MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại biểu Quốc hội kiến nghị bỏ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông

Một số ý kiến Đại biểu quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp THPT và giao các địa phương thực hiện.

Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội (UBTVQH) cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông (GDPT) của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp THPT sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp THPT, Dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình THPT thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Về ý kiến đề nghị cần làm rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

UBTVQH cho rằng, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT được cấp cho người học đã học xong chương trình GDPT nhưng không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt, không nằm trong văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này có giá trị xác nhận người học đã hoàn thành kiến thức văn hóa THPT, đáp ứng chuẩn đầu vào các trình độ GDNN theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được dùng để đăng ký dự thi THPT và tiếp tục học trình độ cao hơn. Quy định này nhằm góp phần thúc đẩy phân luồng, liên thông giữa GDPT, GDNN và GDĐH.

Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được cấp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS học trình độ trung cấp trong cơ sở GDNN sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Giấy chứng nhận này có giá trị để đăng ký dự thi THPT (thí sinh tự do) hoặc đăng ký tuyển sinh vào cao đẳng theo đúng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

Cụ thể, trong Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định việc xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học phổ thông và cấp văn bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tại điều 34 như sau:

Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Hiệu trưởng nhà trường xác nhận trong học bạ việc hoàn thành chương trình tiểu học.

Học sinh học hết chương trình trung học cơ sở có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên