Đảm bảo lương, thưởng cho lao động mất việc, giảm giờ làm
Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn lãi suất 0% để vay trả lương cho người lao động
- 21-12-2022Tài trợ 107 triệu USD cho một dự án điện gió ở Ninh Thuận
- 21-12-2022Bình Dương: Thưởng Tết gần 900 triệu đồng
- 21-12-2022Hàng không tăng chuyến, hạ tầng đáp ứng đến đâu?
Sáng 21-12, Đoàn công tác của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội do Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn đầu đã thực hiện giám sát về tình hình lao động, việc làm tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) và Công ty CP Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (KCN Tân Bình, quận Tân Phú).
Trao đổi với đoàn, bà Phạm Thị Út, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tỷ Hùng cho biết từ năm 2021, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đến năm 2022, do tác động của tình hình kinh tế thế giới, đơn hàng của công ty giảm 70-80%, chỉ còn những đơn hàng nhỏ lẻ nên doanh nghiệp buộc phải thu hẹp các chuyền, các phân xưởng lớn tại TP HCM, cắt giảm gần 1.200 công nhân. Khi cắt giảm công ty vẫn đảm bảo mọi quyền lợi cho công nhân bị nghỉ việc như chi hỗ trợ mất việc, thưởng Tết, trợ cấp mất việc. Ngoài ra, người lao động còn được Công đoàn cơ sở và LĐLĐ quận Bình Tân chăm lo.
Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi giám sát ở Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công
Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công, đầu quý IV đơn hàng của doanh nghiệp cũng bắt đầu bị giảm. Tuy nhiên, công ty không chủ trương cắt giảm lao động mà chỉ giảm giờ làm (chỉ làm 8 tiếng/ngày, không tăng ca, bố trí nghỉ phép năm đồng loạt…). Lượng lao động tại công ty trong thời gian này cũng có biến động giảm, nhưng là giảm tự nhiên do người lao động tự nghỉ và doanh nghiệp không tuyển mới bổ sung. Bên cạnh đó, để tạo việc làm, ổn định thu nhập nhằm giữ chân lao động, giai đoạn này công ty chấp nhận sản xuất những đơn hàng giá rẻ, giảm lợi nhuận, thậm chí không có lợi nhuận. Hiện tại, đơn hàng của công ty đang dần hồi phục, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 85% năng lực sản xuất và dự kiến năm 2023 tình trạng khó khăn vẫn sẽ tiếp tục. Dù vậy, với nỗ lực của DN, năm 2022, thu nhập của công nhân trực tiếp sản xuất đạt gần 10 triệu đồng/người/tháng, thưởng tết 2023 dự kiến khoảng 1,7 tháng lương/người.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Nhân sự Công ty CP Dệt may Đầu tư thương mại Thành Công, chia sẻ tình hình doanh nghiệp tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cải cách thủ tục, đẩy mạnh giao dịch điện tử để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận, thực hiện chính sách; tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn tiếp cận nguồn vốn lãi suất 0% để vay trả lương cho người lao động…
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chia sẻ với những khó khăn khách quan mà doanh nghiệp gặp phải, đồng thời ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc thực hiện tốt chính sách lương, thưởng, đảm bảo chế độ cho người lao động khi mất việc. Sau đợt giám sát tại một số doanh nghiệp ở TP HCM, Long An, Tây Ninh, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp hình hình để tiếp tục kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp; nới lỏng thủ tục vay vốn để doanh nghiệp dễ tiếp cận nhằm nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất; Đề nghị Bộ Công thương đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động giúp doanh nghiệp kết nối với thị trường nước ngoài…
Người Lao Động