MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội bàn cơ chế cho các dự án PPP giao thông đường bộ

09-11-2023 - 18:32 PM | Bất động sản

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Nêu ý kiến thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre) cho biết, qua tham khảo các chính sách, đa phần chính sách đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất triển khai và đã từng triển khai thí điểm, ví dụ như chính sách PPP đã triển khai ở TP.HCM. Vì vậy, đề xuất của Chính phủ phù hợp với thực tế, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự án đầu tư công tốn rất nhiều thời gian, nếu các danh mục như Chính phủ trình triển khai, đại biểu cho rằng việc áp dụng cơ chế đặc thù sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ.

Đại biểu cũng kiến nghị, với những dự án đáp ứng tiêu chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong dự thảo nghị quyết, có thể xem xét bổ sung vào danh mục. Với dự án rõ nguồn vốn, chuẩn bị triển khai, chưa hoàn thành thủ tục, sử dụng vốn đầu tư công nên xem xét áp dụng cơ chế đặc thù ngay.

Đại biểu Quốc hội bàn cơ chế cho các dự án PPP giao thông đường bộ - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Đoàn Bến Tre)

Cân nhắc tỷ lệ góp vốn của Nhà nước

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) đề cập vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP (dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư). Hiện nay Chính phủ đang đệ trình tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) là 70%.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, cơ sở quan trọng nhất, mấu chốt nhất để xác định “như thế nào là hợp lý” để không làm mất đi tính chất hợp tác công tư và cần cân bằng tính khả thi của tỷ lệ này. Nếu cơ chế đưa ra không khả thi thì sẽ không có công trình, không có dự án và không có lợi ích khác.

Đại biểu Đức Hiếu cho rằng, Chính phủ có thể tham chiếu Nghị quyết thí điểm của TP.HCM với tỷ lệ góp vốn 70% là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên không nhất thiết lấy đúng tỷ lệ này của TP.HCM.

“Do bối cảnh các công trình, dự án của TP.HCM rất khác, bài toán về hiệu quả kinh tế, bài toán về các nhà đầu tư cũng khác, tham chiếu nhưng không nhất thiết áp dụng tỷ lệ vốn góp 70%”,  đại biểu đoàn Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu kiến nghị cần nâng cao tỷ lệ này lên 80% vì đây là tỷ lệ tối đa phần vốn Nhà nước có thể tham gia, dư địa để cho các địa phương đàm phán các nhà đầu tư. Mỗi địa phương tùy từng hoàn cảnh có những phương án riêng và tỷ lệ tham gia góp vốn của Nhà nước có thể dưới tỷ lệ tối đa cho phép. Điều này cũng giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ nên cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng tăng tỷ lệ cho phép phần vốn Nhà nước thực hiện các dự án PPP lên 80%.

Cũng liên quan đến vấn để vốn góp, đại biểu Phạm Văn Hòa, (Đoàn Đồng Tháp) cũng đồng tình với các ý kiến của đại biểu Phan Đức Hiếu và đại biểu Vũ Tiến Lộc, đồng thời cho rằng nên nghiên cứu thêm: “Với những địa phương có lưu lượng giao thông ít, giải phóng mặt bằng khó mà Nhà nước cần có đầu tư PPP, cùng với Nhà nước tham gia, đại biểu cho rằng nên cho cơ chế tỷ lệ góp vốn NSNN 70%, các nhà đầu tư PPP sẽ thực hiện được. Còn những địa phương khác có đoạn đường lưu thông khó thì cần quan tâm”.

Đại biểu Quốc hội bàn cơ chế cho các dự án PPP giao thông đường bộ - Ảnh 2.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp)

Trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của các dự án

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí nhưng lại không có các tiêu chí cần phải có như tính hiệu quả, tính hợp lý và tính cấp thiết. Dự thảo Nghị quyết không có những nội dung cụ thể tiêu chí này nhưng lại có danh mục dự án thì vấn đề đặt ra là các dự án có trong danh mục có bảo đảm yêu cầu.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết thêm, dự thảo Nghị quyết quy định về quy trình nếu như muốn xin bổ sung dự án để đưa vào danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đại biểu đặt vấn đề các dự án có trong danh mục lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra hay chưa?

Đại biểu cũng phản ánh thực trạng có những dự án PPP yêu cầu Nhà nước phải giải cứu với lý do phản khoa học là đường huyết mạch nhưng lưu lượng xe quá ít nên thu không đủ và đề nghị Nhà nước phải mua. Trong khi đó, một số dự án BOT, xe quá nhiều, thậm chí là quá tải thì Bộ Giao thông vận tải lại tìm cách bớt thời hạn thu phí, trái với lại hợp đồng đã thỏa thuận. Từ thực trạng trên, đại biểu đặt vấn đề về người chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của các dự án.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị để đại biểu Quốc hội an tâm bấm nút thông qua danh mục dự án, cần phải có thẩm tra khẳng định được những dự án này là hợp lý, cấp thiết và hiệu quả. Nếu không thì đề nghị giao cho Chính phủ quyết định.

Ở góc nhìn khác, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc ban hành nghị quyết đặc biệt, đặc thù trong bối cảnh hiện nay là một sáng kiến lập pháp rất quan trọng. Bởi trong khi chờ đợi cải cách toàn diện đồng bộ cả hệ thống thì những biện pháp đặc biệt, đặc thù sẽ giúp giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và cũng là bước thử nghiệm quan trọng để có được thực tiễn để có thể tạo nên bước đột phá về hệ thống pháp luật trong thời gian tới.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, không nên ban hành một danh mục các dự án, cũng như không nên để cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay là Ủy ban Kinh tế quá nặng nề với nhiệm vụ phải khảo sát, đánh giá và cam kết trước Quốc hội về những dự án này đảm bảo đủ các điều kiện.

Đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ ban hành những tiêu chí, điều kiện cho những dự án được áp dụng cơ chế. Khi đó, dự án nào hội đủ các điều kiện thì được áp dụng các quy chế đặc biệt, đặc thù. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc công nhận danh mục dự án. Đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, địa phương.

Đại biểu Quốc hội bàn cơ chế cho các dự án PPP giao thông đường bộ - Ảnh 3.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn TP. Hà Nội tranh luận)

Cần thiết nâng tỷ lệ vốn góp đảm bảo hài hòa lợi ích các bên

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua thảo luận tại tổ và hội trường cho thấy về cơ bản các đại biểu ủng hộ đề xuất của Chính phủ với các chính sách như dự thảo Nghị quyết, đồng thời nêu nhiều vấn đề cần rà soát hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo.

Về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm, trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%, dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng nhưng đến nay nhận thấy quy định không còn phù hợp. Cụ thể, như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm, hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí giải phóng mặt bằng là rất lớn…

Đại biểu Quốc hội bàn cơ chế cho các dự án PPP giao thông đường bộ - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội

“Do đó, sự cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Bởi nếu tỷ lệ thấp thì không thu hút nhà đầu tư, nhưng nếu nâng cao quá thì không còn ý nghĩa của dự án PPP nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên là vấn đề cần tính toán, cân nhắc. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý, tuy nhiên, một số dự án có thể cao hơn song từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để trong thời gian tới rà soát nghiên cứu sửa đổi Luật PPP.

Theo Lê Hoàng/VOV.VN

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên