MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Đại dịch" lười vận động bao trùm thế giới

06-09-2018 - 22:05 PM | Sống

Hơn 1,4 tỉ người trưởng thành trên toàn cầu có nguy cơ mắc các bệnh gây tử vong cao chỉ vì không vận động đủ mức cần thiết.

Một nghiên cứu mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - công bố trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 4-9 - chỉ ra rằng 1/3 phụ nữ và 1/4 đàn ông trên thế giới có thể mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường và ung thư nếu không tăng cường vận động thể chất.

Theo đài CNN, WHO khuyến cáo người trưởng thành nên vận động vừa phải ít nhất 150 phút hoặc vận động cường độ mạnh 75 phút mỗi tuần.

Dựa trên các khảo sát về mức độ hoạt động thể chất của 1,9 triệu người tại 168 quốc gia trong năm 2016, nghiên cứu trên cho thấy xu hướng ít vận động thể chất ngày càng tồi tệ, với hơn 25% người trưởng thành vận động "dưới chuẩn" trong năm 2016 (tăng so với mức 23,3% trong năm 2010).

Đại dịch lười vận động bao trùm thế giới - Ảnh 1.

WHO khuyến cáo người trưởng thành nên vận động vừa phải ít nhất 150 phút hoặc vận động mạnh 75 phút mỗi tuần. Ảnh: REUTERS.

Đặc biệt, các nước giàu có lối sống ngày càng thụ động, với tỉ lệ người vận động chưa đủ tăng từ 32% (năm 2001) lên 37% (năm 2006). Trong khi đó, con số này ở các nước thu nhập thấp vẫn ổn định ở mức 16%, thậm chí ở 2 nước Uganda và Mozambique còn đạt được tỉ lệ tuyệt vời là chỉ 6% người trưởng thành vận động chưa đủ trong năm 2016.

Bà Regina Guthold, tác giả dẫn đầu nghiên cứu, cho biết: "Mức độ lười vận động ở các nước thu nhập cao hơn gấp hai lần so với các nước thu nhập thấp. Mỹ Latin, vùng Caribbean và các quốc gia phương Tây giàu có là những khu vực lười vận động nhất".

Theo bà Guthold, người dân ở các quốc gia giàu có thường dành nhiều thời gian trong nhà, giờ làm việc tăng, dễ tiếp cận nguồn thức ăn giàu calo và được hưởng hệ thống giao thông tự động hóa. Như vậy, mức độ vận động ít là một phần của "mô hình" sức khỏe kém đi kèm với đô thị hóa.

Theo đài CNN, trong khi người dân các nước phương Tây giảm hoạt động thể chất thì các nước Đông Á và Đông Nam Á lại đi ngược xu hướng này. Trong giai đoạn 2001-2016, tỉ lệ người trưởng thành thiếu rèn luyện thể lực ở 2 khu vực trên giảm từ 26% còn 17%.

Trong số các giải pháp khắc phục tình trạng lười vận động, bà Guthold cho rằng các quốc gia và cộng đồng có thể tạo ra các chương trình mới để hỗ trợ cũng như thúc đẩy mọi người năng động hơn. Theo chuyên gia này, việc môi trường được cải thiện sẽ tạo điều kiện cho nhiều người đi bộ, đạp xe hoặc vận động thể chất theo nhiều cách khác.

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên