Đà Nẵng: Đến hết năm 2022, 100% chợ loại 2 triển khai hình thức thanh toán QR Code
Hình thức thanh toán QR Code đã dần được tiểu thương và người tiêu dùng Đà Nẵng đón nhận khi đi mua sắm, tiêu dùng tại các chợ truyền thống
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ triển khai hình thức thanh toán QR Code cho 30 chợ truyền thống trên địa bàn.
- 05-09-2022Triệt phá đường dây 'siêu' lãi nặng cho vay qua app
- 05-09-2022Google hứa thưởng cả chục triệu USD cho hacker
- 05-09-2022Cần những điều kiện gì để đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Ngày 05/9, Phòng Quản lý thương mại – Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết đơn vị đang tính cực đẩy mạnh thực hiện hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống trên địa bàn.
Kể từ ngày ra mắt mô hình chợ 4.0 (ngày 8/4/2022) triển khai đồng loạt tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa (3 chợ loại 1 do Sở Công Thương quản lý), đến nay, mô hình đã được nhân rộng và triển khai thêm tại 5 chợ khác gồm chợ Bắc Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang) và chợ An Hải Bắc (quận Sơn Trà).
Đơn vị phối hợp thực hiện mô hình chợ 4.0 – Viettel Đà Nẵng đã xây dựng các điểm nạp/rút trong chợ và xung quanh chợ; trang bị mã VietQR kết nối với 37 ngân hàng và các ví điện tử, tạo tài khoản Viettel Money để hỗ trợ cho tiểu thương và khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến, bố trí điểm Bưu chính Viettel tại chợ để hỗ trợ cho tiểu thương hay khách hàng thuận lợi và nhanh chóng trong việc gửi và nhận hàng hóa.
Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1.700 tiểu thương tại 08 chợ được trang bị mã QR với tổng số giao dịch của tiểu thương gần 9.000 giao dịch với giá trị trên 12 tỷ đồng; hơn 15.000 giao dịch thanh toán của khách hàng thông qua mã VietQR và ngân hàng Viettel Money với giá trị hơn 3,5 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng , thời gian đầu, việc triển khai mô hình chợ 4.0 còn gặp nhiều khó khăn do thói quen tiêu dùng của người dân và thanh toán của tiểu thương vẫn chủ yếu nghiêng về hình thức truyền thống (dùng tiền mặt). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhờ tính thuận lợi và tiện ích, hình thức thanh toán bằng mã QR Code đã dần được người dân ủng hộ.
Ghi nhận tại các chợ Hàn, chợ Cồn, hình thức thanh toán ngày càng được sử dụng nhiều hơn, một phần lớn đến từ thói quen tiêu dùng thanh toán qua mã QR Code của khách du lịch.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2022, Sở Công Thương thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và vận động thực hiện mô hình chợ 4.0 – thanh toán QR code thay cho tiền mặt tại 30 chợ truyền thống trên địa bàn. Trong đó, 04 chợ tại quận Hải Châu, quận Thanh Khê 04 chợ, quận Liên Chiểu 04 chợ, quận Cẩm Lệ 06 chợ, huyện Hòa Vang 04 chợ, quận Ngũ Hành Sơn 02 chợ và quận Sơn Trà 05 chợ, đảm bảo 100% chợ loại 02 sử dụng hình thức thanh toán quét QR.
Báo Công Thương