MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đã đến lúc NHTW Nhật Bản sử dụng tiền trực thăng?

19-07-2016 - 12:05 PM | Tài chính quốc tế

Với vai trò là người đứng đầu Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), thống đốc Haruhiko Kuroda sẽ phải đưa ra những biện pháp sáng tạo nằm ngoài dự đoán của bất kỳ ai.

Tuần qua, đồng yên Nhật đã giảm 5%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong gần hai thập kỷ. Phe Đảng của Thủ tướng Shinzo Abe đã giành chiến thắng một cách thuyết phục trong cuộc bầu cử thượng viện, cho thấy sự ủng hộ với các biện pháp kích thích tài chính mới. Thêm vào đó, cựu Chủ tịch của Cục dự trữ Liên bang Mỹ, Ben Bernanke đến thăm một số quan chức ở Tokyo, thúc đẩy quan điểm cho rằng Nhật Bản nên xem xét những chính sách tiền tệ sáng tạo hơn để thúc đẩy nền kinh tế.

Tất cả đã tạo không ít áp lực lên thống đốc Haruhiko Kuroda, buộc ông phải từ bỏ những ý niệm truyền thống và an toàn để thử một công cụ kích thích kinh tế táo bạo hơn, chẳng hạn như chính sách “tiền trực thăng”.

Helicopter money – tiền trực thăng - là một phương pháp tiếp cận mới của chính sách tiền tệ mà trong đó Chính phủ in tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu công hoặc trực tiếp đưa tiền mặt cho người dân mà không thông qua các gói kích thích của NHTW trong bối cảnh NHTW cạn kiệt ý tưởng để kích thích nền kinh tế.

Tới gần đây, Thống đốc Haruhiko Kuroda vẫn loại trừ phương án này khi được hỏi. Tuy nhiên, nếu tình trạng trì trệ càng kéo dài thì ngày càng có nhiều khả năng chính phủ Nhật Bản rốt cuộc sẽ phải thử nghiệm chính sách này.

Có nhiều lý do để BOJ xem xét lời khuyên của Bernanke vì chính sách tiền tệ hiện nay của Nhật Bản dường như đã sử dụng gần hết toàn bộ các công cụ thúc đẩy kinh tế nhưng kết quả vẫn dậm chân tại chỗ.

Thử nghiệm với mức lãi suất âm dường như đã mang lại những hiệu ứng bất ngờ, nhắc nhở BOJ nên có sự điều chỉnh tinh tế. Các định chế tài chính Nhật Bản đã phải vật lộn với những cuộc thử nghiệm của BOJ để có thể thích nghi. Cho nên lãi suất càng giảm sâu hơn sẽ chỉ mang lại những điều phức tạp hơn. Thêm vào đó, mục tiêu lạm phát 2% đang ngày càng ngoài tầm với. Tất cả những khó khăn đó thúc đẩy BOJ phải có những biện pháp kích thích kinh tế táo bạo và cực đoan hơn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street vào tháng Tư, ông Kuroda đã thẳng thừng từ chối việc mở rộng tài khóa được tài trợ bởi chính sách tiền tệ, nhưng cũng thừa nhận rằng chính sách giữa BOJ và chính phủ có thể hòa hợp. Bây giờ, Thủ tướng Abe đang sẵn sàng bắn loạt đạn táo bạo tiếp theo để kích thích tài chính.

Với chính sách “tiền trực thăng”, nó không thực sự có ý nghĩa như việc ném tiền từ máy bay xuống, mà là việc kích cầu thông qua biện pháp tài khóa – dưới dạng tăng chi tiêu chính phủ, cắt giảm thuế hoặc chuyển khoản trực tiếp cho công dân – được tài trợ bằng tiền mới in.

Chính phủ cũng có thể bơm trực tiếp các khoản vay phi lãi suất cho các ngân hàng, để các ngân hàng cho vay lại; hoặc cơ cấu lại khoản nợ của Chính phủ mà BOJ đã sở hữu bằng cách chuyển đổi số trái phiếu BoJ đang nắm giữ thành trái phiếu vĩnh cửu, về cơ bản là không có ngày đáo hạn.

BoJ sẽ nắm giữ nguyên những trái phiếu vĩnh cửu này trên bảng cân đối kế toán và không bán chúng đi, đồng thời Chính phủ không phải thanh toán gốc và lãi vì trái phiếu không bao giờ đáo hạn.

Tuy nhiên, “tiền trực thăng” sẽ không hiệu quả nếu như thị trường chưa sẵn sàng. Giống như hồi tháng 1, khi ông Kuroda bất ngờ tung ra chính sách lãi suất âm, ít ai ngờ chuyện này sẽ xảy ra và do đó cũng không thể chuẩn bị đầy đủ để thích ứng với động thái của BoJ. Lần này, những người đã bán ra đồng yên trong tuần trước cũng có thể đối mặt với rủi ro rằng vào cuộc họp ngày 28/7 ông Kuroda sẽ quyết định đây chưa phải thời điểm thử nghiệm “tiền trực thăng”.

Đinh Lộc

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên