Đại sứ Thuỵ Điển nói về sai lầm phổ biến khi xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
"Môi trường sáng tạo khởi nghiệp của Thuỵ Điển không phụ thuộc vào việc xây dựng ra bao nhiêu hạ tầng mà bắt đầu từ ý niệm làm thế nào có được không gian cho suy nghĩ được tự do phát triển, những ý tưởng tốt được thoải mái tranh luận", Đại sứ Pereric Högberg chia sẻ với Trí Thức Trẻ.
- 11-08-2018Cố vấn khởi nghiệp người Úc: Có những điểm về văn hoá Việt Nam sẽ cản trở các bạn!
- 29-06-2018‘Đà Nẵng phải trở thành điểm đến của khởi nghiệp’
- 26-06-2018TP HCM đã chi hàng chục triệu USD cho khởi nghiệp sáng tạo
Việt Nam học gì từ "mái nhà" của các công ty công nghệ tỷ đô
Thuỵ Điển đang được xem là mái nhà cho những startup đẳng cấp. Dù quy mô dân số nhỏ, nhưng trong vài thập kỷ gần đây, theo ông Pereric Högberg - Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam, quốc gia này đã thu hút được sự chú ý của nhiều doanh nhân, nhà đầu tư cũng như các tài năng lớn.
Nhờ vậy, Stockholm đã chiếm vị trí thứ 2, sau thung lũng Silicon về đầu mối công nghệ, là nơi thu hút nhiều công ty công nghệ tỷ đô như Skype, Spotify, Minecraft và Candy Crush Saga. Nơi đây cũng là mái nhà của khoảng 20.000 startups, các doanh nghiệp công nghệ khởi đầu lập quỹ 1,5 tỷ Euro năm 2016. Riêng Stockholm đón nhận hơn 22.000 doanh nghiệp công nghệ.
Đại sứ Pereric Högberg tại lễ Công bố Cuộc thi toàn quốc Sáng tạo như người Thụy Điển
Đất nước Bắc Âu này cũng tạo dựng hệ thống vườn ươm doanh nghiệp và các khu công nghệ cao, nơi các ý tưởng và sáng tạo được ươm mầm và phát triển, các doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư và góp phần thu hút tài năng, những công nghệ mới nhất trên toàn cầu.
"Thành phố Stockholm thành nơi đáng sống", ông Pereric Högberg bật mí nguyên nhân thu hút các startup. Sự phát triển kinh tế nhịp nhàng, môi trường tư duy cởi mở, thông thoáng cùng nhiều các khu vui chơi, giải trí đã khiến thành phố này trở thành một điểm đến thú vị.
Và một khi đã có tiếng vang tốt, doanh nghiệp sẽ nối tiếp doanh nghiệp đến để đầu tư, tạo thành những trải nghiệm, sức bật vươn lên như những ví dụ thành công đã được chỉ ra, theo vị Đại sứ.
Môi trường khởi nghiệp sáng tạo cũng được Đại sứ Thuỵ Điển nhấn mạnh là không phụ thuộc vào việc xây bao nhiêu toà nhà – tức là cơ sở hạ tầng, mà dựa vào những suy nghĩ làm thế nào tạo dựng được không gian mà suy nghĩ có thể được tự do phát triển, các ý tưởng tốt được thẳng thắn tranh luận.
"Nếu chung ta nghĩ cần phải có hạ tầng, nguồn lực hay cái gì đó để khởi nghiệp, thì đó là khởi đầu sai lầm", ông nói và nhắc lại "môi trường để suy nghĩ được phát huy tối đa là quan trọng nhất".
"Chính phủ ở đâu trong câu chuyện phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp?", chúng tôi đặt câu hỏi cho ông Pereric Högberg.
"Có ít nhất 3 yếu tố", ông trả lời. Theo ông, đó là giáo dục, khi tạo dựng được môi trường cho phép sự tự do suy nghĩ phản biện, được trao đổi thẳng thắn. Đó là các chính sách của Chính phủ trong việc huy động chất xám, ủng hộ sự phát triển, thúc đẩy các doanh nghiệp có ý muốn khởi nghiệp sáng tạo. Cuối cùng là sự phân bổ thích đáng của Chính phủ cho nghiên cứu phát triển. Hiện Thuỵ Điển là quốc gia có tỷ suất đầu tư cho nghiên cứu đạt tới 4% GDP.
Đo đếm công việc bằng hiệu quả, không bằng thời gian ngồi văn phòng
Lagom là một triết lý nổi tiếng của Thuỵ Điển, được quốc gia này xuất khẩu thành công sang các nước. Lagom được hiểu nôm na là sự "vừa đủ", hay cách hiểu khác là sự cân bằng. Triết lý này thấm nhuần trong cách làm việc của người Thuỵ Điển.
Tự nhận Thuỵ Điển là quốc gia có tính cạnh tranh cao, nhưng ông Đại sứ nhấn mạnh nó không hề mâu thuẫn với triết lý "vừa đủ" này. Ngược lại, ông cho biết giữa hai thứ này có sự kết nối mà ở đó, cuộc sống và công việc được cân bằng.
Nhờ vào việc cân bằng cuộc sống (làm việc ít giờ hơn, nghỉ ngơi nhiều), ông cho biết Thuỵ Điển có được hiệu suất cao trong công việc.
"Để đạt được kết quả cao, trở nên thông thái hơn, sự cân bằng là điều quan trọng", ông nói và giải thích rằng sự mất cân đối khi quá tải sẽ khiến cho tư duy rơi vào trạng thái lối mòn. "Đấy là cách chúng tôi tạo ra sự khác biệt", ông nhận định.
Thời gian sống, làm việc tại Việt Nam, ông Pereric Högberg nói rằng ở một khía cạnh, ông bị ấn tượng bởi sự chăm chỉ làm việc của người Việt. "Họ sẵn sàng làm thêm giờ, nhận công việc bán thời gian, học thêm, đó là điều tốt. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tự hỏi thời gian đó có xứng đáng không, có cách nào để hiệu quả đạt được một cách dễ dàng hơn không?", ông mỉm cười.
Theo vị Đại sứ, sẽ có nhiều cách để giải quyết nếu như mọi người cùng trao đổi, tìm ra những giải pháp tốt hơn cho một vấn đề. Nhờ vậy, thời gian cho mỗi vấn đề sẽ được rút ngắn.
Ở Việt Nam, sự chăm chỉ luôn được đề cao, đơn cử như lời khuyên các bạn trẻ không nên về trước 7h tối. Tuy nhiên, ông Pereric Högberg nói rằng trừ những công việc đặc thù do ca kíp, hoặc dự án tại một thời điểm nhất định, đối với việc văn phòng, nên trở về nhà đúng giờ.
"Tôi nghĩ là nếu chúng ta cố gắng hoàn thành công việc với thời gian ít hơn, hiệu quả năng suất sẽ cao hơn. Hiệu quả là thứ quan trọng hơn là tính toán lượng thời gian tại văn phòng", ông nói.
"Công việc đôi khi thú vị thật, nhưng phải cân bằng để có thời gian khác cho cuộc sống", ông nhắc lại triết lý Lagom của người Thuỵ Điển.
Việt Nam, trong mắt vị Đại sứ, đang có những điều kiện hết sức thuận lợi để tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năng động. Như vậy, chỉ cần người Việt tiếp tục tận dụng những nền tảng đang có, cùng với ước muốn lên, tiếp tục học hỏi và sáng tạo, không gì có thể ngăn cản được những bước tiến.