MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại dự án 85.813 tỉ đồng nguy cơ chậm tiến độ

10-03-2023 - 07:42 AM | Bất động sản

Việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng thủ đô là dự án rất quan trọng, mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị mới, khai thác quỹ đất hiệu quả hơn, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trong khu vực trọng điểm Bắc Bộ.

Đi thực địa kiểm tra dự án Vành đai 4 vào cuối tháng 1-2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan khẩn trương chuẩn bị các công việc, làm sớm nhất có thể, tránh thủ tục phiền hà không cần thiết, kéo dài thời gian với "tinh thần là làm ngày làm đêm". Tuy nhiên, hiện dự án quy mô rất lớn này đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô diễn ra ngày 7-3 với sự tham dự của lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và đại diện nhiều bộ - ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết dự án dài 112,8 km đi qua địa bàn của 3 tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh (đoạn qua Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km, Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km), có tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Tuy nhiên, do dự án phức tạp, đi qua địa bàn 15 quận, huyện của 3 tỉnh, thành nên đến nay mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 1.1, 2.1 và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đang được Hội đồng Thẩm định nhà nước tổ chức thẩm định (các dự án do UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền); còn lại các dự án thành phần 1.2, 1.3, 2.2, 2.3 do UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh là cơ quan có thẩm quyền đang tổ chức thẩm định, tiến độ bị chậm và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án trong tháng 6-2023.

Thẳng thắn nhìn nhận tiến độ triển khai dự án trên địa bàn đang chậm hơn TP Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn và Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cam kết sẽ tập trung chỉ đạo để hoàn thành giải phóng 70% mặt bằng trước ngày 30-6 tới, phục vụ khởi công dự án đúng tiến độ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng dự án Vành đai 4 là dự án cụ thể, công việc cụ thể được triển khai theo mô hình hoạt động vùng. Thực hiện thành công dự án này có ý nghĩa rất lớn để thực hiện các Nghị quyết của Đảng về phát triển vùng, trong đó có Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cũng đề nghị báo cáo với Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất phê duyệt tổng mức đầu tư 3 dự án thành phần trên cơ sở thực tế.

Ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô - nêu rõ đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4, làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển. Theo ông, công tác giải phóng mặt bằng dự án này cũng có ý nghĩa như vậy - làm sớm được ngày nào thì người dân có điều kiện ổn định cuộc sống sớm ngày đó. Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Ban Chỉ đạo dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ đối với 9 nội dung kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án.

Theo Thanh Hà

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên