Đại gia đua gom đất: “Con dao hai lưỡi” từ sự bật dậy của thị trường bất động sản
Đầu quý I/2022, nhiều công ty địa ốc bày tỏ tham vọng muốn thực hiện các siêu dự án lên tới hàng nghìn ha đất sau thời gian dài bị ghìm chân bởi dịch Covid-19.
- 25-02-2022Nhen nhóm "sốt đất", Quảng Nam “lệnh” kiểm soát các giao dịch ảo và “thổi giá”
- 25-02-2022Sốt đất toàn thế giới: Căn hộ 7m2 ở London vừa được bán với giá 2,7 tỷ đồng, người bán cũng không hiểu người mua định làm gì
- 23-02-2022Môi giới “tay ngang” kể chuyện “tay không bắt giặc”, kiếm tiền tỷ nhờ cơn sốt đất nền
Mới đây, một Tập đoàn lớn đã có động thái “gom đất” tích cực khi tuyên bố đề xuất xây khu đô thị quy mô 1.154 ha ở xã Tân Nhựt và Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 80.000 tỷ đồng.
Dự báo thị trường bất động sản sẽ hồi phục tốt sau 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang tiến hành mở rộng, thâu tóm quỹ đất (Một doanh nghiệp đi khảo sát dự án tại Đà Lạt - Ảnh: LV)
Doanh nghiệp chạy đua mở rộng quỹ đất
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Chánh, lãnh đạo DN này đã báo cáo chi tiết kế hoạch đầu tư Khu đô thị nghỉ dưỡng Smart Eco City với điểm nhấn là tòa tháp 99 tầng, kỳ vọng sẽ xây dựng một khu đô thị phức hợp mang tính điểm nhấn cho Bình Chánh nói riêng và TP.HCM nói chung.
Doanh nghiệp này còn thể hiện tham vọng quỹ đất rất lớn khi liên tục có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án BĐS nghỉ dưỡng và đô thị ở nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bình Định, Quảng Bình, Tây Nguyên…
Cũng trong quý đầu năm, Công ty cổ phần Sacom - Tuyền Lâm đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin, tài trợ lập quy hoạch khu đô thị du lịch tại hai xã Lộc Phát và Đạm B'ri, thành phố Bảo Lộc với quy mô 1.034,5 ha. Thời gian qua, Bảo Lộc là điểm nóng hút giới đầu tư bất động sản từ TP HCM và Hà Nội đổ về săn đất nền.
Một đại gia địa ốc khác là Công ty Bất động sản BIM cũng mới đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam nghiên cứu khảo sát, lập quy hoạch và thực hiện thủ tục đầu tư dự án khu đô thị Thăng Bình quy mô 570 ha. Dự án này nằm trong quy hoạch chung khu đô thị Đông Nam Thăng Bình 2 diện tích 2.785 ha (thuộc khu kinh tế mở Chu Lai).
|
Không đứng ngoài “đường đua” mở rộng quỹ đất, Tập đoàn Novaland cũng liên tục có động thái mở rộng thị phần bất động sản khi công bố việc thành lập công ty con là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Novaland Đất Tâm. Vào đầu tháng 1 vừa qua, liên doanh này đã đưa ra ý tưởng quy hoạch dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha tại huyện Đắk GLong và Vườn quốc gia Tà Nùng.
Mở rộng quỹ đất trở thành hướng đi chủ chốt của Novaland khi vào cuối tháng 1, đơn vị này tiếp tục đề xuất ý tưởng phát triển quy hoạch chung cho huyện Hồng Ngự và TP Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) thành Mekong Smart City với 11 dự án thành phần có tổng quy mô hơn 13.000 ha.
“Con dao hai lưỡi”
Việc doanh nghiệp đẩy mạnh thâu tóm quỹ đất cùng với các thương vụ M&A đã được các chuyên gia dự báo trước đó. Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam lý giải nguyên nhân là do các ông lớn, mạnh về tài chính muốn rút ngắn thời gian tham gia thị trường với từng dự án cụ thể khi mà quỹ đất đang dần cạn kiệt.
Hơn nữa, sau 2 năm dịch bệnh, không ít doanh nghiệp tổn thất nặng nề, không đủ sức để phát triển các dự án dang dở, phải chấp nhận sang nhượng cho những doanh nghiệp "khỏe mạnh" hơn.
Việc mở rộng quỹ đất làm dự án của các doanh nghiệp cũng là cơ hội giúp các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư (Ảnh: LV)
Việc mở rộng quỹ đất làm dự án của các doanh nghiệp nhìn về mặt tích cực cho thấy thị trường bất động sản tại nhiều tỉnh thành đang ngày càng phát triển mạnh. Đây cũng chính là cơ hội giúp các địa phương đẩy mạnh thu hút đầu tư, bao gồm cả việc thu hút các doanh nghiệp làm dự án bất động sản, từ đó góp phần kiến tạo và chỉnh trang đô thị.
Diễn biến này sẽ giúp nhiều khu vực vùng ven, xa trung tâm có cơ hội phát triển hạ tầng, kết nối vùng và có giá bất động sản tăng cao hơn.
Theo báo cáo triển vọng ngành năm 2022 của Chứng khoán BSC (CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam), ngành BĐS có triển vọng lớn nhờ hàng loạt thông tin tích cực. Điển hình là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu đô thị vệ tinh, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Điều này phù hợp với xu hướng đầu tư làm dự án ở các đô thị vệ tinh và tỉnh thành cấp 2-3 của nhiều doanh nghiệp BĐS.
Chia sẻ với PV, ông Trần Khánh Quang - Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cũng cảnh báo, bên cạnh mặt tích cực, mặt tiêu cực của cuộc đua thu gom quỹ đất cũng khá lớn. Theo ông Quang, động thái công bố tham vọng lập các siêu dự án trong khi chỉ mới khảo sát, đánh giá tiền khả thi và chưa hoàn tất pháp lý dễ bị các nhóm đầu lợi dụng đẩy giá bất động sản lên cao, dẫn đến xảy ra sốt đất ảo.
Bên cạnh đó, nếu năng lực của doanh nghiệp không đủ để triển khai siêu dự án có thể gây khó cho người dân vì bị vướng quy hoạch treo và việc liên tục công bố các dự án lớn trên địa bàn có thể khiến giá đất bị đẩy cao gây khó khăn khi thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cũng quan ngại, việc doanh nghiệp trình làng quá sớm một siêu dự án cũng có thể tác động đến tâm lý thị trường, đẩy giá đất xung quanh dự án (còn quy hoạch trên giấy) tăng nhanh hơn.
"Những cảnh báo về hệ lụy từ cuộc đua mở rộng thị trường đất hiện nay đòi hỏi việc tiếp cận thông tin hay khảo sát tiền khả thi cho các dự án quy mô lớn cần được chính quyền địa phương rà soát thông tin thận trọng, tránh tình trạng công bố quá sớm hoặc tràn lan, gây nhiễu loạn thị trường" - bà Hương cảnh báo.
Diễn đàn doanh nghiệp