MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bị bắt vì cáo buộc nhận tiền từ cố nhà lãnh đạo Libya Gaddafi

20-03-2018 - 17:33 PM | Tài chính quốc tế

Giới chức Pháp xác nhận ông Sarkozy bị bắt hôm 20/3 với cáo buộc nhận tiền từ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi cho chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007.

Nhà chức trách Pháp chính thức mở cuộc điều tra về sự liên quan của ông Sarkozy với nhà lãnh đạo bị lật đổ và sát hại của Libya từ năm 2013. Theo cáo buộc, ông Sarkozy đã nhận hàng triệu USD bất hợp pháp từ nhà lãnh đạo Libya để phục vụ cho cuộc đua vào điện Elysee trong năm 2007.

Ngoài ra, Brice Hortefeux, một cựu bộ trưởng đồng thời cũng là đồng minh thân cận của ông Sarkozy, cũng đã bị cảnh sát tạm giữ để điều tra vì liên quan tới vấn đề Libya cùng ngày.

Ông Sarkozy, người đảm trách cương vị Tổng thống Pháp từ năm 2007-2012, luôn phủ nhận việc nhận tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo quá cố của Libya đồng thời gọi những cáo buộc đó là "lố bịch".

Tuy nhiên, các cuộc điều tra vẫn được tiến hành. Hồi tháng 1, một doanh nhân Pháp bị bắt tại Anh vì tình nghi liên quan tới số tiền ủng hộ từ nhà lãnh đạo Gaddafi. Tuy nhiên, ông này được bảo lãnh sau khi xuất hiện tại một phiên tòa ở London.

Những lùm xùm liên quan tới khoản tiền phi pháp từ nhà lãnh đạo Gaddafi cũng từng khiến ông Sarkozy thất bại trong cuộc đua Tổng thống Pháp năm 2012 trước ông Francois Hollande.

Nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi bị sát hại ngày 20/10/2011 sau khi rơi vào tay lực lượng đối lập. Các cuộc bạo loạn lật đổ cùng việc liên minh do Pháp và Anh dẫn đầu thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Libya nhanh chóng khiến quân đội của nhà lãnh đạo Gaddafi bị đánh bại.

Việc ông Gaddafi bị sát hại không thông qua xét xử làm dấy lên sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Tại thời điểm đó, xuất hiện nhiều quan điểm cho rằng ông Gaddafi bị thủ tiêu bởi nắm trong mình quá nhiều bí mật, có khả năng liên quan tới một số nhà lãnh đạo phương Tây. Giả thuyết này chưa được chứng minh ở thời điểm đó.

Muammar Abu Minyar al-Gaddafi là nhà lãnh đạo hợp pháp của Libya. Dù bị phương Tây cáo buộc là nhà độc tài nhưng thực tế, với không ít người dân Libya, ông được coi là anh hùng dân tộc, người có công thống nhất đất nước và đảm bảo hòa bình trong 4 thập niên nắm quyền.

Đã gần 7 năm sau cuộc bạo loạt lật đổ mà phương Tây hậu thuẫn năm 2011, Libya vẫn chưa thực sự tìm lại hòa bình và ổn định. Mâu thuẫn và sự tranh giành quyền lực giữa các nhóm vũ trang khiến quốc gia Bắc Phi nổi danh nhờ dầu mỏ bị chia rẽ sâu sắc.

Năm 2015, chính Mỹ cũng thừa nhận chiến dịch can thiệp vào Libya thất bại khi không thành lập được chính phủ hợp pháp ở quốc gia này. Thậm chí, người Mỹ còn cho rằng can thiệp vào Libya là sai lầm. Tuy nhiên, những lời thừa nhận muộn màng này không làm thay đổi những điều tồi tệ đang diễn ra ở Libya.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên