MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại học Harvard và MIT kiện Bộ Di trú Mỹ vì quyết định cấm cửa sinh viên học online

09-07-2020 - 12:45 PM | Tài chính quốc tế

Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts đang tìm kiếm sự ủng hộ của Tòa án để ngăn chặn việc Bộ Di trú (ICE) đuổi các sinh viên nước ngoài học online khỏi Mỹ.

Chủ tịch Harvard Lawrence Bacow nói rằng lệnh cấm mới của ICE dường như chỉ gây áp lực buộc các trường đại học và cao đẳng trên toàn nước Mỹ phải mở cửa khuôn viên trường học và tổ chức các lớp học trực tiếp trong mùa thu này bất chấp những nguy cơ đối với sức khỏe và sự an toàn của giáo viên và học sinh.

Quyết định khởi kiện được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Di trú Mỹ ban hành lệnh cấm cấp thị thực cho các sinh viên nước ngoài theo học ở các trường chỉ duy trì hình thức đào tạo trực tuyến. Cụ thể, các sinh viên đến Mỹ phải là những người theo học ở các ngôi trường đào tạo trực tiếp hoặc sử dụng cả hai hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến.

Hiện tại, Harvard đang tìm kiếm một lệnh từ tòa án nhằm tạm hoãn quy định này. Giải quyết vụ việc là Thẩm phán liên bang Allison Burroughs ở Boston, người từng đưa ra phán quyết cho Harvard trong vụ kiện cáo buộc trường này phân biệt đối xử với người Mỹ và người gốc Á trong tuyển sinh. Bà Burroughs dự kiến sẽ lên tiếng về vụ kiện trong ngày 9/7.

Các trường Đại học ở Mỹ bắt đầu tung ra các kế hoạch đào tạo trong đại dịch Covid-19 cho năm học mới bắt đầu bằng mùa thu này. Nhiều trường tiến hành đào tạo trực tiếp một các hạn chế nhưng Harvard cho biết tất cả chương trình giảng dạy của họ đều là trực tuyến. Trong khi đó, 40% học sinh của Harvard sẽ trở lại đại bản doanh của trường ở Cambridge, Massachusetts dù học trực tuyến.

Các trường đại học Mỹ phụ thuộc nhiều vào các sinh viên quốc tế. Hiện tại, chưa thể xác định tác động của lệnh cấm bởi chưa có đánh giá đầy đủ về việc sinh viên quyết định như thế nào nếu họ bị buộc phải thay đổi ngành học vì virus corona. Khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ trong năm học 2018-2019 với phần lớn tới từ Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên