MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Bùi Văn Phương: “Ăn không từ thứ gì, đến bán không từ thứ gì…"

Trong phiên thảo luận về các chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế trong nền hành chính công vụ, đạo đức cán bộ công chức đang là nguyên nhân gây ra những bức xúc trong xã hội hiện nay.

Theo tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017 được ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội đưa ra trong phiên họp sáng 25/7, bốn nội dung giám sát được đưa ra bao gồm: thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; thực hiện chính sách pháp luật với các dự án BOT, BT; chương trình hỗ trợ ngư dân và phát triển kinh tế biển, đảm bảo quốc phòng an ninh.

“Ăn không từ thứ gì...”

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nguyên chánh Thanh tra Bộ Nội vụ, đánh giá cao chương trình giám sát liên quan đến cải cách bộ máy hành chính và cho rằng đây nội dung rất quan trọng. Cũng bởi, những vấn đề nóng và bức xúc trong xã hội hiện nay đều gắn với sự vận hành bộ máy nhà nước, lực lượng công vụ, viên chức thực thi pháp luật.

“Nếu không có đầu tư kém hiệu quả với hàng tỷ USD lãng phí thì làm sao có gánh nặng nợ công vốn đã quá sức chịu đựng? Không có xả thải làm ô nhiễm, hủy diệt môi trường thì làm sao có tình trạng như vừa qua? Cũng sẽ không có nạn phá rừng bừa bãi, giấy chứng nhận hợp chuẩn phân bón, chứng nhận hợp chuẩn thủy sản, rồi hàng chục vạn dân nghèo khốn khổ vì đa cấp, vỡ nợ và tín dụng đen?” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương thẳng thắn đặt câu hỏi.

Cùng chung nỗi bức xúc, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng nếu có bộ máy cán bộ trong sạch vững mạnh, liêm chính thì sẽ không để xảy ra sai sót. Hiện nay bộ máy được xây dựng từ trung ương đến địa phương, quản lý rất chặt, đủ các lĩnh vực, nhưng vẫn để xảy ra những hạn chế, bất cập, ảnh hưởng đến người dân.

Trong bài phát biểu của mình, vị đại biểu này bức xúc: “Tại sao vẫn xảy ra nhiều chuyện để người dân ai oán, người dân ăn bẩn, ô nhiêm môi trường? Đều là lỗi bộ máy không làm tròn trách nhiệm. Ăn không từ thứ gì, đến bán không từ thứ gì, từ giấy chứng nhận thực phẩm… Gốc rễ là bộ máy, có người nói là năng lực kém, nhưng cử tri nói không hề kém, mà vì có lợi ích chi phối, nên người ta làm ngơ mọi chuyện. Đó là phẩm chất năng lực cán bộ”.

“Bận họp… để trốn tránh trách nhiệm”

Không chỉ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương còn thẳng thắn chỉ ra rằng việc thiếu trách nhiệm trong lĩnh vực mình quản lý, phụ trách rất đáng lên án. Vị đại biểu này nhận xét, mặc dù chính quyền ở đâu cũng có, cán bộ đông đảo, nhưng có vấn đề xảy ra thì dù kiểm tra kiểm điểm, cũng không quy được trách nhiệm.

“Cán bộ họp hành quá nhiều, đến mức khi có việc gì xảy ra, người dân kêu cứu, phóng viên xin gặp thì đều có chung câu trả lời là bận họp, bận họp để trốn tránh trách nhiệm. Do đó, việc giám sát cần đi vào nội dung cụ thể, làm rõ và thực hiện quy định về pháp luật liên quan đến trách nhiệm của các cán bộ công chức” – đại biểu Cương đề nghị.

Bên cạnh vấn đề nóng liên quan đến cải cách hành chính, cán bộ công chức thì các đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa giám sát trong vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn môi trường. Đây cũng là bức xúc mà cử tri và người dân rất quan tâm. Đại biểu Nguyễn Xuân Thân (Khánh Hòa), đề nghị trong chương trình giám sát chuyên đề, cần bổ sung việc giám sát Luật Bảo vệ môi trường một cách toàn diện.

Trong đó, các đại biểu cần tập trung giám sát văn bản luật có đi vào cuộc sống hay không, giám sát toàn diện các thành phần về môi trường, đặc biệt là dự án đầu tư môi trường, trong lập thẩm định đánh giá tác động. Đồng thời, Quốc hội cần xem và đánh giá từng địa phương, cả nước để sớm chấm dứt, làm chủ tình hình, không để sự cố môi trường diễn ra trong thời gian tới.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên