Đã có thêm khoảng 40 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng đột biến vượt xa kế hoạch cả năm 2017
Nếu so với kết quả kinh doanh năm 2016 thì cũng rất nhiều doanh nghiệp có kết quả tăng trưởng vượt bậc.
Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đang vào giai đoạn "rộ" nhất với cùng lúc hàng loạt doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh khả quan, báo lãi đột biến vượt xa kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
Ngoài những doanh nghiệp đã được thông báo vượt kế hoạch trước đó, trong tuần vừa qua đã có thêm khoảng 40 doanh nghiệp nữa công bố kết quả vượt xa kế hoạch năm như PVGas (GAS) Nhựa Tiền Phong (NTP), như Thương mại SMC, như Nam Long (NLG), như Long Hậu (LHG), như Coteccons (CTD)….
Năm 2017 Nhựa Tiền Phong ghi nhận hơn trăm tỷ đồng lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết khiến lợi nhuận sau thuế cả năm thu được 493 tỷ đồng, tăng 23,9% so với lợi nhuận đạt được năm 2016 và vượt đến 22% so với kế hoạch đặt ra cho cả năm, Tổng cộng tài sản đến cuối năm đạt 4.260 tỷ đồng, tăng 840 tỷ đồng so với đầu năm.
Lợi nhuận sau thuế riêng quý 4/2017 của Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chỉ bằng 1/10 cùng kỳ do giá vốn tăng cao, đồng thời công ty không được hoàn nhập 518 tỷ đồng cho chi phí tàu chính khi đánh giá lại chênh lệch tỷ giá như quý 4/2016.
Tuy thế lợi nhuận cả năm Nhiệt điện Phả Lại đạt gần 982 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, vượt 36% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt gần 836 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016 nguyên nhân chủ yếu do sản lượng điện tăng mạnh.
DAP Vinachem (DDV) cũng đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2017 vớilợi nhuận sau thuế đạt trên 47 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 145 tỷ đồng năm 2016. Nguyên nhân chính do lượng hàng bán ra tăng mạnh, giá bán bình quân cũng tăng gần 1,33 triệu đồng/tấn.
Lũy kế cả năm DAP Vinachem xóa hết lỗ gánh chịu trong 9 tháng đầu năm, vẫn còn "dương" lãi sau thuế hơn 15 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 470 tỷ đồng năm 2016 và cũng giúp công ty vượt xa mục tiêu lãi trước thuế 1,2 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó; đồng thời giảm lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 xuống còn 451 tỷ đồng.
PVGas (GAS) đạt hơn 64.570 tỷ đồng doanh thu năm 2017, tăng 9,3% so với năm 2016 và hoàn thành vượt mức 25,4% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế cả năm bất ngờ đạt 9.843 tỷ đồng, tăng 37,2% so với năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ đạt 9.577 tỷ đồng. Kết quả này giúp GAS vượt 87% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Kế hoạch kinh doanh của GAS được lập dựa trên phương án giá dầu 50USD/thùng, trước tình hình những ngày cuối năm 2017 giá dầu tăng, PVGas đã quyết định thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2017 đối với công ty mẹ với chỉ tiêu tổng doanh thu điều chỉnh tăng từ 47.842 tỷ đồng lên 52.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế điều chỉnh tăng từ 5.152 tỷ đồng lên 6.100 tỷ đồng. Trên BCTC riêng công ty mẹ PVGas cho thấy, doanh thu năm 2017 đạt 57.781 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 9.670 tỷ đồng – vượt xa kế hoạch đã được điều chỉnh của công ty.
Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu GAS trên thị trường chứng khoán cũng khởi sắc, vượt đỉnh cũ và hiện xác lập đỉnh mới ở mức giá 117.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu GAS trong 1 năm gần đây.
Vicostone (VCS) có năm 2017 kinh doanh khởi sắc, doanh thu đạt 4.353 tỷ đồng, tăng 34,5 % so với năm trước đó. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.125 tỷ đồng, tăng trưởng 37,4% so với năm 2016 và hoàn thành vượt 12,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.122 tỷ đồng, EPS đạt 13.461 đồng/cổ phiếu.
Nằm trong Top những doanh nghiệp niêm yết đạt EPS cao nhất năm với 20.436 đồng/cổ phiếu, năm 2017 doanh nghiệp xây dựng Coteccons (CTD) lãi sau thuế 1.653 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 1.652 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận tăng trưởng của Coteccons chủ yếu do doanh thu tăng mạnh. Doanh thu của Coteccons chủ yếu từ các hợp đồng xây dựng. Năm 2016 EPS của Coteccons đạt 20.669 đồng/cổ phiếu.
Trái ngược với kết quả kinh doanh thuận lợi giá cổ phiếu CTD lại đang đà giảm mạnh, từ mức giá xấp xỉ 240.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10 nay đã lao dốc xuống mức 180.000 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu CTD trong 6 tháng gần đây.
Cũng doanh nghiệp xây dựng, Nam Long (NLG) báo lãi sau thuế 756 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục công ty đạt được trong năm và vượt 15% chỉ tiêu lợi nhuận cản năm. Lượng hàng tồn kho của Nam Lonh tăng 186 tỷ đồng so với đầu kỳ, đạt 3.884 tỷ đồng. Trong số đó tồn kho tại Dự án Long An (1.489 tỷ đồng), Dự án Phú Hữu (672) tỷ đồng, dự án Hoang Nam (708 tỷ đồng).
Giá cổ phiếu NLG cũng đạt mức tăng trưởng 68% kể từ đầu năm 2017 đến nay, tăng từ vùng giá 19.900 đồng/cổ phiếu lên mức 33.500 đồng/cổ phiếu như hiện nay.
Diễn biến giá cổ phiếu NLG trong 1 năm gần đây.
Lợi nhuận riêng quý 4 của Hudland (HLD) đạt 51 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, nâng tổng lợi nhuận đạt được cả năm lên gần 58 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2016 và vượt 16% chỉ tiêu được giao. Hoặc Xây dựng Hòa Bình (HBC) cũng vừa báo lãi vượt kế hoạch năm 2017.
Lợi nhuận riêng quý 4 của thương mại SMC giảm 27% so với cùng kỳ, lợi nhuận lũy kế cả năm đạt 276,5 tỷ đồng, giảm sút 25% so với năm 2016 nhưng cũng đủ để giúp công ty vượt 84% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
Đáng chú ý, tổng doanh thu năm 2017 của SMC đạt 12.654 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2016 và là mức doanh thu kỷ lục từ trước đến nay của công ty.
Ngành vật liệu xây dựng như Xuân Hòa Việt nam (XHC) cũng vừa báo cáo lãi trước thuế năm 2017 lên đến gần 120 tỷ đồng, vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận chưa đến 15 tỷ đồng mà ĐHCĐ giao phó. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận Xuân Hòa tăng vọt nhờ ghi nhận khoản thu từ thoái vốn tại CTCP Đầu tư xây dựng Nhuệ Giang.
Với kết quả đó, ĐHCĐ của Xuân Hòa Việt Nam cũng vừa thông qua tờ trình "xin" điều chỉnh kế hoạch trả cổ tức năm 2017 từ 5% lên mức 27%, tờ trình được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. và ngay khi được thông qua, Xuân Hòa đã lập tức tạm ứng 25% cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Ống thép Việt Đức (VGS) dù đạt mức doanh thu kỷ lục gần 6.000 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thu về 71 tỷ đồng, giảm 12,3% so với năm 2016 nhưng cũng vượt 11% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Diễn biến giá cổ phiếu VGS trong 1 năm gần đây.
Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) riêng quý 4/2017 đạt 352 tỷ đồng doanh thu từ các cửa hàng miễn thuế, chiếm 52% tổng doanh thu (668 tỷ đồng), nâng tổng doanh thu cả năm lên 2.369 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016.
Chuyên bán suất ăn hàng không, CTCP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) cũng lãi 84 tỷ đồng năm 2017, tăng 24% so với năm 2016 và vượt 24,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Trong đó riêng mảng suất ăn đạt gần 490 tỷ đồng doanh thu trong tổng số 615 tỷ đồng doanh thu cả năm của công ty.
Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 349 tỷ đồng, vượt 58% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 290 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm 2016.
Ngành Thủy điện nói chung năm 2017 đạt nhiều thuận lợi do mưa nhiều, Thủy điện Thác Mơ (TMP) lãi sau thuế hơn 318 tỷ đồng, tăng trưởng 190% so với năm 2016, CTCP Sông Ba (SBA) cũng đạt mức tăng trưởng 111%. Trước đó, hàng loạt doanh nghiệp thủy điện đã báo lãi lớn như Thủy điện Bắc Hà (BHA), Thủy điện Miền Trung (CHP), Thủy điện Miền Nam (SHP), Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH), Thủy điện Nậm Mu (HJS)...
Truyền thông VMG (ABC) đã báo lãi sau thuế hơn 321 tỷ đồng, gấp 3,5 lần lợi nhuận đạt được năm 2016. CTCP Đường sông Miền Nam (SWC) lãi sau thuế hơn 510 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng trên 700%. Trong đó riêng quý 4 lãi sau thuế 45 tỷ đồng, tăng đột biến so với số lỗ 5 tỷ đồng cùng kỳ. Nguyên nhân có sự chênh lệch lớn, theo phía công ty cho rằng do khoản tiền thu lãi trái phiếu mà công ty được nhận, cùng khoản thu nhập khác bồi thường di dời của CTCP Đóng mới và sửa chữa phương tiện thủy Cần Thơ.
Hàng loạt doanh nghiệp khác cũng báo lãi tăng trưởng mạnh và vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận cả năm như Long Hậu (LHG) lãi sau thuế 164 tỷ đồng vượt 65% chỉ tiêu; LDG lãi sau thuế trên 283 tỷ đồng, tăng trưởng 70% so với năm 2016 và vượt 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoài ra, Công ty chứng khoán như Chứng khoán VnDirect (VND), Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), các công ty khác như Nam Việt (ANV), như Dược phẩm Vimediphar (VMD), các doanh nghiệp họ dầu khí như PVB, hay doanh nghiệp PVI, doanh nghiệp ngành điện như Thibidi (THI), ngành than như Than Núi Béo (NBC), Hóa chất Đức Giang Lào Cai (DGL)...cùng công bố kết quả kinh doanh vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: Kết quả kinh doanh năm 2017
Xem tất cả >>- Đạt Phương (DPG): Điện thương phẩm mang về 10% doanh thu nhưng đóng góp đến 36% lợi nhuận gộp năm 2017 cho công ty
- Quý 4 bất ngờ lãi cao giúp Xi măng Sài Sơn (SCJ) thoát án hủy niêm yết
- Licogi 166 (LCS): Quý 4 lãi gần 17 tỷ đồng tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ hoàn nhập dự phòng
- AMV: Vượt 175% kế hoạch cả năm chỉ nhờ kinh doanh trong quý 4
- Soi lợi nhuận của nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất 2017