Đại sứ Israel tại Việt Nam: Bí quyết thành công của nông nghiệp Israel là đất nước chúng tôi không có gì!
Hai đại diện đến từ Israel và Pháp khi nói về nông nghiệp đều nhấn mạnh yếu tố công nghệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới sẽ đối diện với các thách thức an ninh lương thực ngày một nghiêm trọng.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông thôn, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan, theo thông tin từ Hội nghị tổng kết về nghị quyết này, diễn ra chiều ngày 26/11.
Theo đó, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng lên 26,25% năm 2017, tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên mức 27,2% năm 2017. Năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất của nhiều loại nông sản được nâng cao. Xuất khẩu ngày càng tăng với một số lại nông sản đã khẳng định được vị thế trên thế giới như lúa gạo, cà phê, cao su... Nhờ vậy, năm 2017, ngành nông nghiệp đã đóng góp vào tăng trưởng GDP 2,66%. Quy mô GDP của cả ngành đã tăng gấp 1,25 lần trong năm 2018.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, đều sẽ phải đối diện với các thách thức đến từ biến đổi khí hậu, tác động mạnh đến an ninh lương thực. Bài toán khó này chỉ được giải nhờ vào yếu tố công nghệ.
Điều này đã được minh chứng tại Israel, đất nước có 2/3 đất đai là sa mạc, lượng mưa quanh năm ít.
"Bí quyết thành công của Israel là vì đất nước chúng tôi không có gì", ông Nadav Eshcar – Đại sứ Israel tại Việt Nam nói tại sự kiện và chia sẻ rằng "rất ganh tị với điều kiện trồng trọt tại Việt Nam".
Nhờ công nghệ, đất nước này đã thay đổi, biến những vấn đề không thể thành có thể, thậm chí đạt những hiệu quả rất cao. "Chúng tôi hướng đến việc phát triển các giải pháp để khắc chế khó khăn, ông Nadav cho biết.
3,4% GDP của quốc gia này được đầu tư vào nghiên cứu phát triển khoa học. Hệ thống chính sách của nước này cũng tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Đơn cử như chính sách hoàn, hỗ trợ thuế, khuyến khích đầu tư vào giáo dục…
"Những đứa trẻ lớn lên luôn đặt mục tiêu trở thành doanh nhân có khả năng giải quyết những vấn đề của đất nước", ông Nadav tự hào nói.
Giải thích hiện tượng này, ông cho biết đó là nhờ vào những biện pháp giáo dục phù hợp, vừa gieo ước mơ, vừa chỉ ra cho người dân thấy được những lợi ích có thể đạt được nếu trở thành doanh nhân biết giải quyết vấn đề.
"Trái đất chỉ có một, chúng ta buộc phải giải quyết những thay đổi rất nhanh chóng của tương lai", ông Alexandre Bouchot, Tham tán phụ trách nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông, thời điểm hiện tại chính là lúc các quốc gia trên khắp thế giới phải có sự hành động trước những thách thức của an toàn an ninh lương thực. Nông nghiệp, lương thực theo ông Alexandre phải được phát triển bền vững.
Tại Pháp, nhiều chính sách đã được bàn thảo và ban hành. Đơn cử như Luật liên quan đến thúc đẩy cân bằng thực phẩm hay những chính sách đảm bảo thu nhập cho người nông dân yên tâm sản xuất. Cụ thể, Chính phủ Pháp đã có quy định về giá sàn hay quy định hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Vị này cũng đề cập đến yếu tố đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Với xu hướng tiêu dùng mới, để cạnh tranh, nước Pháp đang cắt giảm dần lượng phân bón bằng các phương pháp canh tác mới. Nông dân nước này cũng đang áp dụng các biện pháp cải thiện trồng trọt, chăn nuôi bằng khoa học, mà theo ông Alexandre là "bền vững đồng thời với kinh tế và môi trường".
Mặt khác, để giảm thiểu áp lực cho ngành sản xuất lương thực, ông Alexandre cũng đề cập đến việc tránh lãng phí thực phẩm. Tăng cường sử dụng hiệu quả thực phẩm là yêu cầu của tương lai, theo ông.
Tại Pháp, ông cho biết từ năm 2020, các nhà hàng bị cấm vứt bỏ đồ ăn thừa và tiến đến năm 2020, nếu thức ăn vẫn còn sử dụng được, thực khách buộc phải mang về. Còn đến năm 2025, việc sử dụng túi đựng bằng plastic tại các nhà hàng bị cấm hoàn toàn.