MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Đà Nẵng đang chủ trương dìm giá bất động sản xuống'

29-08-2019 - 14:52 PM | Bất động sản

Đó là khẳng định của Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng vào ngày 28/8.

Nghe báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng cũng như một số ngân hàng trên địa bàn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phân tích, trong cho vay, 64% là thương mại dịch vụ phù hợp cơ cấu kinh tế Đà Nẵng, tuy nhiên, 27% cho vay khối tiêu dùng ô tô, xe máy.

"Như vậy các đồng chí góp phần làm tắc tị đường phố, Đà Nẵng hiện có 34.000 ô tô, 1 triệu xe máy đăng ký tại TP.Đà Nẵng, chưa kể xe các tỉnh thành khác, thành phố này sao chịu nổi, các ngân hàng cho vay nhìn dưới đường xem, buổi chiều ra khỏi cơ quan rất khó khăn.

Đã đến lúc xem xét lại, đừng vì tạo mọi điều kiện cho khách hàng mà không tính hệ lụy khác làm Đà Nẵng đang mất dần môi trường thành phố yên bình", báo Thanh niên dẫn lời ông Trương Quang Nghĩa nhắc nhở.

Đối với cho vay bất động sản, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng nhóm này khả năng rủi ro rất lớn.

"Đà Nẵng đang chủ trương dìm bằng được giá nó xuống, không để nổi phình phình chỉ nuôi mấy ông mua đi bán lại, người dân không được gì.

Đà Nẵng còn quỹ đất bao nhiêu để dành lại, làm của để dành, chứ cứ đưa 1 miếng đất bán ra được 1 đồng bạc thì mất 20 đồng để giải quyết vấn đề khác, trong khi Đà Nẵng không có nhu cầu thật", ông Trương Quang Nghĩa khẳng định.

Trước đó, tại hội thảo chung về quy hoạch Đà Nẵng, nhiều chuyên gia khẳng định quỹ đất của Đà Nẵng phần lớn đã có chủ và nếu thực hiện đúng theo quy hoạch hiện nay thì đến 2045 thành phố hết đất, cần phải đánh giá lại cách sử dụng đất của Đà Nẵng.

Theo đánh giá của tư vấn, hiện Đà Nẵng chỉ còn khoảng 14% diện tích để phát triển đô thị, nhưng thực ra 14% ấy là đất xây dựng tương đối khó do gần sông nước, hay ngập lụt...

Hơn một năm trước, các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó Đà Nẵng, Quảng Nam là tâm điểm của đợt sốt đất. Nhiều người bỏ công ăn việc làm, vay mượn tiền đầu tư lướt sóng để kiếm lời. Thậm chí hàng ngàn người bất chấp rủi ro, đầu tư hàng tỷ đồng mua đất dự án bằng các hợp đồng góp vốn, hợp đồng giữ chỗ khi dự án chưa được hình thành trên thực tế.

Hơn nửa năm nay, khi bất động sản quay đầu lao dốc không phanh, nhiều người đầu tư bất động sản lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Minh Thái

Theo Minh Thái

Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên