MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã có người gặp họa sau khi tin dùng thuốc được quảng cáo trên mạng: Chuyên gia nói chớ nhầm lẫn nghệ sĩ là bác sĩ!

09-06-2021 - 19:21 PM | Sống

"Các anh chị nghệ sỹ nếu có nhận lời quảng cáo sản phẩm trên Youtube thì làm ơn đặt cái TÂM của mình sau đó tới cái LƯƠNG" là câu mở đầu trong bài đăng của người thân nạn nhân.

"Người nghệ sĩ nhận lời quảng cáo sản phẩm thì cần đặt cái TÂM của mình lên trước"

Thời gian gần đây, tình trạng các nghệ sĩ nhận quảng cáo cho các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan khiến nhiều người dân tin hơn cả tin bác sĩ. Họ tin bởi vì nghĩ rằng đã là người của công chúng thì người nổi tiếng sẽ nói đúng sự thật. Nhưng đáng tiếc, không phải người nghệ sĩ nào tham gia quảng cáo cho các sản phẩm đều hiểu chính xác về sản phẩm, vậy nên việc "nhắm mắt" quảng cáo có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã phải vào cuộc rà soát lại, nhiều nghệ sĩ cũng lên tiếng xin lỗi công chúng như nghệ sĩ Quyền Linh, Hồng Vân, Diệu Nhi.

Có thể nói, nghệ sĩ có thể nhận quảng cáo nhưng cần làm có tâm để không xảy ra những tình trạng đáng tiếc. Đơn cử như một trường hợp được chia sẻ trên mạng xã hội trong mấy ngày gần đây. Người đăng thông tin chia sẻ là anh N.T.N.

Cụ thể, trên mạng xã hội facebook, tài khoản N.T.N (TP.HCM) chia sẻ câu chuyện bố của mình bị nằm liệt giường mấy ngày liền. Nguyên nhân được xác định là do tùy tiện uống thuốc chữa viêm xoang được nghệ sĩ quảng cáo. Cụ thể, tài khoản N.T.N đăng tải nội dung như sau:

Đã có người gặp họa sau khi tin dùng thuốc được quảng cáo trên mạng: Chuyên gia nói chớ nhầm lẫn nghệ sĩ là bác sĩ! - Ảnh 1.

Tài khoản N.T.N chia sẻ trên facebook cá nhân.

"Các anh chị nghệ sỹ nếu có nhận lời quảng cáo sản phẩm trên Youtube thì làm ơn đặt cái TÂM của mình sau đó tới cái LƯƠNG nha. Trước khi nhận lời các anh chị hãy ráng dành chút thời gian quý báu của anh chị để tìm hiểu kỹ nguồn gốc và tác dụng của các loại thuốc cần quảng bá. Người tiêu dùng họ tin các anh chị lắm. Điển hình là ba của tui cũng vì mua thuốc viêm xoang mà anh chị quảng cáo uống... Hậu quả là nằm liệt giường mấy ngày trời".

Liên hệ đến N.T.N, anh chia sẻ, "Từ lúc ba tôi uống thuốc đó đến giờ là hơn 1 tháng. Hiện tại, sức khỏe của ông vẫn chưa hồi phục. Trước khi uống thuốc đó, ở tuổi 70, ông vẫn rất khỏe, đi đứng bình thường. Vậy mà chỉ uống được 2 viên thuốc này thì nằm liệt giường không ăn uống gì được".

Chia sẻ thêm về loại thuốc chữa viêm xoang này, anh nói đây là thuốc bố mình xem thấy trên mạng do một nghệ sĩ quảng cáo nên mua dùng. Trước đó, bố của anh bị viêm xoang, có đi chữa nhiều rồi nhưng viêm xoang khó trị dứt điểm. Lại thêm tâm lý sợ phiền con cái nên ông cứ thấy trên mạng quảng cáo là mua dùng. Nào ngờ giờ phải nằm liệt một chỗ.

"Đáng lẽ gia đình cho ông nhập viện nhưng dịch Covid-19 ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp nên phải nhờ bác sĩ tới điều trị tại nhà mỗi ngày", N.T.N cho biết thêm.

Có thể nói, mặc dù chưa rõ loại thuốc mà bố anh N. dùng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của ông cụ như thế nào nhưng việc cẩn trọng trước những sản phẩm thuốc được quảng cáo trên mạng nói chung, thuốc được nghệ sĩ quảng cáo nói riêng thật sự không thừa.

Nhiều người vì mê thần tượng hoặc tin tất cả những gì người nghệ sĩ nói mà đã mua thuốc dùng theo cho dù trước đó chưa tìm hiểu kĩ, thậm chí không biết người quảng cáo thuốc đó có dùng thật hay không.

Đã có người gặp họa sau khi tin dùng thuốc được quảng cáo trên mạng: Chuyên gia nói chớ nhầm lẫn nghệ sĩ là bác sĩ! - Ảnh 2.

Tất nhiên, người mua không tìm hiểu kỹ sản phẩm dẫn đến tiền mất tật mang thì đó là lỗi của họ. Nhưng bản thân người làm nghệ sĩ, những người có được sự ngưỡng mộ, lòng tin của công chúng lại đi quảng cáo khi chưa nắm rõ về thuốc, thậm chí quảng cáo sai sự thật về sản phẩm thuốc khiến người dân tin và mua dùng thì quả thật không thể không đáng trách.

Trước hiện trạng một bộ phận nghệ sĩ nhận quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng một cách tùy tiện mà không cần biết chất lượng ra sao, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VH-TT&DL) mới đây cũng quyết rà soát toàn bộ, làm mạnh tay với các biện pháp xử phạt, cảnh cáo...

Đã có người gặp họa sau khi tin dùng thuốc được quảng cáo trên mạng: Chuyên gia nói chớ nhầm lẫn nghệ sĩ là bác sĩ! - Ảnh 3.

Thông qua trường hợp trong gia đình diễn viên Thành Nhơn, việc cẩn trọng trước những sản phẩm thuốc được quảng cáo trên mạng nói chung, thuốc được nghệ sĩ quảng cáo nói riêng thật sự không thừa.

Dùng thuốc phải có sự đồng ý và theo hướng dẫn của thầy thuốc, tin theo lời quảng cáo sai sự thật sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc!

Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đồng y, Ba Đình), người nổi tiếng quảng cáo thuốc chữa bệnh dù là ai đi chăng nữa nếu không được chứng nhận là bác sĩ, thầy thuốc, không được cấp chứng chỉ hành nghề thì không thể đảm bảo chữa bệnh chuẩn y khoa cũng như đưa ra những lời khuyên dùng thuốc này thuốc kia chữa bệnh này bệnh kia sẽ khỏi.

"Chúng ta không nên thổi phồng giá trị của người nổi tiếng khi quảng cáo thuốc. Người nổi tiếng cũng giống như những người dân bình thường, không có bằng cấp, không có chứng nhận đủ khả năng khám chữa bệnh và tự kê đơn cho chính mình. Do đó, không có nghĩa lý gì khi người nổi tiếng khuyên dùng thuốc này thuốc kia là bạn cũng tin luôn", chuyên gia nói.

Đã có người gặp họa sau khi tin dùng thuốc được quảng cáo trên mạng: Chuyên gia nói chớ nhầm lẫn nghệ sĩ là bác sĩ! - Ảnh 4.

Chúng ta không nên thổi phồng giá trị của người nổi tiếng khi quảng cáo thuốc.

Vì niềm tin mù quáng vào quảng cáo, vì mua đồ theo thần tượng, vì thần tượng nói gì cũng đúng... rất nhiều người mới phải nhập viện vì rước họa vào thân. Để lấy ví dụ, Bệnh viện Nhiệt đới TƯ thông tin, trung bình một tháng, bệnh viện này tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Khi được hỏi về hành trình điều trị bệnh, đa số bệnh nhân cho biết họ nghe theo quảng cáo bán thuốc.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo, bất kể người quảng cáo bán thuốc là ai, dù là người nổi tiếng cỡ nào đi chăng nữa thì mọi người đều cần phải tỉnh táo khi nghe lời khuyên của họ, chỉ nên tham khảo như một người bạn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân mà thôi.

Sau đó, để tránh tình trạng tiền mất tật mang, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh và người nhà bệnh nhân cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo, giới thiệu về các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh, cần đến các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách.

Theo HH

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên