽ bóp nghẹt sự tự tin cần thiết của thị trường.

Để thuyết phục mọi người, tôi đã họp bàn với đội ngũ kinh tế. Chúng tôi dành cả ngày trời mệt mỏi để nghe Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner trình bày về các bài kiểm tra áp lực, đưa ra một số phương án thay thế, mổ xẻ từng ý tưởng để đánh giá tính hiệu quả của chúng.

Đến tối, tôi rời cuộc họp để đi ăn tối và cắt tóc. Tôi bảo với họ rằng tôi hy vọng mọi người sẽ đạt được sự đồng thuận khi mình quay lại. Tuy nhiên khi ấy, trong lòng tôi đã quyết định sẽ tiến hành các bài kiểm tra này.

Chỉ trong 6 tháng, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại. Sang năm tiếp theo, các ngân hàng lớn nhất cả nước đã trả lại từng xu tiền thuế của người dân, cộng cả lãi suất.

Mấu chốt nằm ở chỗ, trong vài tuần ngắn ngủi ấy, tôi đã nhận ra: Mỗi quyết định khó khăn đều đi kèm với xác suất, không có gì là chắc chắn. Điều này khiến tôi có cảm giác như mình không thể làm điều đúng đắn.

Thay vì để bản thân mắc kẹt trong hành trình đi tìm đáp án hoàn hảo, hay đầu hàng trước "tiếng gọi trái tim", tôi tạo một quy trình đưa ra quyết định hợp lý nhất. Tôi sẽ lắng nghe các chuyên gia, theo sát thực tế, nhìn nhận mục tiêu và cân nhắc mọi yếu tố dựa trên nguyên tắc của mình. Như vậy, dù kết quả ra sao, ít nhất tôi biết mình đã làm tốt nhất có thể với những thông tin trước mặt.

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, con muốn trở thành ai?” - Ảnh 1.

Lắng nghe người khác là mấu chốt cho lựa chọn khôn ngoan

Việc dựa dẫm vào một quy trình để đưa ra quyết định sẽ giải phóng bạn, khiến bạn cảm thấy khiêm tốn. 

Dĩ nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi bạn thực sự lắng nghe người khác. Đối với tôi, điều đó có nghĩa là hỏi ý kiến mọi người trong cuộc họp về vấn đề đang bàn luận. Tôi sẽ hỏi cấp dưới, ngay cả những nhân viên ít kinh nghiệm nhất. Do đó, mọi người phải sẵn lòng chia sẻ quan điểm của mình.

Giống như mọi nhà lãnh đạo khác, tôi cũng có những điểm mù.

Cuối năm đầu tiên làm Tổng thống, cố vấn cấp cao Valerie Jarrett đã báo cáo một vấn đề với tôi. Một số phụ nữ trong đội ngũ nhân viên cho biết, các đồng nghiệp nam ngắt lời và bác bỏ quan điểm của họ, sau đó lại "nẫng tay trên" những ý tưởng đó làm của riêng. Điều này khiến các nhân viên nữ cảm thấy mờ nhạt, đến mức họ không còn lên tiếng trong các buổi họp.

Đây đều là những cố vấn quan trọng của tôi, vì thế tôi đã mời họ đến ăn tối để tìm hiểu thêm. Lắng nghe câu chuyện của họ, tôi nhận thấy sự dung túng của mình đối với những hành vi sai trái kia đã khiến các nhân viên nữ không thoải mái, vô tình kìm hãm những đóng góp của họ.

Chúng tôi không giải quyết được mọi thứ chỉ trong một đêm, nhưng khám phá này là một sự khởi đầu. Sau này, tôi phát hiện ra, các nhân viên nam trước đây đã không nhận thức được hành động của mình. Họ cảm thấy vô cùng xấu hổ và hứa sẽ thay đổi. Vài tháng sau, Valerie nói rằng tình trạng đã được cải thiện.

Trân trọng những người dám phản bác ý kiến của mình

Một trong những quyết định sớm nhất mà tôi phải đưa ra về cuộc chiến ở Afghanistan cũng là điều đang chờ được giải quyết từ trước khi tôi nhậm chức.

Dù chúng tôi đã lên kế hoạch cải tổ toàn bộ chiến lược, chỉ huy trên bộ đề nghị ngay lập tức triển khai thêm 30.000 quân. Vì thế, chỉ 2 ngày sau khi nhậm chức, tôi đã ngồi bàn bạc với các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia. Tất cả mọi người đều ủng hộ việc triển khai quân, trừ Phó Tổng thống Joe Biden.

Joe Biden cho rằng mọi người nên chờ tới khi có chiến lược rõ ràng. Đó là một điều không dễ dàng, bởi việc lên tiếng khiến ông bị chỉ trích. Tuy nhiên, tinh thần sẵn lòng đi ngược lại vấn đề và đưa ra những vấn đề khó nhằn của Joe là điều vô giá. Đó là một đức tính mà tôi đã dựa dẫm trong 2 nhiệm kỳ của mình.

Một trong những rủi ro của việc thu hút quan điểm từ một nhóm lớn là mọi người sẽ dễ đồng tình với nhau và đi tới quyết định. Việc có ít nhất một người dám phản đối buộc chúng tôi phải suy nghĩ nhiều hơn. Mọi người cũng cảm thấy tự do khi nêu quan điểm nếu người phản đối không phải là tôi.

Khi phải đưa ra quyết định cho một vấn đề khó nhằn, tưởng như không thể giải quyết, bạn sẽ không chỉ muốn người khác nói những điều mà mình muốn nghe.

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, con muốn trở thành ai?” - Ảnh 2.

Ông Barack Obama và ông Joe Biden

Tạo không gian riêng cho bản thân để suy nghĩ thông suốt

Bạn cũng sẽ muốn có thêm không gian để suy nghĩ. Bạn có nhớ lần tôi đi ăn tối và cắt tóc khi đang giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế kia không? Điều đó cũng rất quan trọng. Đó là một phần của quá trình suy nghĩ. Ngay cả trong những tình huống đòi hỏi bạn phải hành động nhanh, thói quen này sẽ giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ rõ ràng.

Không phải khi nào bạn cũng có thể lên kế hoạch nghỉ ngơi đúng lúc, hay lường trước được cách việc này sẽ tác động lên suy nghĩ của mình.

Một buổi tối tháng 3/2011, cố vấn an ninh quốc gia và tôi đang thảo luận hết sức căng thẳng về vấn đề Libya. Tôi đã phải ra ngoài vài lần để ăn tối với các chỉ huy quân sự và vợ của họ.

Ngồi cạnh một chàng lính thủy đánh bộ trẻ tuổi - người mất cả hai chân trong một vụ nổ ở Afghanistan, tôi không thể ngừng nghĩ đến quyết định đang chờ đợi mình phía trước. Liệu tôi có nên đưa thêm những người chàng trai trẻ như thế này ra chiến trường hay không?

Chúng tôi ngồi cách Phòng Tình huống ngột ngạt chỉ vài bước chân, nhưng bữa tối đó đã giúp tôi có thêm không gian và góc nhìn để sắp xếp lại suy nghĩ của mình. Sau khi mọi người kết thúc món tráng miệng, tôi đã có quyết định của mình.

Trong năm đầu tiên tại vị, thỉnh thoảng tôi sẽ đứng ở hồ bơi cạnh Phòng Bầu dục để hút thuốc, tận hưởng giây phút tĩnh lặng và suy nghĩ vẩn vơ. Tuy nhiên, sau khi ký Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (ACA - hay còn gọi là Obamacare), tôi đã cai thuốc lá hoàn toàn.

Để duy trì ranh giới mong manh giữa cuộc sống và công việc, tôi đã giữ lại một số thói quen khác như tập thể dục mỗi sáng, đi bộ mỗi tối, chơi bida với bạn bè và gia đình bếp trưởng Sam Kass. Nhờ vậy, bất cứ quyết định nào tôi đang gánh trên vai cũng trở nên nhẹ nhõm hơn, và tôi cũng vậy.

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, con muốn trở thành ai?” - Ảnh 3.

Gia đình nhà Obama trong một bữa tối tại Nhà Trắng

Nghỉ ngơi điều độ để học cách sống là chính mình

Tôi cũng có thói quen rời Phòng Bầu dục đúng 18h30 để ăn tối cùng gia đình. Chẳng có gì thoải mái bằng việc dành thời gian bên 3 người quan trọng nhất trong đời tôi.

Tôi nghe Malia và Sasha kể lại một ngày của chúng, hỏi han và trêu chọc tôi không dứt. Sau đó, Michelle và tôi sẽ ngồi riêng với nhau vài phút để nói chuyện. Tôi luôn cảm thấy bản thân được sạc lại năng lượng, như thể gia đình đã giải tỏa tâm trí và khôi phục trạng thái cân bằng giúp tôi.

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng làm việc không ngừng nghỉ - dù là làm ở công ty hay chăm sóc gia đình. Điều đó khiến chúng ta cảm thấy không đủ thời gian để nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nghỉ ngơi là điều vô cùng cần thiết.

Một điều tôi học được trong thời gian làm Tổng thống: Những quyết định tôi phải đưa ra đều rất quan trọng và có thể để lại hậu quả. Nhịp độ làm việc căng thẳng đến mức tôi cảm thấy không còn là chính mình.

Tuy nhiên, khoảng thời gian tôi rời xa bàn làm việc, nhất là lúc dành thời gian cho vợ và các con, là điều cốt yếu. Dù là dạy Sasha chơi bóng rổ hay đi hẹn hò cùng Michelle, nó đã nhắc nhở tôi cách sống như một con người đúng nghĩa. Thói quen này quan trọng bởi vì chúng ta phải đặt bản thân vào từng quyết định mình đưa ra. Và những quyết định này sẽ lần lượt phản ánh và quyết định chúng ta là ai.

Đây là điều mẹ luôn muốn tôi hiểu.

Có lần, bà bắt gặp tôi tham gia trêu chọc một đứa trẻ ở trường. Mẹ bảo tôi ngồi xuống, nói rằng trên thế giới này có 2 loại người. Một là người chỉ biết chính mình, sẵn sàng đạp người khác xuống để cảm thấy bản thân quan trọng. Hai là người luôn nghĩ đến cảm nhận của người khác, tránh làm những thứ gây tổn thương họ.

Bà hỏi tôi: "Vậy con muốn trở thành kiểu người nào?".

Suốt bao năm qua, câu hỏi của bà vẫn dẫn đường chỉ lối cho các quyết định của tôi.

Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, khi gặp gỡ Thiên hoàng và Hoàng hậu, tôi đã cúi chào theo bản năng. Đối với tôi, đó là một điều vô cùng tự nhiên - cử chỉ thể hiện sự tôn trọng với một nền văn hóa khác.

Sau này, tôi mới biết phe bảo thủ đã gọi hành động của tôi là "phản quốc". Thay vì lo ngại những chỉ trích nhằm vào hành động chào hỏi thể hiện sự tôn trọng chủ nhà lớn tuổi, tôi vẫn làm theo nguyên tắc riêng của bản thân và phép lịch sự căn bản.

Cựu Tổng thống Obama lần đầu tiết lộ bí quyết đối mặt với những quyết định khó khăn nhất cuộc đời: “Chỉ biết đến mình hoặc nghĩ cho người khác, con muốn trở thành ai?” - Ảnh 4.

***

Trong 2 năm đầu tiên làm Tổng thống, tôi đã học được cách đưa ra những quyết định tưởng chừng bất khả thi nhờ một lựa chọn vô cùng khó khăn: có nên tiến hành cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden không.

Đây là một chiến dịch vô cùng bấp bênh và đầy rủi ro. Vì thế, tôi thực hiện một quy trình vô cùng chặt chẽ. Tôi tin tưởng đội ngũ của mình. Tôi lắng nghe từng ý kiến trong phòng. Tôi tạo thêm không gian cho bản thân suy nghĩ. Và rồi, tôi đưa ra quyết định sẽ thể hiện quan điểm cá nhân của tôi về điều đúng đắn nên làm.

Dù không thể đảm bảo kết quả, tôi vẫn tự tin đưa ra quyết định.

Giờ đây nhìn lại, tôi đã giải quyết đáng kể những tình huống phức tạp - đó chính là công việc của một Tổng thống Mỹ.

Tuy nhiên, sự thật là ngay cả những người dân bình thường cũng phải đối mặt với vô số quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Hiện thực này càng trở nên sâu sắc hơn trong hoàn cảnh dịch bệnh. Chúng ta liên tục phải đánh giá tình hình, quyết định nên làm gì, cân nhắc mức độ an toàn của mỗi lựa chọn. Việc này vô cùng mệt mỏi.

Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là xây dựng một khuôn khổ nguyên tắc giúp bản thân xem xét các lựa chọn, chấp nhận rằng không phải vấn đề nào cũng có câu trả lời hoàn hảo. Bằng cách này, chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi biết rằng mình đã làm hết sức có thể trong tình huống đó, dù kết quả có ra sao.

Đưa ra quyết định không phải lúc nào cũng dễ dàng và gọn gàng. Thế nhưng, như mẹ tôi vẫn thường nói: "Thế giới phức tạp lắm, Barack. Đó là lý do mà nó rất thú vị".

(Theo Medium)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên