MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đà Nẵng dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế

Mới đây, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, Đà Nẵng đã dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Đà Nẵng dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế - Ảnh 1.

Đà Nẵng dự kiến 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Ảnh: ST

Theo đó, dựa trên những điều kiện về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, cũng như dựa trên thực trạng tăng trưởng kinh tế của TP. Đà Nẵng, các điều kiện cụ thể về chính sách đặt ra cho Thành phố cần thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là các chủ trương theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Đà Nẵng dự kiến có 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, Kịch bản 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân 7,2%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 6,5-7%/năm.

Ở Kịch bản 2 (kịch bản chọn): Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 đạt mức tăng trưởng bình quân 7,5-8%/năm (Nghị quyết đề ra mục tiêu 9-10%). Với quy mô GRDP năm 2021 và năm 2022 (giá so sánh năm 2010) đã vượt quy mô của năm 2019 thì tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2024-2025 dự kiến đạt bình quân 9,5-10%/năm.

Kịch bản 3: Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2024-2025 tăng bình quân khoảng 12,8%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng 9%/năm.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng, để phấn đấu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo kịch bản chọn (Kịch bản 2), Thành phố cần tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; triển khai thực hiện Quy hoạch TP. Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đặc biệt, Thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, nhất là đối với các dự án quy mô lớn đang có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, các dự án liên quan đến kết luận thanh tra, kiểm toán, bản án; tập trung vào các dự án thuộc thẩm quyền xử lý của Thành phố để tăng thu ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Đồng thời, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng đô thị; nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết khi đã có quy hoạch phân khu.

Bên cạnh đó, tập trung khôi phục tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; tiếp tục phát triển du lịch bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế số.

Mặt khác, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng gắn với du lịch và đô thị; nghiên cứu việc hình thành Trung tâm OCOP Thành phố để thực hiện chức năng kết nối, hỗ trợ và quảng bá sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng.

Ngoài ra, Thành phố tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện quyết liệt các biện pháp giải ngân vốn đầu tư công; ban hành Quy định về một số chính sách khuyến khích xã hội hóa trên địa bàn Thành phố, nhất là các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường…/.

Theo Phương Lan

Báo Kiểm toán

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên