MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội: Chậm đầu tư vào cao tốc bao nhiêu là thiệt hại cho người dân tăng lên bấy nhiêu

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau đề nghị nhanh chóng đầu tư và đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương – Cần Thơ trước năm 2020. Ngoài ra, cần nhanh chóng bố trí vốn đầu tư đường Quản Lộ Phụng Hiệp và bổ sung vào quy hoạch đầu tư cao tốc từ TP. Cà Mau đến đất mũi.

Chiều ngày 14/11, Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Chính phủ trình lên.

Đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến thời điểm hiện tại, hệ thống đường bộ cao tốc trên hành lang Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến TP. Cà Mau đã hoàn thành đưa vào khai thác 223 km, đang thực hiện đầu tư 297 km, đã xác định được nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và hoàn thiện thủ tục đầu tư 67 km. Còn lại 1.372 km trên đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, 150 km đoạn Cần Thơ –TP. Cà Mau và 7 km cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư.

Về thứ tự ưu tiên đầu tư, tờ trình cho biết các đoạn sắp xếp theo nhu cầu vận tải từ cao đến thấp như sau: Cao Bồ (Nam Định) - Nghi Sơn (Thanh Hóa); Dầu Giây (Đồng Nai) - Phan Thiết (Đồng Nai); cầu Mỹ Thuận 2 (nối Tiền Giang và Vĩnh Long); Phan Thiết (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa); Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế); Hàm Nghi (Hà Tĩnh) - Vũng Áng (Hà Tĩnh); La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng); Tuy Hòa - Nha Trang; Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Hàm Nghi (Hà Tĩnh), Quy Nhơn - Tuy Hòa, Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Quy Nhơn và Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2. Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe.

Giai đoạn sau 2025 đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - thành phố Cà Mau.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau đề nghị phạm vi nghiên cứu của dự án bao gồm toàn bộ đoạn đường cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau

Theo đại biểu, xét về địa lý, điểm khởi đầu là điểm cực Bắc Lạng Sơn thì tại sao điểm cuối không phải là cực Nam phía Đông của tổ quốc là Cà Mau. Xét về mặt kinh tế, theo quy hoạch, tỉnh Cà Mau là 1 trong 4 tỉnh trọng điểm kinh tế xã hội của vùng. Cảng Hòn Khoai của tỉnh cũng đã được Thủ tướng phê duyệt. Tỉnh còn được quy hoạch là một trong những vựa tôm lớn nhất của Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước. Vựa tôm ấy lại xuất phát từ các huyện phía Đông của tỉnh như là Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vựa tôm cần nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD, mà để đạt được thì cần phải có nguồn nguyên liệu thủy sản xuất đi là rất lớn và hầu hết phải chuyển bằng đường bộ. Tuy nhiên con đường bộ vận chuyển duy nhất hiện nay là đường 1A đã không thể đáp ứng được nhu cầu vận chuyển chứ chưa nói đến việc đáp ứng được nhu cầu lưu thông khi cảng Hòn Khoai đi vào hoạt động.

Mặt khác, theo đại biểu, để phát triển kinh tế xã hội cần phải đáp ứng sự biến đổi của khí hậu, là nội dung cấp thiết cần làm và đã được chỉ đạo tại các văn bản của Đảng và Nhà nước. Trong khi đó các huyện của Cà Mau thì lại đang đối mặt biến đổi khí hậu nặng nề, cần thiết phải làm ngay. Nhưng trong bối cảnh ngân sách khó khăn thì việc lồng ghép các chương trình với nhau là cần thiết. Trong khi huyện từ Tp. Cà Mau tới đất mũi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đại biểu đặt vấn đề tại sao lại không kết hợp xây dựng đê chắn sóng ngăn nước biển dâng, xâm nhập mặn với làm đường cao tốc thì sẽ vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa đảm bảo phát triển bền vững.

Về tiến trình xây dựng dự án, đại biểu cho rằng giao thông đường bộ khu vực phía ĐBSCL là rất bất cập, vì thế đề nghị nhanh chóng đầu tư và đưa vào sử dụng cao tốc Trung Lương – Cần Thơ trước năm 2020. Ngoài ra, nhanh chóng bố trí vốn đầu tư đường Quản Lộ Phụng Hiệp vì đây là con đường lưu thông quan trọng nối từ Cần Thơ - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau – Hậu Giang nhưng con đường này đang xuống cấp nghiêm trọng, cản trở lưu thông và sự phát triển ở khu vực này.

Về đường thủy, đại biểu cho rằng đúng là vận tải hàng hóa của khu vực ĐBSCL chiếm đến 70% là bằng đường thủy, nhưng đừng vì đánh giá này mà làm chậm rãi đầu tư vào đường bộ. Và theo đại biểu do đường bộ xuống cấp, gồ ghề, đang cản trở sự phát triển của khu vực nên đường thủy là phương án lựa chọn tốt nhất cho vận chuyển hàng hóa. Nhưng đường thủy có bất tiện về mất nhiều thời gian, mà khu vực này lại có điểm mạnh về thủy sản và trái cây - đều là hàng hóa tươi mới, giá cả sẽ lệch nhau rất nhiều giữa hàng hóa tươi với đông lạnh, vì thế chậm đầu tư năm nào là thiệt hại cho người dân tăng lên bấy nhiêu, vì thế đại biểu đề nghị cần đầu tư sớm đoạn cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và bổ sung vào quy hoạch đầu tư cao tốc từ TP. Cà Mau đến đất mũi để có kế hoạch thực hiện.

“Tổ quốc tôi như một con tàu, mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”, đại biểu mượn hai câu thơ này và thiết tha đề nghị Quốc hội quan tâm đến quy hoạch phát triển đến tận đất mũi Cà Mau.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên