MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội chỉ ra 3 khía cạnh mất cân đối của nền kinh tế

Nhập siêu cao, bội chi ngân sách và thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách được đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu TP HCM nhận định là các khía cạnh mất cân đối của nền kinh tế.

Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn TP. HCM đã có những nhận xét thẳng thắn về kinh tế Việt Nam.

Theo đại biểu Tuấn, nền kinh tế trong nước đang mất cân đối ở 3 khía cạnh, ảnh hưởng tới sự phát triển dài hạn.

Thứ nhất, trong cán cân thương mại con số nhập siêu 3 tỷ USD năm 2017 cho thấy khả năng cạnh tranh của mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng đòi hỏi yếu tố khoa học công nghệ.

Các doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ chính nước họ là chủ yếu khoảng 70%, cho nên phần sử dụng nguồn lực trong nước của các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Doanh nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ chưa xâm nhập vào thị trường bán lẻ trong khu vực.

Trong khi đó thị trường bán lẻ trong nước đang bị cạnh tranh rất lớn, áp lực cạnh tranh lớn từ các nhà bán lẻ ở các nước.

Thứ hai là vấn đề thu chi ngân sách với mức bội chi 3,5% GDP do vượt chi thường xuyên. Theo ông, đây là năm thứ 3 liên tiếp các bộ ngành không có tiền để triển khai nhiều dự án quan trọng. “Sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc tổ chức sắp xếp bộ máy như Nghị quyết trung ương vừa qua đã nêu rõ. Chính phủ cần tinh giảm biên chế trong bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công. Đặc biệt là cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng cường hiệu quả về ngân sách, trong đó đặc biệt là chi thường xuyên”, đại biểu Tuấn Anh cho biết.

Thứ ba đó là thiếu hụt vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng cần có sự phân bổ vốn hợp lý trong chi đầu tư, chuyển vốn từ các dự án chậm triển khai sang các dự án đang thiếu vốn nhưng cần thiết; tăng cường phân cấp cho các địa phương trong thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư, thu hút xã hội hoá...

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên