MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đại hội đảng 19 của Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình với công cuộc "Hiện đại hóa thứ 5"

18-10-2017 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Đại hội đảng 19 của Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình với công cuộc "Hiện đại hóa thứ 5"

Đại hội 19 là một mốc quan trọng đánh dấu Trung Quốc chuyển sang "Thời đại Tập Cận Bình". Theo thông báo ban đầu của cơ quan ĐCSTQ ngày 29/9, có 2.287 đại biểu đến Bắc Kinh dự Đại hội, so với số liệu công bố ban đầu thiếu 27 đại biểu.

Sau khi Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội 19 kiểm tra, phát ngôn viên của Đại hội công bố với báo chí chiều ngày 17/10, cho biết có 2.280 đại biểu có đủ tư cách tham dự Đại hội.

Công cuộc hiện đại hóa thứ 5

Văn kiện lần này đề cập tới phương hướng và mục tiêu chung về “Đi sâu cải cách toàn diện, nhấn mạnh thúc đẩy toàn diện công cuộc hiện đại hóa hệ thống pháp trị và năng lực quản lý đất nước”.

Từ thập niên 1950, Trung Quốc đã đưa ra chủ trương tiến hành "4 hiện đại hóa" để xây dựng đất nước, gồm hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quốc phòng và hiện đại hóa khoa học kỹ thuật.

Tuy nhiên, lộ trình phát triển của nước này bị chậm lại sau các biến động chính trị như cuộc Đại cách mạng văn hóa (1966-1976). Sau Cách mạng văn hóa, lãnh đạo Trung Quốc là Đặng Tiểu Bình vẫn theo đuổi "4 hiện đại hóa", nhưng chú trọng xây dựng kinh tế, thực hiện cải cách và mở cửa, xây dựng nền kinh tế thị trường trên cơ sở vẫn duy trì chế độ công hữu.

Những người kế nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào tiếp tục đường lối này, đưa kinh tế Trung Quốc lên vị trí thứ hai thế giới.

Khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình tiếp nhận bộ máy lãnh đạo trong tình trạng bị vấn nạn tham nhũng làm suy yếu. Ông khởi động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" do xác định tham nhũng đang đẩy Trung Quốc tới chỗ nguy hiểm, làm suy yếu bộ máy quản lý đất nước.

Bởi vậy, ông đưa ra chủ trương về công cuộc "Hiện đại hóa thứ 5", tức "đi sâu cải cách toàn diện, nhấn mạnh thúc đẩy toàn diện công cuộc hiện đại hóa hệ thống pháp trị và năng lực trị nước".

Công cuộc này ngoài việc tiếp tục thực hiện đường lối về 4 hiện đại hóa, nhất là phát triển kinh tế và ổn định xã hội, còn nhấn mạnh những cải cách về xã hội, văn hóa và môi trường sinh thái.

Tiếp đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, cải cách thể chế chính trị, tập trung cải tổ các lĩnh vực như quyền lực chính trị, lập pháp, tư pháp, hiệp thương dân chủ... Đây là "công cuộc cải cách chính trị trọng đại liên quan tới toàn cục".

Dư luận các nước cho rằng đây là một công cuộc cải cách của ông Tập rất sâu rộng, đặc biệt đụng chạm tới nhiều lĩnh vực nhạy cảm cả về chính trị, kinh tế, quân đội và xã hội, nên dư luận đặt một dấu hỏi là “Liệu Đại hội 19 lần này đã đề cập tới chưa hay còn để lại sau Đại hội 19 mới tiếp tục thảo luận và tiến hành”.


Phát ngôn viên của Đại hội 19 ĐCSTQ tổ chức họp báo chiều ngày 17/10, thông tin về công tác chuẩn bị và các nghị trình quan trọng của Đại hội (Ảnh: CPC News)

Phát ngôn viên của Đại hội 19 ĐCSTQ tổ chức họp báo chiều ngày 17/10, thông tin về công tác chuẩn bị và các nghị trình quan trọng của Đại hội (Ảnh: CPC News)

Học thuyết chính trị của ông Tập Cận Bình

Dư luận Trung Quốc và nước ngoài chú ý tới Hội nghị Bộ chính trị Trung Quốc, họp ngày 29/9/2017, ra quyết định: “Trong báo cáo Đại hội 19 sẽ xác lập và ghi vào Điều lệ đảng những quan điểm lý luận trọng đại và tư tưởng chiến lược trọng đại, từ đó thể hiện đầy đủ thành quả mới nhất trong việc Trung Quốc hóa Chủ nghĩa Mác, thể hiện đầy đủ tư duy mới, tư tưởng chiến lược mới về trị nước do Trung ương đảng đưa ra từ Đại hội 18 tới nay”.

Thông cáo từ Hội nghị toàn thể trung ương 7 của Ủy ban trung ương ĐCSTQ, diễn ra từ 11 đến 14/10, tiếp tục xác nhận Điều lệ của đảng này sẽ được sửa đổi, có sự quán triệt các phát biểu, tư tưởng, chiến lược và học thuyết của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hiện nay tại Trung Quốc, phái chủ lưu ủng hộ, nhất là cơ quan tuyên truyền chính thống từ đầu năm nay ra sức tuyên truyền để mở đường cho việc đưa các học thuyết của ông Tập vào Điều lệ đảng trong Đại hội 19.

Công tác đảm bảo an ninh

Công tác này bao gồm nhiều vấn đề, nhiều tầng nấc khác nhau.

Trước tiên là công tác bảo vệ an ninh, an toàn nhất là thành phố Bắc Kinh nơi Đại hội 19 khai mạc vào 9h sáng nay, 18/10 (giờ địa phương).

Báo chí Trung Quốc cho biết Bí thư thành ủy Bắc Kinh Thái Kỳ đã ban hành những quy định bảo vệ nghiêm ngặt, coi công tác đảm bảo an ninh của Đại hội là một “nhiệm vụ chính trị trọng đại” của thành phố.

Ông tuyên bố “Phải đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, không để xảy ra tình huống bất trắc nào, chỉ cần có 1% mối đe dọa sẽ huy động 120% lực lượng dập tắt ngay”.

Ông nhấn mạnh, "Người dân phải quản lý gia đình mình, duy trì ổn định của Bắc Kinh". Ông ra lệnh cho các đơn vị an ninh “dám bắt, dám quản, dám chịu trách nhiệm”.

Trong thời gian tiến hành Đại hội 19, Bắc Kinh cũng hạn chế người ngoại tỉnh tới thủ đô du lịch, thắt chặt kiểm tra các tuyến phố quan trọng, như đường Trường An - đi qua Trung Nam Hải, và Quảng trường Thiên An Môn.

Trung Quốc đã ở chiến dịch rộng khắp về công tác tuyên truyền cho Đại hội. Cơ quan tuyên truyền của trung ương, thành phố Bắc Kinh cùng 30 tỉnh thành phát động chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, nhấn mạnh phải “bảo vệ quyền uy của Trung ương do đồng chí Tập Cận Bình làm hạt nhân”.

Cùng với chiến dịch này, Trung Quốc cũng thắt chặt quản lý báo chí, mạng xã hội, để tránh "những tin đồn thất thiệt".

Theo Nhà báo Kiều Tỉnh

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên