Đà Nẵng tăng giá đất, dân tái định cư nghèo ôm nợ
Đầu năm nay, thành phố Đà Nẵng điều chỉnh giá đất theo qui định. Việc điều chỉnh tăng khiến hàng nghìn hộ dân tái định cư nghèo nợ tiền đất lo lắng.
Nhiều gia đình chỉ nợ vài trăm triệu đồng nay tăng lên hơn tỷ đồng. Dân tái định cư nghèo không có khả năng trả nợ đang tính chuyện bán nhà, đất để trả nợ, nguy cơ tín dụng đen thao túng dân nghèo.
Mấy ngày nay, gia đình ông Hồ Văn Hải và nhiều gia đình khác ở Tổ 66, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đứng ngồi không yên vì khoản nợ tiền đất tái định cư hơn 1 tỷ đồng. Năm 2005, gia đình ông Hải nhường đất ở để thành phố chỉnh trang đô thị với giá đền bù thấp. Hơn 170 m2 đất ở và nhà của gia đình ông chỉ được đền bù 27 triệu đồng, trong khi đó giá một lô đất tái định cư 72 m2, thành phố bán gần 52 triệu đồng, tương đương với 61 chỉ vàng.
Quyết định số 06/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định các loại đất trên địa bàn thành phố. |
Số tiền đền bù không đủ để mua lại 1 lô đất tái định cư nên thành phố cho gia đình ông nợ tiền đất, trả dần trong vòng 10 năm. Hình thức trả nợ bằng tiền từ số vàng quy đổi theo giá tại thời điểm trả nợ. Ông Hải cho biết, sau khi nhận đất tái định cư, gia đình ông phải vay mượn thêm mới xây được căn nhà cấp 4. Làm xong nhà, lại phải trả nợ tiền nhà còn tiền đất đành khất nợ hơn 10 năm nay chưa trả được đồng nào. Ông Hải bàng hoàng khi số tiền nợ đất của gia đình từ vài trăm triệu đồng nay tăng vọt lên hơn 1 tỷ đồng.
“Ra quyết định này, dân hoàn toàn không biết luôn. Lẽ ra phải thông báo cho dân sớm cho người dân biết chủ động trả nợ, chừ đùng đùng nợ hơn 1,1 tỷ thì dân chết luôn chứ làm sao trả nỗi. Nếu nhà nước không giảm xuống, thì nhà tui bán để trả nợ. Bọn tín dụng đen xông vào cho vay để người dân có tiền trả nợ. Nhưng rồi tín dụng đen sẽ lấy nhà, không có chỗ ở, rất hoang mang, lo sợ sẽ ra đường ở” - ông Hải nói.
Theo Quyết định số 06/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định các loại đất, giá đất nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng vừa điều chỉnh tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với bảng giá đất của năm 2017, giá đất cao nhất đến 98 triệu đồng/m2. Việc thành phố Đà Nẵng điều chỉnh giá đất tăng khiến hàng nghìn hộ dân tái định cư đang nợ tiền đất điêu đứng do số tiền nợ tăng gấp nhiều lần so với trước, có hộ tăng hơn cả tỉ đồng. Người dân tái định cư càng bức xúc khi việc điều chỉnh giá đất không được thông báo trước để chủ động lo trả nợ, giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Nhiều gia đình ở Đà Nẵng nợ tiền đất tái định cư hơn 10 năm vẫn chưa trả được đồng nào. |
“Nợ cũ chỉ hai trăm mấy triệu, bây giờ lên cả 1 tỷ bạc là quá nhiều. Chúng tôi là dân lao động lương thiện, làm ăn ngày đủ ngày thiếu, không bao giờ có dư. Thấy nợ tăng quá đột ngột. Chúng tôi cũng tìm cách xoay để trả cho nhà nước nhưng không cách chi trả nỗi. Mong thành phố lấy lại giá nợ cũ. Không lẽ dân thành phố mà phải bán nhà để trả nợ nhà nước ra đi thì cũng tội cho dân chúng tôi” - ông Nguyễn Dũng, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết.
Tính đến cuối tháng 1/2019, gần 7.000 hộ dân tái định cư ở Đà Nẵng nợ tiền đất với hơn 866 tỷ đồng. Hàng nghìn gia đình cả 10 năm nay vẫn chưa trả được đồng nào. Số tiền nợ ban đầu chỉ vài chục triệu hoặc trăm triệu đồng nay tăng lên cả tỷ hoặc vài tỷ đồng càng khó trả nợ.
GM_PC_ARTICLE_NATIVE_ADS
Ông Tồ Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng giải thích, theo qui định của Luật Đất đai 2013, bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần, được công bố công khai vào ngày đầu của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh, thành phố điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Cuối năm 2017, đầu năm 2018, thị trường bất động sản ở Đà Nẵng có nhiều biến động, một số khu vực giá đất tăng hơn 4 lần, có nơi cao gấp 9 lần. Việc người dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư đã quá hạn 5 năm mà phải nộp theo giá đất hiện hành là đúng quy định nhưng gây nhiều khó khăn đối với người dân. Để giải quyết vướng mắc, UBND thành phố Đà Nẵng đã báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tìm hướng giúp đỡ bà con.
GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER
Liên quan đến các hộ dân tái định cư còn nợ tiền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng đang trình UBND thành phố sửa đổi, điều chỉnh một số qui định cho phù hợp với thực tế. Đối với những trường hợp nợ tiền sử dụng đất mà trong hợp đồng được ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án.
Phương án 1 là trả nợ theo hợp đồng và phương án 2 là trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ gốc hoặc trả nợ theo giá quy định hiện hành. Như vậy, việc thu nợ tiền sử dụng đất tái định cư này chỉ áp dụng đối với trường hợp còn trong thời hạn 10 năm (đã quá hạn 5 năm).
“Thành phố tiếp tục thu thập những thông tin, kiến nghị của người dân và yêu cầu các cơ quan tham mưu văn bản để thành phố kiến nghị các cơ quan Trung ương để có giải pháp. Chính sách như thế nào đối với những hộ dân này thì hoàn toàn phải đợi ý kiến của Trung ương. Đặc biệt liên quan đến điều chỉnh Nghị định 45, hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường chúng tôi cũng đang nghiên cứu và có đề xuất sớm” - ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết.
Một thời gian dài, thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh chỉnh trang đô thị. Để có một bộ mặt đô thị thoáng đẹp như hôm nay, hàng chục nghìn hộ dân đã phải nhường đất vào sinh sống các khu tái định cư. Bà con có nơi ở tốt hơn nhưng cũng nhiều người lại mất việc làm, thu nhập, nợ tiền đất kéo dài ngày một tăng lên và không có khả năng trả nợ.
Người dân tái định cư nghèo lo ngại khoản nợ tiền đất ngày càng lớn dần mà tiền trả nợ chưa biết tìm ở đâu. Nguy cơ mắc bẫy tín dụng đen đang hiện rõ trước mặt dân nghèo./.
Bảng giá “đất vàng” TPHCM chỉ 162 triệu, thực tế 1 tỷ đồng/m2 Theo bảng giá đất của TPHCM, mỗi m2 đất đường Đồng Khởi (quận 1) có giá chỉ khoảng 162 triệu đồng. Trong khi giá thực tế lên đến hàng tỷ đồng.
Sau điều chỉnh, bảng giá đất TP HCM vẫn chỉ bằng 30% giá thực tế VOV.VN - Giá đất quy định tại TP HCM có mức chênh lớn so với thị trường mặc dù UBND Thành phố đã điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất.
VOV-Miền Trung