Đại cử tri sắp bỏ phiếu, vị trí của Donald Trump ở đâu trong lịch sử?
Dù bị xếp vào nhóm những tổng thống có số phiếu đại cử tri thấp nhất trong lịch sử chính trị Mỹ nhưng ông Donald Trump vẫn nhiều phiếu hơn những người tiền nhiệm danh tiếng như John F. Kennedy, Richard M. Nixon hay cả Tổng thống George W. Bush.
- 17-12-2016Lộ diện nhà quản lý quỹ chi 60.000 USD để uống cà phê với con gái Donald Trump
- 16-12-2016Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cảnh báo Donald Trump về tương lai 20.000 công nhân ở Mỹ
- 16-12-2016Trump chọn cựu chỉ huy hải quân Mỹ làm bộ trưởng nội vụ
- 15-12-2016Trump lần đầu kể lại khoảnh khắc tưởng như đại bại dưới tay bà Clinton
- 15-12-2016Từng tuyên bố sẽ chuyển đến Trung Quốc nếu Trump đắc cử, bây giờ CEO của Uber lại là cố vấn kinh tế của Donald Trump
Ngày 19/12 theo giờ địa phương, 538 đại cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu để chọn ra tổng thống nhiệm kỳ 2017-2021 theo nguyện vọng của người dân trong cuộc tổng tuyển cử hôm 8/11. Các cuộc họp diễn ra ở toàn bộ 50 bang và Đặc khu Columbia (thủ đô Washington D.C). Các đại cử tri được chọn bởi đảng giành chiến thắng tại từng bang trong cuộc bầu cử.
Tại cuộc họp của Đại cử tri đoàn, các Đại cử tri sẽ quyết định chọn bà Hillary Clinton hay ông Trump sẽ trở thành người chèo lái nước Mỹ. Trong suốt lịch sử chính trị Mỹ, Đại cử tri đoàn chưa bao giờ bỏ phiếu với kết quả khác so với cuộc tổng tuyển cử dù có một vài trường hợp đại cử tri bất trung thành. Con số này chỉ chiếm thiểu số và chưa từng làm thay đổi kết quả bầu cử.
Tuy nhiên, cuộc đua năm 2016 cũng là sự kiện chưa từng có trong lịch sử, khi các nỗ lực hậu bầu cử được tiến hành nhằm làm các đại cử tri thay đổi quyết định bỏ phiếu. Nội bộ đảng Cộng hòa cũng có những bất đồng với Tổng thống đắc cử Donald Trump, điều khiến một số người kỳ vọng vào kết quả khác trong sự kiện ngày 19/12.
Vị trí của Trump trong lịch sử chính trường Mỹ
Trên thực tế, bà Clinton, dù thua, nhưng lại dẫn trước ông Trump tới gần 3 triệu phiếu phổ thông, điều chưa từng xảy ra kể từ năm 1876. Rõ ràng, chiến thắng của ông Trump không phải “cơn địa chấn” như ông mô tả. Tuy nhiên, nếu tất cả các đại cử tri bỏ phiếu đúng như họ cam kết, ông Trump vẫn chỉ đứng thứ 44 trong tổng số 54 cuộc bầu cử tổng thống, được tính từ năm 1804 tới nay.
Để giành chiến thắng, một ứng viên tổng thống cần tối thiểu 270 phiếu đại cử tri. Trong cuộc đua năm 2016, ông Trump giành được 306 phiếu theo cam kết. Tuy nhiên, chiến thắng của Trump vẫn bị xếp vào danh sách những thắng lợi với cách biệt ít nhất.
Trong số các tổng thống Mỹ, Franklin D. Roosevelt (1936) đang dẫn đầu với tỷ lệ phiếu đại cử tri lên tới 98,5%. Người thứ 2 là James Monroe (1820) với 98,3% trong khi Ronald Reagan (1984) với 97,6%. Người đứng thứ 10 trong danh sách nhận nhiều sự ủng hộ nhất là Dwight D. Eisenhower (1956) với 86,1% phiếu đại cử tri.
Ngược lại, xếp cuối bảng là John Q. Adams (1824) với chỉ 37,9% số phiếu đại cử tri. Trong cuộc bầu cử năm 1824, Adams nhận ít phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông hơn so với đối thủ Andrew Jackson. Tuy nhiên, Adams giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hạ viện với 13 phiếu. Hai đối thủ của Adams là Jackson và Crawford chỉ lần lượt giành được 7 và 3 phiếu.
Ông Donald Trump đứng thứ 11 trong số những người nhận ít phiếu nhất với 56,9%. Tuy nhiên, vị tỷ phú New York vẫn xếp trên những tên tuổi đình đám như John F. Kennedy (1960) với 56,4%, Richard M. Nixon (1968) với 55,9%, Jimmy Carter (1976) với 55,2% hay Tổng thống George W. Bush với hai lần tranh cử là 53,2% vào năm 2004 và 50,4% vào năm 2000.
Những điểm đáng chú ý về cuộc họp của Đại cử tri đoàn
Không có Đại hội toàn quốc của Đại cử tri đoàn. Thay vào đó, các đại cử tri sẽ tập trung tại mỗi tiểu bang, thường là thủ phủ của tiểu bang đó. Luật Liên bang quy định, đại cử tri cần nhóm họp vào ngày 19/12 để chọn ra tổng thống Mỹ. Mỗi đại cử tri phải ký vào 6 bản xác nhận phiếu bầu để lựa chọn tổng thống và phó tổng thống.
Trong số 6 phiếu đó, hai phiếu sẽ được chuyển tới Trung tâm lưu trữ Quốc gia, một phiếu được gửi tới Chủ tịch Thượng viện, hai phiếu được gửi tới người phụ trách bầu cử của các bang và một phiếu còn lại được gửi cho thẩm phán bang. Vào ngày 6/1/2017, Quốc hội Mỹ sẽ chính thức đếm số phiếu đại cử tri. Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sẽ phụ trách việc kiểm phiếu.
Về mặt lý thuyết, các nhà lập pháp có thể trình văn bản với chữ ký của ít nhất một hạ nghị sĩ và một thượng nghị sĩ, nhằm phản đối kết quả bầu cử. Nếu Lưỡng viện Quốc hội Mỹ chấp thuận, kết quả bỏ phiếu hoặc trưng cầu dân ý có thể bị hủy bỏ. Tuy nhiên, điều này cũng chưa từng xảy ra trong lịch sử.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, Tổng thống Mỹ sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Trong trường hợp này, chiến thắng dường như sẽ thuộc về tay Tổng thống đắc cử Donald Trump. Đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Trump đang làm việc với chính quyền Tổng thống Obama để sẵn sàng cho quá trình tiếp nhận.