Đã cho vay hơn 4.400 tỉ đồng được vay hỗ trợ lãi suất 2%
Bước đầu kết quả triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% chưa được nhiều, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỉ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng.
- 26-08-2022Tắc gói hỗ trợ lãi suất 2%: Thà không nhận hỗ trợ còn hơn?
- 24-08-2022Sớm nới room tín dụng để đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ 2% lãi suất
- 21-08-2022Cần có chính sách riêng để đẩy mạnh giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%
Sáng 26-8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Đại diện 9 ngân hàng thương mại NHTM cho biết qua 3 tháng triển khai đã vào cuộc rất tích cực: Khẩn trương ban hành quy định nội bộ; tổ chức tập huấn toàn hệ thống tới từng chi nhánh, phòng giao dịch; rà soát đối tượng thuộc các ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất; Chủ động thông tin, tuyên truyền, đặc biệt một số NHTM còn phối hợp với chính quyền địa phương để truyền tải về chương trình hỗ trợ lãi suất tới các đối tượng thụ hưởng chính sách.
Tuy nhiên, do độ trễ của chính sách nên bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Theo báo cáo nhanh từ các NHTM, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng; dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8-2022 khoảng 13,5 tỉ đồng.
Nguyên nhân được chỉ ra là do đối tượng được hỗ trợ lãi suất của Nghị định 31: Các lĩnh vực, ngành nghề được hỗ trợ được cụ thể hóa từ Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, song khi triển khai trong thực tiễn cho thấy các NHTM gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành; hiện nay nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Do đó, vẫn cần các Bộ ngành tiếp tục có giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn.
Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) nêu 6 đề xuất, trong đó nhấn mạnh đề xuất xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất với các hộ gia đình sản xuất kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh.
Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất (gồm chương trình hỗ trợ lãi suất năm 2009 và một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước) vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng.
Chương trình có nguồn tiền hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước nên các NHTM cần thận trọng, đảm bảo dòng tiền hỗ trợ được đến đúng đối tượng, đúng mục tiêu, an toàn và hiệu quả, nên các NHTM mất nhiều thời gian chuẩn bị, xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán khi tham gia Chương trình được hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
Một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ hỗ trợ, song bản thân khách hàng (nhất là các doanh nghiệp) cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Các khách hàng có thể phát sinh nợ xấu trong quá trình làm ăn, một số khách hàng từ chối tham gia do sợ bị thanh tra, kiểm tra vào làm việc, thời gian tới chúng tôi sẽ động viên các khách hàng"- ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Công Thương (VietinBank), cho biết.
Ông Nguyễn Việt Cường - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nêu khó khăn trong việc xác định khách hàng có khả năng phục hồi, trong quá trình kinh doanh sẽ có suy giảm và có phục hồi. Vietcombank đã có hướng dẫn về vấn, tuy nhiên một số NHTM sẽ có cách nhìn nhận khác.
Đồng thời, với hỗ trợ lãi suất dành cho mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, theo danh mục Bộ Xây dựng đã công bố thì tổng dư nợ cho vay ước khoảng 3-5.000 tỉ đồng, vẫn còn nhỏ.
Ông Cường kiến nghị NHNN phối hợp có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí khách hàng có khả năng phục hồi, phạm vi khách hàng hỗ trợ lãi suất, bổ sung với khách hàng không có đăng ký kinh doanh.
Tại Hội nghị, NHNN cùng các Bộ, ngành đã tiếp tục giải đáp các vướng mắc về đối tượng, điều kiện thụ hưởng đã được quy định tại Nghị quyết 43, Nghị quyết 11 và cụ thể tại Nghị định 31 nhằm tạo sự thống nhất và tạo điều kiện cho NHTM và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được thụ hưởng chính sách.
Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% /năm từ nguồn Ngân sách Nhà nước là chương trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay triển khai thông qua hệ thống NHTM.
Theo kế hoạch hỗ trợ lãi suất báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 là gần 16.035 tỉ đồng, đồng thời bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 là trên 23.965 tỉ đồng. Như vậy, với mức phân bổ ngân sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm như trên, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỉ đồng dư nợ cho vay trong năm nay để giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp đủ điều kiện. Trong năm 2023, dư nợ dự kiến được hỗ trợ lãi suất vào khoảng 1,2 triệu tỉ đồng.
Người lao động