Đại biểu Quốc hội: Dự án thua lỗ nghìn tỷ nhưng mới “bắn chỉ thiên” chưa truy trách nhiệm
Khi điểm lại những dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng gây lãng phí ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đến từ Quảng Bình cho rằng thẩm tra, cảnh báo mới chỉ chung chung, chưa truy cứu trách nhiệm, chỉ là kiểu “bắn chỉ thiên”.
- 01-11-2016Ngày 1/11: Quốc hội thảo luận về tài chính, ngân sách, đầu tư công
- 31-10-2016Đại biểu Quốc hội: "Người dân cần phải biết đâu là tài sản công"
- 31-10-2016Xác định người tung tin sai về “đoàn xe Chủ tịch Quốc hội”
- 31-10-2016Tiếp theo Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… liệu Hội An có được xướng tên?
Sáng nay (1/11), Quốc hội đã thảo luận về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, đại đa số đại biểu Quốc hội quan ngại về tình trạng nợ công tăng cao trong khi nhiều dự án đầu tư lãng phí, gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương của Quảng Bình cho biết báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách đã chỉ ra được những nét cơ bản như tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ cao, vốn đầu tư công đang dàn trải…
Dù vậy, vị đại biểu này cho rằng báo cáo vẫn chưa chỉ ra được hiện trạng đầu tư thực tế của các dự án. Theo đó, những dự án nào thua lỗ, dự án nào cần xem xét, kiểm tra, truy tố chưa được nói đến. Vì theo ông, nếu không làm cụ thể như thế sẽ không truy đến cùng trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xử lý, từ đó “mới hi vọng ngăn chặn được tình trạng thất thoát vốn đầu tư”.
Điểm danh 5 “siêu dự án” hiện đang đứng trước nguy cơ phá sản làm tiêu tan 30.000 tỷ đồng bao gồm Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên, Bột giấy Phương Nam, nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, ông Phương cho rằng: “Cách báo cáo, thẩm tra hiện nay mới chỉ bắn chỉ thiên, nêu ra cái chung chứ không truy được trách nhiệm, không tạo ra đột phá làm chuyển biến nhận thức về vốn đầu tư, nhất là chống tham nhũng, lãng phí!”.
Mặt khác, dù đồng tình với Chính phủ về việc thắt chặt chi tiêu, xử lý bội chi, nhưng ông Phương vẫn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ nguyên nhân, áp lực gây ra nợ công và khả năng trả nợ của Chính phủ.
Bởi lẽ người dân đang trong tâm lý lo nợ và trả nợ càng nhiều càng lo. “Người xưa có câu thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi, vì vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính phải nói rõ cho người dân biết!”, ông Phương nói.
Đại biểu Phùng Đức Tiến của Hà Nam thì lại bày tỏ nỗi lo trước việc GDP năm nay khó lòng đạt được mục tiêu đã đề ra là 5,1 triệu tỷ đồng, có khả năng chỉ đạt 4,6, thậm chí chỉ đạt 4,1 triệu tỷ nếu tốc độ tăng trưởng chỉ là 6,3%.
Vì số tuyệt đối GDP thu hẹp nên các chỉ tiêu vĩ mô khác, đặc biệt là tỷ lệ bội chi trên GDP, nợ công trên GDP có khả năng vượt trần cho phép.
Đại biểu của Hà Nam cũng chỉ ra nhiều sai lầm ở việc sử dụng nguồn vốn vay trong thời gian vừa qua. Đây là lý do khiến hiện tại phải tăng vay để đảo nợ, vay năm sau cao hơn năm trước.
Ông cảnh báo nếu tiếp tục đầu tư lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước như thời gian qua sẽ không chỉ gây rủi ro cho cán cân tài chính ngân sách, rủi ro nợ công mà còn góp phần gây nên sự bất ổn định vĩ mô.
Vì vậy, ông Tiến cho rằng Chính phủ cần phải có chiến lược vay, trả nợ rõ ràng, chi tiêu tiết kiệm, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý chi tiêu công.
Đại biểu Phạm Phú Quốc của TP HCM thì góp ý rằng Chính phủ cần tính toán nuôi dưỡng nguồn thu, tạo hành lang thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động, khuyến khích người dân bỏ vốn vào tham gia phát triển kinh tế.
Mặt khác, theo ông Quốc cũng có thể tính toán đến những nguồn thu mới như thuế cải thiện, phí tác động, thuế nhà... tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tận thu.
Ngoài ra, ông cũng khuyến nghị, bên cạnh hỗ trợ khởi nghiệp, cần khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, có tầm cỡ quốc gia và khu vực để mang lại nguồn thu lớn, dẫn dắt khối doanh nghiệp phát triển. Đối với các loại vốn vay, đầu tư từ nước ngoài, vị đại biểu này nhấn mạnh cần phải tỉnh táo để tránh “bẫy” gây nợ nần hay để lại những hậu quả lớn về môi trường.