MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã có 69 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Việt Nam không chỉ tham gia mà đã chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung trên trường quốc tế, thúc đẩy đàm phán, trao đổi các vấn đề trên biển trong khu vực; đã có 69 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh ngày 1-1-2018 đã có những chia sẻ với báo chí nhân ngày đầu năm về hoạt động đối ngoại.


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí - Ảnh: Lam Phương

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trao đổi với báo chí - Ảnh: Lam Phương

Theo Phó Thủ tướng, năm 2017 vừa qua, quan hệ quốc tế bị tác động mạnh bởi điều chỉnh chính sách của các nước lớn, kéo theo những diễn biến nhiều chiều tại các khu vực, trong đó có Châu Á - Thái Bình Dương. Hợp tác và cạnh tranh đan xen một cách phức tạp, các tập hợp lực lượng với những hình thức và sắc thái mới đặt ra nhiều thách thức cho các nước vừa và nhỏ. ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập tiếp tục khẳng định vai trò một tổ chức khu vực thành công, nỗ lực duy trì đoàn kết, xây dựng Cộng đồng, nhưng cũng đứng trước những thách thức không nhỏ để duy trì vị thế của mình.

Chủ động xây dựng, định hình luật chơi chung

Năm 2017 được đánh giá là một trong những năm thành công nhất của đối ngoại Việt Nam , trong đó bao trùm và nổi bật là việc chúng ta đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò chủ nhà Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sự tham dự của đầy đủ các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và số lượng đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên đông đảo nhất trong 10 năm gần đây; từ khâu tổ chức, chủ trì, điều hành đến chất lượng nội dung các văn kiện; việc bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong cả Năm APEC... Sự kiện này đã đưa Việt Nam thành tâm điểm chú ý của thế giới, góp phần quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam. Hoạt động đối ngoại đa phương của ta đã nâng lên một tầm cao mới, chuyển mạnh sang "chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung".

Riêng trong dịp Tuần lễ Cấp cao APEC đã có 121 thoả thuận được ký kết với tổng trị giá 20 tỉ USD. Đến nay ta đã vận động được tổng cộng 69 nước công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

"Thành công của sự kiện này đã tạo được một nhận thức mới, một niềm tin mới, một sức mạnh mới, khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của đồng bào cả nước và cộng đồng doanh nghiệp"- Phó Thủ tướng tự hào.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm qua, Việt Nam đã thể hiện những nỗ lực rất lớn để đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống. Lãnh đạo cấp cao ta đã thực hiện 18 chuyến thăm đến 19 nước, tham dự 8 hội nghị quốc tế đa phương, tiến hành hàng trăm cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo, nguyên thủ các nước trên thế giới, đồng thời đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm Việt Nam.

Đặc biệt, riêng trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC, ta đã đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong cùng 1 ngày. Cùng với đó là các chuyến thăm của Tổng thống Chile và Thủ tướng Canada, trên 50 cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Thúc đẩy đàm phán, trao đổi các vấn đề trên biển trong khu vực

Trong năm 2017, công tác đối ngoại đã tiếp tục góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo đảm ổn định chính trị, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Các hoạt động đối ngoại quốc phòng - an ninh được đẩy mạnh, hợp tác về quốc phòng - an ninh với các nước đối tác ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước. Ta cùng với Lào đã hoàn thành kế hoạch tăng dày và tôn tạo mốc giới, cùng Campuchia hoàn thành 84,6% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ, cùng Trung Quốc và Lào triển khai hiệu quả các văn kiện về quản lý biên giới và cửa khẩu. Ta cùng các nước ASEAN và Trung Quốc chủ động thúc đẩy và nhất trí thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC. Ta thúc đẩy đàm phán và trao đổi về các vấn đề trên biển với các nước trong khu vực, đồng thời kiên quyết và kiên trì đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của ta. Ta kiên quyết đấu tranh với các ý đồ xuyên tạc vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các cơ chế đối thoại về nhân quyền, trao đổi thẳng thắn trên tinh thần xây dựng nhằm tăng cường hiểu biết, giảm bớt khác biệt và nhằm thúc đẩy quan hệ ổn định với các nước.

Ngoại giao Việt Nam trong năm 2018 và các năm tới sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đối ngoại, tiếp tục phát huy thành công của Năm APEC Việt Nam và của mối các quan hệ song phương, đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn nữa; triển khai các định hướng đối ngoại đa phương, chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021; kiên quyết và kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; triển khai mạnh Nghị quyết 06 về nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong năm qua, Việt Nam đã tranh thủ quan hệ và hợp tác tốt với các nước để đẩy mạnh việc bảo hộ công dân, ngư dân, bảo vệ địa vị pháp lý cho hơn 5.500 công dân và đưa gần 2.000 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước.

Theo D.Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên